Gần 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chiều 13-1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
- 14-01-2023SCMP: Nhiều công ty châu Âu tìm đến Việt Nam và Ấn Độ, vị trí “cường quốc sản xuất” của Trung Quốc trong 40 năm qua chịu áp lực?
- 14-01-2023Doanh thu xuất khẩu của Samsung chiếm bao nhiêu % kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2022?
- 14-01-2023Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, ngay từ đầu năm 2022, bộ đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C. Lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cùng các dự án cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 3 TP HCM; Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch. Đặc biệt, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã cùng các bộ, ngành, địa phương huy động được "tiền tươi thóc thật" từ 5 nguồn vốn quan trọng: Vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách. "Nếu nhiệm kỳ trước, các nguồn vốn được huy động cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 136.000 tỉ đồng thì nhiệm kỳ này, con số huy động được là gần 500.000 tỉ đồng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận định năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT "khó khăn nào cũng phải vượt qua". Bên cạnh đó, phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để đạt được mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
Thời gian tới, nguồn vốn vẫn được xác định tập trung cho hạ tầng giao thông, nhất là công trình cao tốc. Theo Thủ tướng, chủ trương của Đảng là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, có cơ chế chính sách để khởi động lại hình thức BOT để huy động nguồn lực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý cần có công cụ kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực.
Với các dự án giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nguyên tắc không chia nhỏ dự án, đầu tư dàn trải, manh mún, không để xảy ra tình trạng bán thầu sai quy định. Nhà thầu nào có đủ năng lực phải đưa vào thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án. Các dự án đã được phê duyệt phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý.
Người Lao Động