Gánh nặng nợ công “đè” tăng trưởng kinh tế
Nợ công tăng quá cao có thể sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.
- 08-10-2018Nợ công cao, áp lực trả nợ tăng mạnh
- 02-10-2018Nợ công giảm: Chưa vội mừng
- 24-09-2018Bộ KHĐT: Nợ công Việt Nam có xu hướng giảm!
Như đã đề cập ở bài trước, mặc dù nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, tỷ lệ nợ công/GDP còn giảm so với thời gian trước nhưng nợ nước ngoài của quốc gia lại tăng, nghĩa vụ trả nợ cũng đã vượt giới hạn cho phép. Thực trạng này đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.
Nặng gánh nợ
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, ngân sách liên tục thâm hụt và tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài qua các năm và tỷ lệ thu ngân sách so với GDP đã ở mức rất cao (năm 2015 bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bằng 6,28% GDP thực tế; năm 2016 là 4,95% GDP; năm 2017 là 3,48% GDP). Để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển, Việt Nam phải vay nợ ngày càng nhiều, khiến khối nợ công ngày càng phình to.
Nợ công tăng quá cao có thể sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Thành, với một nước đang phát triển, vay nợ là công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích sản xuất khi mức tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Tuy nhiên, nếu nợ công tăng lên ở mức quá cao thì tác động tới nền kinh tế có thể bị đảo ngược. Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới.“Mức nợ công của Việt Nam cao nhất trong các quốc gia trong khu vực và cùng trình độ phát triển. Đây là thực tế đáng lo ngại với một quốc gia chưa giàu đã mang gánh nặng nợ lớn”, PGS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
“Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vay vốn ODA, nếu lạm dụng vay nợ thì gánh nặng nợ trong tương lai là rất lớn. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, PGS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Mức nợ công của Việt Nam vài năm gần đây đã vượt qua mức 60%GDP và theo nhiều nghiên cứu, nợ công của Việt Nam đã bắt đầu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Bởi nợ công tăng là gia tăng áp lực trả nợ. Nhất là gần đây Việt Nam đã tốt nghiệp ODA, các khoản vay thương mại nhiều lên, vay ưu đãi hầu như không còn và Việt Nam cũng giống như các quốc gia phát triển khác phải vay nợ nước ngoài bằng những ngoại tệ mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Ảnh: KT)
PGS Nguyễn Đức Thành cho rằng, áp lực trả nợ ngày càng lớn làm cho tiết kiệm quốc gia giảm, kéo theo sự suy giảm của đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, gần đây, để chủ động hơn với nợ công, giảm bớt mức độ ảnh hưởng từ nợ nước ngoài, Chính phủ đã tăng tỷ trọng vay trong nước. Như vậy, nợ công làm giảm tích lũy vốn tư nhân. Nguồn cung vốn trên thị trường vốn tư nhân giảm dẫn tới lãi suất tăng, đẩy chi phí đầu tư tăng và dẫn tới đầu tư tư nhân giảm.
“Tỷ trọng của chi đầu tư phát triển năm 2016 chỉ còn xấp xỉ 5% GDP, giảm một nửa so với 10% GDP của năm 2009. Chi cho đầu tư phát triển giảm một phần do thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh xã hội hóa hạ tầng. Nhưng chi thường xuyên vẫn không có dấu hiệu suy giảm, dẫn tới nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển bị hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm dần tính theo % GDP sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế giảm. Tăng trưởng kinh tế giảm thì lại tác động trở lại làm giảm nguồn thu ở vòng sau”, PGS Nguyễn Đức Thành phân tích.
Còn theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay thì tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vẫn có nguy cơ tăng vượt trần trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP có được duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn còn tương đối thuận lợi như hiện nay. Nguyên nhân là do dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay kể cả khi có những cú sốc nhẹ.
Theo ông Cường, nghĩa vụ nợ dự phòng, đặt biệt là nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng.
“Mức nợ chính phủ của Việt Nam cao hơn khá nhiều quy mô trung bình của các nước đang phát triển thu nhập thấp và các nước châu Á; quy mô so với GDP hầu như không thay đổi cho dự báo đến năm 2023. Điều này sẽ là áp lực không nhỏ về trả nợ và không gian cho chính sách tài khóa”, PGS Vũ Sỹ Cường cảnh báo./.
VOV