Vải thiều Thanh Hà có trong suất ăn của Vietnam Airlines
Vụ vải năm nay, lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
- 09-06-2023Vải thiều đầu vụ mất giá
- 08-06-2023Không mua theo cân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt cả cây vải thiều xuất Nhật
- 08-06-2023Xuất khẩu lô vải đầu tiên bằng đường sắt sang Trung Quốc
Sáng 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà tổ chức sự kiện công bố xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu năm 2023 và sự kiện "Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách".
Vụ vải năm nay, lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines do Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam cung cấp.
"Năm 2023 là năm đầu tiên khoảng 20 tấn vải thiều Thanh Hà đã được đưa lên suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ giúp thực khách trong nước và quốc tế biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp loại quả này bay xa hơn nữa tới các thị trường khó tính", bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thông tin.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh trên 8.800 ha vải, tập trung tại Thanh Hà và Chí Linh; trong đó 70% vải chính vụ.
Có 5 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng vải toàn tỉnh trên 60.000 tấn; trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu.
Vải thiều chính vụ Hải Dương đang được thu hoạch tới hết tháng 6/2023. Giá vải sớm 80.000 - 100.000 đồng/kg và hiện tại vải thiều dao động tầm 20.000 đồng/kg.
Vải Thanh Hà "rộng đường" xuất khẩu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%; trong đó, đặc biệt, lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu ngày càng tăng qua các thị trường truyền thống là Trung Quốc, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia…
Trong chuyến thăm vùng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mới đây, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đã trực tiếp trò chuyện với người nông dân, thưởng thức vải chín tại vườn và ghé thăm cây vải tổ.
Các vị khách đến từ thị trường vốn được đánh giá là khó tính đã bày tỏ sự ngạc nhiên và dành lời khen ngợi đối với vùng trồng vải rộng lớn, nhất là ấn tượng với chất lượng thơm ngon của quả vải Thanh Hà.
Ông Yuchiro Shiotani - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, quả vải Hải Dương đã có mặt tại Nhật Bản từ năm 2020 và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ông tin tưởng với chất lượng được đảm bảo, sản lượng vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai chắc chắn sẽ vượt kỳ vọng.
Tập đoàn Aeon có hệ thống nhiều siêu thị ở Nhật Bản, dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 50 tấn vải hoặc nhiều hơn. Mặc dù một số quốc gia khác cũng có vải xuất khẩu, nhưng tập đoàn Aeon vẫn dành ưu tiên đối với quả vải của Việt Nam.
Không riêng các khách hàng từ Nhật Bản, theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ - doanh nghiệp đã có 15 năm thu mua và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà, năm nay quả vải Thanh Hà mẫu mã và chất lượng rất tốt và hứa hẹn thị trường xuất khẩu được mở rộng.
Ông Mai Xuân Thìn - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, mùa vải năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 200 tấn vải và năm nay dự kiến sản lượng vải xuất đi các thị trường sẽ tăng cao. Năm nay công ty vẫn duy trì thị trường Australia, Nhật Bản và Mỹ, nhưng kỳ vọng năm sau thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh.
Vụ vải năm 2023, công ty Rồng Đỏ có kế hoạch xuất khẩu 150 tấn vải đi Nhật Bản, 100 tấn vải đi Australia. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Với những tín hiệu hiện nay, doanh nghiệp tin tưởng Mỹ sẽ là thị trường đầy tiềm năng trong thời gian tới.
Để xuất khẩu thuận lợi, bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Theo bà Kiểm, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên ngành nông nghiệp cần khuyến cáo người trồng trong quá trình chăm sóc vải thiều.
Bên cạnh giám sát, tập huấn trực tiếp cho người trồng vải, Hải Dương tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để biến đây là "cánh tay nối dài," giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều.
VTV