MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần Tết Mậu Tuất 2018: Thương lái ép giá nông dân vì nguy cơ thừa lợn

31-01-2018 - 15:37 PM | Thị trường

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - nghịch lý là hiện tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn tại Đồng Nai số lượng hộ chăn nuôi lợn giảm tới 50%, nhưng số lượng đầu lợn lại tăng lên đến mức 2 triệu con, thay cho mức 1,7 triệu con năm 2016.

Trong khi giá lợn trên thị trường vẫn không thể đủ cho người nuôi có lãi, nhưng nguy cơ dư thừa thịt lợn là hoàn toàn có thể, nhất là trong bối cảnh nông dân buộc phải xuất chuồng trước Tết Nguyên đán.

Càng “lỳ” càng lỗ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết: Với mức giá lợn giảm sâu như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ coi như không thu được gì sau những ngày vất vả “họ mất hết rồi, còn gì nữa đâu mà không buồn. Có một giai đoạn giá lợn lên khoảng trên 30 nghìn đồng/kg, nhưng chỉ một giai đoạn ngắn giá lại xuống thấp.

Với mức giá như hiện nay khoảng 30 nghìn đồng/kg, các trang trại chăn nuôi công nghệ cao quy mô hàng chục nghìn con, các doanh nghiệp (DN) có cơ hội lãi, nhưng các nông hộ nhỏ lẻ thì coi như “chết chắc””- ông Nguyễn Kim Đoán - buồn rầu cho biết. Theo ông, với giá như hiện nay, các hộ chăn nuôi khoảng từ 500 con lợn trở xuống đã phải dẹp chuồng. Các hộ nuôi mấy nghìn con cũng giảm đi 20-30%. Tổng đàn của nông dân hiện nay đã giảm 50%, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đã phải đóng chuồng vì không thể còn vốn để tiếp tục kéo dài. Những hộ “lỳ” hơn cũng đã phải buông tay vì càng “lỳ” càng lỗ”.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, các hộ chăn nuôi lợn phải bỏ nghề hiện nay không kiếm được nghề mới để có nguồn thu nhập ổn định như trước; thanh niên trai tráng thì rời quê đi công nhân hoặc đi làm thuê kiểu “lao động tự do”, những người trung tuổi không còn sức lao động, thì quanh quẩn ở nhà không biết làm gì để có thu nhập. Hệ lụy từ vấn đề này là rất lớn.

Nhiều lần trao đổi với chúng tôi, ông Đoán cũng bày tỏ nỗi bất lực khi cá nhân ông cũng như Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai không thể giúp được nhiều cho nông dân. Giá lợn giảm sâu và cơn bão khủng hoảng giá đã quét vào ngành chăn nuôi nội địa, khiến các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không thể cầm cự, phải nhường sân chơi cho các tập đoàn lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều lần ông cũng tỏ nghi ngờ về khả năng thao túng thị trường của những DN lớn, có bàn tay “làm giá” trong thời gian vừa qua, khi một số DN chăn nuôi FDI sẵn sàng chịu lỗ tới hàng chục tỉ đồng để đẩy giá lợn giảm sâu sát đáy trong thời gian dài khiến nông dân không thể cầm cự, phải dừng cuộc chơi, nhường “sân nhà” cho DN ngoại trường vốn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một vài DN gần như làm chủ thị trường, có sức ảnh hưởng mạnh đến mức, giá lợn trên thị trường đều dựa vào mức giá niêm yết của DN này để trồi sụt.

Gần Tết Mậu Tuất 2018: Thương lái ép giá nông dân vì nguy cơ thừa lợn - Ảnh 1.

Một trang trại đang còn hàng nghìn con lợn thịt tại Hà Nội. Ảnh: THẾ ANH


Mất “sân chơi” vào tay “ông lớn”

Cũng theo ông Nguyễn Kim Đoán, nghịch lý là trong khi 50% hộ chăn nuôi lợn đã phải “treo chuồng”, nhưng ngược lại, con số thống kê chăn nuôi lợn tại Đồng Nai hồi tháng 10.2017 cho thấy số lượng lợn tại địa phương này đã tăng khoảng 300 nghìn con, từ 1,7 triệu con năm 2016 lên mức 2 triệu con năm 2017 (số liệu đến tháng 10). Thực tế cho thấy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị phá sản, nhưng các DN lại mở rộng quy mô, trong đó chủ yếu là các DN đầu tư nước ngoài (FDI) chăn nuôi theo công nghệ cao. Theo nguồn tin của PV, mặc dù một số DN lớn (như CP) cho rằng, tỉ trọng chăn nuôi lợn của họ chỉ chiếm khoảng 5% thị trường, “không đủ sức chi phối giá thị trường” - nhưng thực tế, số lượng lợn họ “gia công” tại các hộ dân lên tới hàng chục nghìn con/hộ.

Lãnh đạo một DN cũng cho biết, ký hợp đồng gia công với nông dân, họ bao trọn từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ và chế biến; nông dân hầu như chỉ còn vai trò “nuôi thuê”. Điều này có nghĩa là ngành chăn nuôi đã gần như thay đổi: Người nông dân không còn làm chủ thị trường nữa, mà phải nhường lại cho các DN mạnh vốn hơn, bởi theo ông, với mức giá 30 nghìn đồng/kg, các DN chăn nuôi khép kín với quy mô hàng trăm nghìn con có lãi, nhưng nông dân thì phải bán được lợn ở mức 35 nghìn đồng/kg thì mới mong có lãi chút đỉnh” - ông Nguyễn Kim Đoán cho biết.

Nguy cơ dư thừa lợn, thương lái “ép giá” nông dân

Từ 3 tuần nay, giá thịt gia súc trên thị trường không tăng, trái ngược hoàn toàn với quy luật hằng năm, giá thịt gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán gần như “tăng từng ngày”. Thậm chí ngược lại, giá thịt lợn trên thị trường còn giảm mạnh, trong khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt lợn để chế biến giò, chả, thực phẩm ăn liền… lớn gấp 2-3 lần ngày thường. Nhiều nông dân cho biết, chuồng trại của họ vẫn tồn rất nhiều lợn thịt.

Ông Nguyễn Thế Anh - một trong những chủ trang trại lợn lớn nhất tại Ứng Hòa (Hà Nội) - cho biết: Giá lợn xuống thấp nhưng đến lứa là phải xuất chuồng nếu không sẽ “chết tiền cám”. Lợi dụng điều này, thương lái luôn tìm cách ép giá đến mức “đáy”. Hiện tại, cứ mỗi kilôgam lợn bán ra, người nuôi lỗ 2.000 đồng, nhưng vẫn phải cắn răng bán. “Từ khi giá xuống thấp, hơn 15 tháng qua chúng tôi phải cầm cự nuôi để chờ thị trường ấm lại, nhưng đến sát tết giá lợn vẫn ở mức đáy. Đến thời điểm này, trang trại của gia đình tôi đã lỗ 70 tỉ đồng, trong chuồng vẫn còn khoảng 10 nghìn con” - ông Nguyễn Thế Anh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chiểu - chủ một trang trại nuôi lợn tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) - cũng chia sẻ: Trang trại của ông còn 2.000 con lợn thịt, số lượng lợn bán ra không quá chậm, nhưng giá rất thấp chỉ 30.000-31.000 đồng/kg, còn phần lớn là lỗ. Nhưng vì làm nghề, lỗ cũng phải theo đến cùng để chờ tình hình khả quan hơn. Dù không nói rõ con số cụ thể, nhưng ông Chiểu cũng thừa nhận số lỗ đã lên tới “nhiều tỉ đồng”. Thế nhưng, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, số lượng đầu lợn không tăng, chỉ tăng khoảng 1,5% sản lượng thịt lợn. Hiện nay tổng số lợn nái đã giảm 500 nghìn con, hiện còn ở mức 3,8 triệu con nái.

Lý giải về nguyên do giá thịt lợn trên thị trường giảm sút, ông Dương cho rằng đây là vấn đề cung cầu của thị trường và thừa nhận, thương lái đang có xu hướng ép giá người chăn nuôi, mặc dù lượng thịt trên thị trường không bị thừa. Người chăn nuôi cần tỉnh táo lựa chọn thông tin, không bị thương lái tung tin giả làm nhiễu loạn thị trường để trục lợi cho bản thân và gây thiệt hại cho nông dân.

Theo Khánh Vũ

Lao động

Trở lên trên