Gặp gỡ vị bếp trưởng 2 sao Michelin cấm thực khách dùng điện thoại trong nhà hàng: Sang chảnh không phải là có người phục vụ mình 5 phút/lần!
Đối với vị bếp trưởng người Hà Lan, nhà hàng không chỉ là nơi để bạn thưởng thức các món ăn, mà còn là nơi để bạn tận hưởng cuộc sống và cảm nhận niềm vui.
- 17-10-2019Chi nhiều tiền mà nhận lại phần ăn bé tí trên đĩa, vì sao những nhà hàng sang trọng luôn phục vụ khách như thế?
- 12-10-2019Chuyện về thiếu gia Hong Kong bỏ sản nghiệp đi trồng nho, tay không dựng nên đế chế nhà hàng và rượu vang nức tiếng
- 08-10-2019Chuyên gia chống lão hóa hàng đầu tại Mỹ tiết lộ những loại thực phẩm nên có mặt trên bàn ăn nhà bạn
Nếu Richard van Oostenbrugge bắt gặp bạn nhìn vào màn hình điện thoại thay vì thưởng thức bữa ăn cùng người đối diện, anh và các đầu bếp tại Table65 (Singapore) sẽ gọi bạn ra và nhắc nhở. Dù đứng ở xa, van Oostenbrugge vẫn có thể phát hiện khách hàng nào vi phạm và ra hiệu cho họ.
“Khi thấy có người dùng điện thoại, chúng tôi sẽ ra chỗ họ và nói kiểu: ‘Anh chán bạn gái mình rồi à? Vậy để chúng tôi nói với cô ấy nhé?’,” van Oostenbrugge tuyên bố.
Đó là điều làm nên nét quyến rũ của nhà hàng này. Tuy mới mở cửa được 1 năm, nhà hàng này đã vinh dự nhận được 1 sao Michelin. Tại đây, khách hàng sẽ được ngồi trong không gian bếp mở, với những dãy bàn được kê sát nhau, dù người châu Á vốn đề cao sự riêng tư.
“Tôi đã nhận thấy điều này từ ban đầu”, vị bếp trưởng tới từ Amsterdam (Hà Lan) cho biết. “Tuy nhiên, họ dần dần quen với cách sắp xếp này và còn thích nó. Ngày hôm qua, những người ngồi ở các bàn khác nhau còn nói chuyện với nhau”.
Richard van Oostenbrugge và nhà hàng độc đáo của mình tại SIngapore.
Ở Hà Lan hay khu vực Caribbean, tình hình có vẻ thoải mái hơn. “Ở Hà Lan, người ta ngồi và nhìn chai rượu đang đặt trên bàn khác. Sau đó, họ sẽ tiến đến và nói: ‘Bạn mời tôi một ly, tôi cũng sẽ mời bạn một ly”, van Oostenbrugge cho biết.
Bếp trưởng này cho biết anh không định thay đổi bất kỳ ai, nhưng muốn khách hàng phải thật thoải mái và tận hưởng khoảnh khắc. “Bạn có thể đi tới một nơi vô cùng sang chảnh để cầu hôn người phụ nữ mình yêu. Nếu bạn có một buổi làm ăn quan trọng, đây không phải là nơi thích hợp vì bạn sẽ ngồi kế bên người khác. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một buổi tối vui vẻ với bạn gái để bù đắp cho lỗi lầm bạn gây ra, đây chắc chắn là nơi bạn nên đến”, van Oostenbrugge gợi ý.
Không gian mở tại nhà hàng, nơi các thực khách có thể trò chuyện với nhau, hoặc tán gẫu với đầu bếp. (Photo: Table65)
Định nghĩa lại sự sang chảnh
Là một đầu bếp nổi tiếng tại Hà Lan, van Oostenbrugge thiết kế Table65 giống với nhà hàng 212 của mình ở Amsterdam, với các bàn ăn được xếp liền kề xung quanh khu bếp mở. Các đầu bếp sẽ chuẩn bị món ăn ngay trước mặt bạn và trang trí nó ngay tại bàn.
Đây là phong cách ẩm thực cao cấp (fine dining) mà vị đầu bếp từng sở hữu 2 sao Michelin này ưa thích. Đối với anh, kiểu nhà hàng với khăn trải bàn trắng và những lọ hoa tinh xảo đã quá lỗi thời.
“Đối với tôi, sang chảnh không phải là có người rót đầy rượu cho bạn 5 phút/lần. Tôi định nghĩa sự sang chảnh theo cách khác: Có người dành thời gian để nói với bạn, giải thích các món ăn, đưa bạn vào bếp - nhìn mọi thứ bằng con mắt khác”, anh nói. “Nó khá là giải trí, giống như đang xem TV tương tương tác, bởi bạn có thể thấy đầu bếp nấu ăn. Tôi nghĩ đây là một sự bổ sung cho trải nghiệm này”.
Việc khách hàng có thể theo dõi mọi công đoạn nấu nướng cũng không khiến các đầu bếp bị áp lực.
“Họ thích điều đó”, van Oostenbrugge cho biết. “Trước đây, chúng tôi bị bao quanh bởi 4 bức tường và chẳng bao giờ được nhìn ánh sáng mặt trời. Khách hàng chỉ là những tờ gọi món. Giờ đây, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy và trò chuyện với những tờ gọi món đó. Khi bạn được nhìn thấy người mà mình phục vụ, việc nấu nướng càng trở nên riêng tư hơn”.
Vừa ăn, khách hàng vừa có thể trò chuyện và trêu đùa với đầu bếp. Thậm chí, họ cũng được chứng kiến những giây phút tức giận đầy chân thật từ những vị đầu bếp này
“Tôi không hay giữ bình tĩnh. Điều đó chẳng tốt hay sao?”, van Oostenbrugge cho biết. “Khi chuyện gì không hay xảy ra, mọi người sẽ thấy hết. Chúng tôi sẽ không giấu giếm bất kỳ điều gì cả.”
“Thực khách thích thú với trải nghiệm chân thật đó. Ngày xưa, mỗi khi các đầu bếp tức giận, tôi sẽ phải tránh xa nếu không muốn bị họ quăng chảo vào người”, anh đùa.
Súp khoai tây non (trái) và cơm basmati nấu với rau củ theo mùa. (Photo: Table65)
Đề cao sự trải nghiệm
Đối với những kẻ gièm pha hay những người chỉ muốn thuần túy thưởng thức đồ ăn, van Oostenbrugge khuyên họ không nên tới những nơi đề cao sự trải nghiệm như nhà hàng của mình.
“Ở những nhà hàng khác, họ có một chu trình phục vụ tiêu chuẩn - phải làm gì, nói gì với thực khách. Tối nào, mọi thứ cũng diễn ra như vậy”, anh phàn nàn.
“Đó cũng là cách tôi từng làm ở nhà hàng 2 sao Michelin của mình. Nhân viên được huấn luyện quá kỹ càng, tạo cảm giác giả dối, không có chỗ để thực khách trải nghiệm sự chân thật. Giờ đây, tôi đã thoát ra khỏi sự nhàm chán đó. Tôi nghĩ rằng khi đi ăn, bạn phải thấy vui vẻ và không quá nghiêm túc. Đó không phải là một kỳ thi”.
Theo vị bếp trưởng 45 tuổi này, đây là triết lý anh lĩnh hội được theo thời gian. Van Oostenbrugge nhận thấy, càng về già, đầu bếp lại càng muốn quay trở về với bản chất của ẩm thực.
“Rốt cuộc, nhà hàng là nơi để tận hưởng, để vui vẻ, để ăn trưa cùng gia đình. Đây là nơi để chia sẻ thức ăn. Đây là nơi để hạnh phúc, không phải để đánh giá kiểu: ‘Ồ, phần thịt bò này còn hơi sống. Như thế thì không được sao Michelin đâu!’. Tôi không muốn gặp những vị khách như vậy”.
“Hãy đến và thưởng thức các món ăn mà chúng ta đã bỏ biết bao nhiêu công sức và tình cảm. Tôi hy vọng bạn sẽ thích chúng”, anh nói.
CNA