GĐ bệnh viện Ung bướu: Ung thư đại tràng đừng chủ quan, khi có dấu hiệu này cần khám ngay
Chị Phạm Thanh Hoa – 28 tuổi, sống tại Hà Nội không may mắn khi mang trong mình căn bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối di căn gan...
- 13-03-2018Sóng điện thoại có gây ung thư không? 2 nghiên cứu mới nhất của Mỹ hé lộ câu trả lời
- 13-03-2018Phương pháp mới giúp tầm soát cùng lúc 8 loại ung thư
- 11-03-2018Sống sót vượt qua căn bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi 24: cô gái trẻ chia sẻ dấu hiệu nhận biết căn bệnh nguy hiểm này
Phát hiện bệnh sau khi "vợ chồng to tiếng"
Những ngày tháng ở cữ với bất cứ bà mẹ bỉm sữa nào cũng là thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con. Nhưng với Hoa, ở cữ là những cung bậc cảm xúc thăng trầm và có lúc tuyệt vọng đến vô bờ.
Hoa tâm sự, khi chị sinh con được đúng 40 ngày, chị và chồng có mâu thuẫn vì bịch bỉm của con. Buồn quá Hoa chỉ nằm khóc và thấy đau bụng bên hạ sườn. Cơn đau càng lúc càng đau hơn, đến sáng, hai vợ chồng Hoa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe do mới sinh nên không rõ có biến chứng gì sau sinh không.
Hoa và con trai bé nhỏ gặp nhau mỗi lúc Hoa tranh thủ về nhà sau đợt hoá trị.
Khi khám cho chị bác sĩ phát hiện trong gan có u. Không tin vào kết quả trên, vợ chồng Hoa lại tìm đến một bệnh viện khác kiểm tra chụp cộng hưởng từ và kết quả cũng chẳng khác gì u gan, thậm chí không chỉ u gan bình thường, bác sĩ còn kết luận rõ ung thư gan.
Cả hai vợ chồng Hoa nghe chẩn đoán bệnh của chị ai cũng không tin vào kết quả, Hoa tự đập vào ngực mình không tin bởi cô còn quá trẻ, cô mới làm mẹ được hơn 1 tháng. Vợ chồng Hoa vẫn muốn có một phép màu nào đó nên mới đi kiểm tra tới bệnh viện thứ 3, lần này kết quả còn đáng sợ hơn nhiều.
Hoa được bác sĩ chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn cuối di căn lên gan. Nếu không phẫu thuật đại tràng ngay thì nguy cơ tắc ruột rất lớn. Mang án tử ung thư di căn, Hoa rơi vào tuyệt vọng.
Chị không tin vào điều đó và cho rằng số phận thật bất công với mình vì chị còn quá trẻ, con chị mới được hơn 1 tháng. Có lúc, Hoa muốn từ bỏ không điều trị về ăn chay, niệm phật được ngày nào hay ngày đó nhưng nhìn thấy đứa con trai của mình chị không cam lòng.
Được gia đình hai bên động viên, được sự chia sẻ và cổ vũ của chồng, Hoa biết chị cần phải "chiến đấu" với bệnh tật để không có lỗi với hai người đàn ông cô yêu nhất cuộc đời này đó là chồng và con trai.
Hoa bước vào ca mổ cắt đại trực tràng để tránh nguy cơ tắc ruột. Mổ đại trực tràng do sức khỏe còn yếu vì mới sinh con nên Hoa thường xuyên bị sốt, cơ thể mệt mỏi. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt của con, bà mẹ trẻ lại tự dặn lòng phải vượt qua tất cả để trở về với con trai mình.
Sau đó, Hoa được bác sĩ khuyên mổ u gan, gan có mạch lại không mổ được mà bác sĩ khuyên hóa trị. Mỗi lần "trốn" được bệnh viện về với con, Hoa lại như tiếp thêm động lực để chị có thể vượt qua các đợt truyền hóa chất với hàng loạt các tác dụng phụ.
Bác sĩ cho biết, bệnh của Hoa chỉ được hai năm nhưng cô vẫn tin rằng tự mình có thể vượt qua được. Những giây phút được ở bên người thân bà mẹ trẻ ghi lại từng khoảnh khắc và đặc biệt cô biết tự yêu thương bản thân mình hơn, chịu khó tập thể dục hơn, thay đổi lối sống sinh hoạt để thời gian bên con trai có thể dài hơn.
Chỉ mong đến ngày con có thể gọi tiếng "mẹ"
Ôm cậu con trai 4 tháng tuổi, Hoa luôn có cảm giác dằn vặt vì con thiệt thòi. Ở tuổi này, những đứa trẻ khác được nằm trong vòng tay mẹ, hưởng dòng sữa ngọt ngào từ mẹ thì cậu bé Mun nhà Hoa lại phải để ông bà chăm sóc, một tuần 10 ngày mới được gặp mẹ một lần.
"Em vẫn nhớ sau đợt mổ đại tràng, 10 ngày mới được về với con, bế con trên tay mà cứ thế òa khóc. Em khóc vì thấy con nặng hẳn lên so với lúc mình đi. Thế có nghĩa là em đã bỏ lỡ 10 ngày trong những tháng đầu tiên của con, không được chứng kiến con lớn lên từng ngày", Hoa tâm sự.
Bà mẹ trẻ muốn lưu lại những khoảnh khắc bên con trai yêu
Có lúc nhìn con qua điện thoại, bà mẹ trẻ chỉ muốn vứt bỏ hết tất cả để chạy về bên con còn bệnh tật đến đâu thì đến.
Căn bệnh này không ai biết trước điều gì. Mơ ước lớn nhất của Hoa bây giờ là được sống tới lúc con có ký ức về mẹ, nhớ được mẹ là ai. Cứ nghĩ đến lúc con bi bô gọi mẹ, lúc con được mẹ dẫn đến trường ngày đầu tiên đi học là trong lòng Hoa lại trào lên nỗi khát khao "xóa tan bệnh tật" để được cảm nhận giây phút thiêng liêng đó của người mẹ.
Nói về bệnh ung thư đại trực tràng, Hoa kể cách đây 1 năm Hoa cũng thường bị đau bụng nhưng cô chủ quan về sức khỏe không đi khám.
Trước đó Hoa đã bị trĩ nội nên nghĩ triệu chứng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng là do bệnh trĩ mà bỏ qua không đi khám. Đến giờ chị vẫn ân hận nếu ngày đó đi khám sớm hơn, biết đâu bệnh của Hoa được phát hiện sớm sớm hơn và cơ hội điều trị cũng tốt hơn bây giờ.
Theo TS Hoàng Đinh Chân – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, bệnh ung thư ngày càng gia tăng. Những đối tượng ngoài 20 tuổi bị ung thư đại trực tràng không phải là hiếm.
BS Chân cho biết ông gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị K trực tràng khi mới ngoài 20 tuổi và đều ở giai đoạn muộn vì bệnh nhân chủ quan không đến bệnh viện kiểm tra, hoặc chỉ nghĩ đơn giản là bị trĩ hay rối loạn tiêu hóa.
BS Chân khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như thay đổi đại tiện, khi thì táo bón, lúc tiêu chảy mọi người nên đặc biệt lưu ý. Đi ngoài phân máu ở giai đoạn tiến triển là một trong những dấu hiệu đáng tin nhất của ung thư đại trực tràng, đặc biệt khối u nằm càng gần hậu môn, thì triệu chứng này càng rõ.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và nặng hơn là khó thở, sụt cân không rõ nguyên nhân. Thay đổi khuôn phân, phân có thể nhỏ lại méo, dẹt thì cần đi khám ngay.
Trí thức trẻ