MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 20 tỉnh của Việt Nam trồng “vàng đen” triệu USD khiến Trung Quốc thích mê, hơn 100 nước đặt hàng

Mặt hàng này của Việt Nam rất được ưa chuộng ở Trung Quốc và được nhiều quốc gia trên thế giới nhập về.

Loại "vàng đen" này chính là hồ tiêu. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngay trong tháng 1/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã đạt sản lượng 20 nghìn tấn và trị giá 79 triệu USD. Kết quả này tăng 60,2% về lượng và tăng tới 83,9% về trị giá so với tháng 1 của năm 2023. Hơn nữa, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam trong tháng đầu năm 2024 ước đạt mức 3,953 USD/tấn, tăng 14,8% so với tháng 1 năm 2023.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại, trong đó có 236.148 tấn tiêu đen và 27.946 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2023 đạt 906,5 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu bị giảm ở mức bình quân khoảng 420 USD/tấn đối với tiêu đen và 635 USD với tiêu trắng.

Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ…

Trong số các thị trường này, Trung Quốc là quốc gia nhập nhiều hồ tiêu của Việt Nam. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong năm 2023 đạt khoảng 9,18 nghìn tấn, với kim ngạch 39,75 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022. Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu hàng năm của Trung Quốc là khoảng 65 – 70 nghìn tấn.

Gần 20 tỉnh của Việt Nam trồng “vàng đen” triệu USD khiến Trung Quốc thích mê, hơn 100 nước đặt hàng- Ảnh 1.

Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc). Ảnh minh họa

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, về cơ cấu nguồn cung, trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hồ tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số đó, Indonesia chính là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho quốc gia này, với sản lượng đạt hơn 4 nghìn tấn, trị giá 17,63 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 19,5% về trị giá so với năm 2022.

Hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ hai cho quốc gia tỷ dân (chỉ sau Indonesia). Cụ thể, trong năm 2023, tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 3,36 nghìn tấn, với trị giá 13,23 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 1% về trị giá so với năm 2022.

Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong năm 2024, dự báo nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc sẽ tăng so với năm 2023. Đây chính là cơ hội cho những nhà xuất khẩu hạt trên trên thế giới. Bởi hồ tiêu chủ yếu được dùng để làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm. Hơn nữa, đây cũng là mặt hàng được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng hồ tiêu ở Việt Nam đạt 115 nghìn ha trong năm 2023, giảm 5 nghìn ha so với năm 2022. Hiện nay, có gần 20 tỉnh có diện tích trồng chính về hồ tiêu trên 100 ha ở Việ Nam. Trong đó, hai vùng có diện tích hồ tiêu tăng nhanh nhất là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 đã bắt đầu diễn ra ở một số huyện của tỉnh tỉnh Đắk Nông, nhưng chưa nhiều.

Thách thức nào cho hồ tiêu Việt Nam trong năm 2024?

Gần 20 tỉnh của Việt Nam trồng “vàng đen” triệu USD khiến Trung Quốc thích mê, hơn 100 nước đặt hàng- Ảnh 2.

Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong năm 2024 được dự báo là phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang là nước sản xuất hồ tiêu số 1 trên thế giới, đóng góp khoảng 40% nguồn cung trên toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu năm 2024 được dự báo là sẽ tiếp tục giảm xuống còn 180 nghìn – 200 nghìn tấn trong năm 2024.

Về nguyên nhân, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), những đợt mưa lớn kéo dài trong thời gian gần đây tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam nước ta đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức cho người trồng hồ tiêu.

Đại diện của VPSA nhận định, bên cạnh những thách thức kéo dài từ năm 2023 về vấn đề giá cước, dư lượng…, ngành hồ tiêu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024. Đây cũng là năm có sản lượng tồn kho từ năm trước chuyển qua thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Với lượng tồn kho thấp, sản lượng được dự báo giảm cùng lượng nhập khẩu thấp hơn (do các quốc gia khác cũng hạn chế về nguồn cung dư thừa), khiến việc xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ đạt mức thấp.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm 2024 sẽ giảm 1,1%, tương đương với giảm 6.000 tấn. Nguyên nhân là điều kiện thời tiết bất lợi vì hiện tượng El Nino đang ảnh hưởng tới năng suất và thu hoạch hồ tiêu. Ngoài ra, giá của hồ tiêu trên toàn cầu cũng có xu hướng tăng trong quý I/2024 vì sản lượng tiếp tục giảm tại những quốc gia sản xuất chính. Điều này cũng sẽ tác động tới giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Eating Well, ăn hạt tiêu với lượng vừa đủ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Loại hạt này giúp cơ thể hấp thụ chất chống oxy hóa tốt hơn, giảm viêm, đồng thời tăng cường sức khỏe não bộ.

Bài viết tham khảo nguồn: Mard, Moit, Customs, VSPA, IPC


Theo Minh Hằng

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên