Gặp người đứng sau sự kiện "Ngày chung đôi" gây xúc động mạnh mẽ
Không chỉ là người chỉ huy, người dẫn đầu đoàn quân trong cuộc chiến thảm khốc chống Covid-19, ông còn là người quan tâm sâu sát từng đồng đội, đặt nhiều tâm tư trong những đêm thức trắng.
Ngày 27/2/2022, sau 2 năm ròng rã của cuộc chiến thảm khốc chống đại dịch Covid-19, cuối cùng 20 cặp cán bộ, công nhân viên BVQY 175 đã được nắm tay vào lễ đường, chính thức sống nghĩa vợ chồng sau khi trở về từ "chiến trận". Đến thời điểm hiện tại, đây được xem là sự kiện đám cưới tập thể gây xúc động mạnh mẽ, nhiều cảm xúc và đã chạm đến trái tim hàng triệu người Việt Nam.
Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023, người đưa ra ý tưởng đám cưới đặc biệt ấy – Thiếu tướng PGS. TS. TTND Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Giám đốc BVQY 175-BQP đã chia sẻ.
Thưa TTND.NHS, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình về sự kiện đặc biệt "Ngày chung đôi"?
Ngày chung đôi - Lễ cưới tập thể cho 20 cặp CBCNVBV là cái kết có hậu và nhiều cảm xúc. Đây cũng là sự ghi nhận những cống hiến - hy sinh đầy quả cảm của các "thiên thần áo trắng".
Với chúng tôi, đó là một đêm lễ hội mang ý nghĩa lịch sử, xúc động, sâu đậm tình người. Hình ảnh BVQY 175 với nhiều dấu ấn đã được thể hiện trên những mẫu áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh cùng sự xuất hiện của các chính khách, cơ quan, đoàn thể đã tạo một hiệu ứng lan tỏa đầy tự hào và nhân văn.
Cảm hứng là điều kiện tiên quyết để nảy sinh một ý tưởng. Vậy nguồn động lực từ đâu khiến ông đưa ra ý tưởng về sự kiện đặc biệt này?
Trong cuộc chiến chống đại dịch chưa bao giờ hai tiếng "đồng bào" lại trở lên thiêng liêng và vĩ đại như vậy. Đây cũng là cuộc chiến sinh tử, thảm khốc, chưa có tiền lệ. Giữa "chiến trường Covid-19" tận mắt chứng kiến những tổn thất đau thương, đồng đội ngày đêm chiến đấu, sự quả cảm hy sinh của họ khiến tôi nhiều đêm quay quắt.
Ý tưởng về sự kiện "Ngày chung đôi" lúc đó như một lời hứa, một món quà tôi ấp ủ dành cho các đồng đội cũng là đốm lửa, ước mơ, hi vọng, niềm tin vào chiến thắng của tôi trước đại dịch.
Không chỉ là một lễ cưới đặc biệt, sự kiện là lễ vinh danh, lời tri ân lớn với nhiều chứng nhân, thưa ông?
Đúng như vậy, chúng ta không thể không nhắc đến lại những khoảnh khắc, ký ức đầy bi hùng không bao giờ quên mà họ từng hiện diện. Đó là hình ảnh 20 nhân viên BVQY 175 tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 7 của thành phố khi bị nhiễm bệnh, Ban giám đốc đã quyết định đưa về điều trị nhưng các đồng chí đã kiên quyết xin ở lại, không rời vị trí chiến đấu và đồng đội, tự chăm sóc nhau và bệnh nhân, không làm ảnh hưởng tổ chức, hoạt động của bệnh viện;
Hình ảnh các chiến sỹ Trường quân sự Quân đoàn 4 tình nguyện vào phục vụ Trung tâm điều trị Covid-19 -BVQY 175; Hình ảnh những nhiều cá nhân, đơn vị hiến máu trong đại dịch, những giọt máu đào khan hiếm đã được BVQY 175 san sẻ cho rất nhiều đơn vị đã tạo niềm tin, sức mạnh và xúc động trong dư luận.
Trong cơn cuồng phong - thảm khốc của dịch bệnh, nguy kịch của hàng ngàn bệnh nhân - thật tự hào khi chúng ta nhìn thấy chân dung những con người cao quý, tấm gương về sự quả cảm hy sinh dâng hiến; về trách nhiệm, tinh thần đoàn kết và đặc biệt là lòng nhân ái của tất cả các tổ chức, cá nhân đã tạo ra một sức mạnh cả vất chất lẫn tinh thần để chúng ta đủ sức mạnh đứng dậy, vượt qua những thời khắc cam go nhất.
Với "những thiên thần áo trắng" là vậy, với quân đội thì thế nào, thưa ông?
