MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Gặp gỡ thứ Tư] 'Tăng lương, giá không tăng là bài toán rất khó'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, Chính phủ cần tăng cường giải pháp kiểm soát, ổn định chặt giá cả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Sau hơn 2 năm trì hoãn do Từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, lương vừa tăng thì giá hàng hóa tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo. 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã trao đổi với Nhadautu.vn về bài toán kiểm soát giá cả hàng hóa cũng như phương án lâu dài.

Tăng lương, giá không tăng là bài toán rất khó

9 nhóm đối tượng vừa được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu rục rịch tăng theo. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga:  Việc tăng lương cơ sở này rất ý nghĩa và cần thiết, nhất là sau thời gian hơn 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19. Đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này.

Giao-dich-ngan-hang- tien-16

Lương cở sở vừa tăng thì giá hàng hóa tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo. Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu.

Việc tăng lương cơ sở lần này không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức, mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19.

Không phải tất cả người lao động đều vui mừng với việc tăng lương, bởi rất có thể lương tăng nhưng phụ cấp lại bị cắt giảm. Thêm vào đó, người lao động cũng canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường "té nước theo mưa," thậm chí chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.

Thực tế lương chưa kịp tăng thì đã có một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ rồi; một số mặt hàng khác thì cũng đang rục rịch tăng giá. Làm thế nào để tăng lương cơ sở nhưng giá cả của các mặt hàng không tăng, để việc tăng lương cho người lao động có ý nghĩa thực sự là một vấn đề đang đặt ra.

Chúng ta đã trải qua rất nhiều lần tăng lương cho người lao động và cứ mỗi đợt tăng lương như thế thì thực trạng lương người dân chưa kịp tăng, giá cả cũng đã leo thang, tăng đến mức độ chóng mặt. Chính vì vậy, với phần tiền lương được tăng lên người dân có thể cũng không đủ chi trả cho phần giá cả thị trường tăng.

Làm như thế nào để tăng lương mà giá không tăng, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, khuyến khích người lao động?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Để tăng lương mà giá không tăng là bài toán rất là khó và muốn giải được chúng ta phải điều tiết thị trường thật tốt. Tôi cho rằng, chìa khóa cho bài toán này là việc điều tiết giá cả thị trường cần phải được làm cho thật hợp lý để làm sao đảm bảo được phần tăng lương, phần tiền được tăng thêm vẫn đáp ứng được việc cải thiện, nâng cao đời sống của người lao động, nâng cao thu nhập của người lao động.

Chúng ta phải điều hành cung cầu, điều hành giá cả thật là tốt. Phương pháp điều hành này phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ. Cần phải tránh tuyệt đối tình trạng là a dua, nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương (chưa tăng giá không có lý do gì cả).

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các mặt hàng tăng giá rất là khó tránh khỏi. Bởi vì kinh tế toàn cầu cũng đang suy thoái và Việt Nam chúng ta cũng là quốc gia đang bị ảnh hưởng, bị tác động ở rất nhiều chiều. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ nên có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc bình ổn giá thị trường. Tôi lấy ví dụ như chúng ta đã làm rất tốt việc bình ổn giá xăng dầu với những giải pháp tích cực để ổn định cuộc sống của người dân trong và sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Chính phủ nên tập trung vào việc quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước của Chính phủ. Bên cạnh đó, với các mặt hàng thiết yếu, chúng ta nên có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh cũng như giá cả.

Ngoài raiều quan trọng để giữ được giá cả ổn định, chúng ta phải có giải pháp để phát triển sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Giải pháp này không phải ngày một, ngày hai chúng ta thực hiện được ngay, chúng ta cần phải có sự nỗ lực rất lớn.

Theo như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, hằng năm năng suất lao động của nước ta cũng vẫn tương đối thấp. Chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta cũng chưa được nâng cao như kỳ vọng. Chính bởi vậy, cho nên là giá thành sản phẩm chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nâng cao năng suất và chất lượng lao động trong thời điểm này có ý nghĩa rất tích cực để hạ được giá thành đầu vào sản phẩm, cải thiện được cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất sẽ là việc làm vô cùng quan trọng.

Phải tập trung vào cải cách tiền lương

Như bà nói trên, việc tăng lương cơ sở là điều đáng mừng nhưng chưa đủ và chưa phải là giải pháp lâu dài. Cải cách chính sách tiền lương ra sao để đáp ứng được cuộc sống của người lao động?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Đúng như tôi nói trên, việc tăng lương là niềm động viên lớn cho người lao động. Tuy nhiên, so sánh mức lương hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay với mức sống trung bình vẫn là khá thấp. Ví dụ, đối với một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường và đi làm cho cơ quan nhà nước thì mức lương khởi điểm là quá thấp so với mức lương của một lao động tự do mới đi làm. Điều này đã thể hiện vấn đề mức lương hiện nay cho công chức, viên chức là rất thấp.

Do vậy, để cải thiện được tình trạng này, tôi nghĩ rằng chúng ta khó có thể sử dụng các bài toán tăng lương để đạt được như kỳ vọng. Bởi vì nguồn lực có hạn, chúng ta không thể là cứ thỉnh thoảng lại tăng lương và tăng lương nhiều để đạt được mức lương như kỳ vọng cho người lao động. Trong khi đó, việc trượt giá qua hàng sẽ có, chứ không thể giữ nguyên được. Do vậy, tăng lương cơ sở đợt này, nhưng chỉ vài năm sau, nhu cầu đời sống thực tiễn đặt ra, lại tiếp tục phải điều chỉnh. Nhưng nếu cứ vài năm lại tăng một lần thì rõ ràng không ngân sách nào chịu nổi.

Phương án đặt ra là chúng ta không thể chỉ tập trung vào tăng lương mà phải tập trung vào cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương nghĩa là chúng ta cải cách cách tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nếu muốn cải cách cách tính lương, chắc chắn phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy.

Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy. Tuy nhiên việc gì cũng thế, đều cần phải có lộ trình để có được một bộ máy thực sự tinh gọn và hiệu quả. Qua đó, giảm bớt được số người hưởng lương từ ngân sách, nhưng mức lương cho người lao động sẽ được cải thiện hơn.

Còn nếu chúng ta cứ giữ một bộ máy quá cồng kềnh cùng những bộ phận hoạt động không hiệu quả sẽ làm mức lương nó sẽ bị dàn trải. Rồi sẽ có thực trạng mức lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với nhu cầu cuộc sống cũng như sức lao động của họ.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, việc cần làm cũng như giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tập trung cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách toàn diện, hiệu lực, hiệu quả và và thực sự đảm bảo tinh gọn là vấn đề mấu chốt quan trọng nhất. Để thực hiện được điều này, cần phải có sự quyết tâm chính trị của tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Việc tăng lương cơ sở sẽ tác động đến chỉ số CPI. Lương tăng giúp đời sống cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hằng ngày tăng lên. Khi tiêu dùng nhiều hàng hóa hơn thì tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ cung - cầu và tạo ra biến động giá cả hàng hóa trên thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, các đợt tăng lương cơ sở trước đây đều khiến giá hàng hóa tăng theo, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, khi nhu cầu trong 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Theo Thu Phương

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên