Gần 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Kẽ hở chuyển giá
Những ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi là những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thời doanh nghiệp lại có “kẽ hở” để chuyển giá.
- 10-07-2018Kiến nghị cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư
- 10-07-2018Chuyên gia Deloitte giải thích chuyện "chuyển giá" của doanh nghiệp FDI là hợp pháp ra sao?
- 05-07-2018Doanh nghiệp FDI kiến nghị 4 vấn đề lớn về ngân hàng
Tại Hội thảo chuyên đề "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/7, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định những đóng góp của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào ngân sách nhà nước hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng.
Một trong những nguyên nhân chính là các DN có vốn ĐTNN lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân...) để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Theo đại diện Cục Tài chính DN, tính riêng trong năm 2016, doanh thu của DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,7% so với năm 2015, cao hơn mức độ tăng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (15,5%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN này thuận lợi. Số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực DN có vốn ĐTNN là 161.608 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng ở mức cao (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 16,3% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản là 5,82%) song tình trạng DN thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước.
Từ năm 2012 đến 2016, số lượng DN có vốn ĐTNN báo lỗ hằng năm là từ 44%-51% (đặc biệt năm 2015 là 51% và năm 2016 là 50%).
Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, theo đại diện Cục Tài chính DN còn có hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN có vốn ĐTNN trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện cơ quan thuế đang gặp phải những khó khăn trong thanh, kiểm tra hoạt động chuyển giá như: Cơ sở dữ liệu so sánh chưa đầy đủ, gây khó khăn trong xác định doanh thu của người nộp thuế; thời hạn thanh tra giá chuyển nhượng ở các nước thường kéo dài, tuy nhiên tại Việt Nam, để tránh gây phiền hà cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, Luật Quản lý thuế quy định mỗi cuộc thanh tra dài nhất cũng chỉ trong 70 ngày, trong khi cơ quan thuế cần rất nhiều thời gian để thu thập thông tin và tiến hành phân tích kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành còn chưa kịp thời, nguồn thông tin hạn chế cũng gây khó khăn trong công tác thanh tra.
Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác này, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở ngăn ngừa các hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhận và tránh thuế. Nghiên cứu giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế, đồng thời, tăng cường phối hợp trao đổi, hợp tác quốc tế.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam thì cho rằng Việt Nam là một trong số những quốc gia nằm trong khu vực có thuế suất TNDN thấp, việc chênh lệch thuế so với các nước khác tạo điều kiện cho các DN có xu hướng chuyển lợi nhuận để tối đa hóa lợi nhuận của mình.
Theo ông Tuấn, đối với việc quản lý giao dịch liên kết liên quan đến giá chuyển nhượng, Việt Nam đã theo sát những khuyến nghị của OECD và cũng tham gia vào chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” bằng việc ban hành các chính sách cụ thể, như Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Đây là điều kiện tiên quyết thắt chặt những quy định của Việt Nam, cho phép các cơ quan thuế có quyền đăng nhập sâu hơn vào hoạt động DN, như yêu cầu DN cung cấp báo cáo lợi nhuận đa quốc gia; tăng cường mối liên hệ, trao đổi với cơ quan thuế của các nước khác, trên cơ sở đó đưa ra những phân tích đánh giá chính xác.
Điều này đã tạo nên những thay đổi rất lớn trong “ứng xử” của các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, buộc DN phải cân đối lại hoạt động kinh doanh, thu chi vì kể cả khi có hành động sắp đặt để chuyển giá trót lọt, cơ quan thuế vẫn có quyền truy thu khi thanh kiểm tra.
“Thay vì bị truy thu và chịu những hình phạt mang tính răn đe cao, các DN đã có những thay đổi tích cực trong sửa đổi các chính sách sản xuất, cân đối lại thu nhập”, ông Tuấn cho biết.
Đồng tình với quan điểm cho rằng chuyển giá là hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên, bà Nguyễn Vân Chi, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần phải làm rõ đâu là những hoạt động chuyển giá đúng quy định và đâu là chuyển giá nhằm trốn thuế.
Bên cạnh đó, bà Vân Chi đánh giá cao việc ra Nghị định 20 của Chính phủ để chủ động quản lý vấn đề này và đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Dù vậy, bà Chi cho rằng vẫn cần cân nhắc để làm cho Nghị định này tới gần hơn với những quy định của OECD.
Chinhphu.vn