Với quân đội, đây là cuộc hành quân lớn nhất kể từ sau chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam gần 40.000 quân gồm rất nhiều lực lượng, trang bị, phương tiện của tất cả các quân binh chủng. Về ý nghĩa, vai trò của quân đội tôi nghĩ sẽ nhường cho nhân dân và chính quyền các địa phương đánh giá.
Điều quan trọng nhất là quân đội đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị, "vì nhân dân quên mình" giữ vững niềm tin của người dân trong đại dịch… Đó là nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh chính trị xã hội, đó là nhiệm vụ chăm lo công tác an sinh xã hội và nhiệm vụ chăm sóc y tế từ cơ sở đến các tầng điều trị cao nhất.
Một lần nữa hình ảnh "anh bộ đội Cụ Hồ" lại được khẳng định và tỏa sáng. Những "dấu chân người lính" đã đi suốt chiều dài lịch sử giành lại độc lập tự do, bảo vệ tổ quốc, những dấu chân người lính mang hòa bình cho bè bạn thế giới…
Trong thời bình những dấu chân ấy luôn có mặt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thiên tại, thảm họa… Trong cuộc chiến sinh tử chống đại dịch, những bàn chân ấy bất kể ngày, đêm, mưa, nắng luồn lách trong những con hẻm mang từng mớ rau, cân gạo, viên thuốc, bình oxy cho người dân, những bàn chân lặng lẽ quanh giường bệnh giành giật từng giây, từng phút từng mạng sống… và những bàn chân ấy lại lặng lẽ mang từng hộp tro cốt trở về cho người thân mỗi gia đình… Những bàn chân " từ nhân dân mà ra -vì nhân dân phục vụ"…
Ngoài tri ân, ghi nhận, món quà cho các cán bộ của mình sau cuộc chinh chiến, ý tưởng về sự kiện "Ngày chung đôi" còn phảng phất một chút lãng mạn, một chút cốt cách âm nhạc của chính ông, ông có thể lý giải về điều này?
Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, bom đạn, 17 tuổi trở thành người lính và được đào tạo trở thành Bác sỹ Quân Y cho đến nay luôn mang trên mình hai màu áo. Những vất vả, nhọc nhằn, những khó khăn, gian khổ đã tôi luyện, thử thách, rèn rũa từ một người lính binh nhì trở thành vị tướng quân, từ một chàng sinh viên nghịch ngợm trở thành PGS.TS.BS.TTND.
Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã giao cho tôi nhiều nhiệm vụ, tính chất công việc đã cho tôi được đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều thực tiễn của cuộc sống, được gặp gỡ nhiều mảng đời, số phận…Cuộc sống đã cho tôi cảm xúc và khả năng chuyển hóa những cảm xúc ấy thành giai điệu và ca từ, chính những nhiệm vụ và thực tiễn đó đã cho tôi cơ hội đến với âm nhạc chứ không phải sinh ra để làm âm nhạc.
Bố mẹ đã trao cho cuộc sống để làm người, tổ quốc đã trao cho mầu áo xanh để làm nhiệm vụ bảo vệ non sông đất nước, cuộc đời đã trao cho mầu áo trắng để làm nhiệm vụ của người thầy thuốc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bởi vậy việc viết những ca khúc hay cả ý tưởng về sự kiện "Ngày chung đôi" của tôi không chỉ là cảm xúc đơn thuần, sở thích mà đôi khi còn là trách nhiệm, trách nhiệm của người lính, người thầy thuốc, thầy giáo và của người quản lý chỉ huy…
Chính vì thế các ca khúc tôi viết, những sự kiện tôi ý tưởng như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình đời binh nghiệp, nghề nghiệp, mỗi ca khúc là một câu chuyện có thật, hoàn cảnh thật, con người thật và cảm xúc thật…Âm nhạc xoa dịu nỗi đau tâm hồn, y học xoa dịu nỗi đau thể xác… tất cả đều là những điều thiện, điều phúc cho đời, tôi luôn cảm thấy thực sự may mắn khi được làm cả hai việc ấy.
Sau nhiều gian khó, điều gì là "bí kíp" thành công thưa ông?
Trước hết tôi muốn cảm ơn lãnh đạo các cấp, BQP, TPHCM, các Doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã đồng hành cùng BVQY 175 trong suốt cuộc chiến. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là yếu tố quyết định để tôi và cả BVQY 175 vượt qua những thách thức khó khăn chồng chất và khối lượng công việc khổng lồ, cấp bách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cảm ơn Thiếu tướng PGS. TS. TTND Nguyễn Hồng Sơn. Tri ân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2023, kính chúc ông thật nhiều sức khoẻ, niềm vui trong công việc và cuộc sống.
Tổ Quốc