Gemadept tiết lộ "bí mật" vụ bán Cảng Nam Hải Đình Vũ: Bước đi tránh lỗ do thừa công suất , nhưng không bán toàn bộ
Ngay khi Cảng Nam Đĩnh Vũ 2 sắp hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành khai thác, thì cuối năm 2022 và từ quý 4 đến đầu năm 2023, thị trường có dấu hiệu trầm lắng, đi xuống. Hệ quả, Công ty đứng trước nguy cơ công suất dư thừa nếu đưa Cảng Nam Đình Vũ 2 vào khai thác, chắc chắn sẽ bị lỗ.
- 09-06-2023Him Lam chính thức "nhảy vào" công ty hàng không, ông Dương Công Minh đi theo con đường của tỷ phú Phương Thảo?
- 09-06-2023"Đại gia" thép Formosa hạn chế nhập khẩu nguyên liệu làm tổng thu ngân sách tỉnh Hà Tĩnh giảm 2 chữ số
- 09-06-2023Máy phát điện "cháy hàng" nhưng một doanh nghiệp sản xuất máy phát điện lỗ gần chục quý liên tục, "mất điện" trên sàn chứng khoán
Sáng ngày 9/6/2023, CTCP Gemadept (GMD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 3.920 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Khấu trừ chi phí, lãi trước thuế dự kiến 1.136 tỷ đồng, giảm 13%.
Ông Đỗ Văn Nhân – Chủ tịch HĐQT - cho biết kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên nền năm 2023 với thị trường rất xấu. Các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định thấp về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023, với mức sụt giảm từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm so với năm 2022.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay tình hình đang xấu hơn dự báo khi hàng chục ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, rời thị trường, hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm. Sức mua thị trường rất yếu, đặc biệt sức mua ở những thị trường nước ngoài (bao gồm các truyền thống lớn của chúng ta như Mỹ, EU) đang rất thấp.
Kết thúc quý 1/2023, GMD ghi nhận doanh thu thuần gần 902 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế giảm 12% xuống còn 308 tỷ đồng. Theo giải trình, lợi nhuận giảm chủ yếu do lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giảm hơn 104 tỷ đồng, dù lợi nhuận từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 58 tỷ đồng, cộng thêm đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 25 tỷ đồng.
Cảng nước sâu Gemalink sẽ hoàn thành nạo vét độ sâu luồng đến -15,5 mét trong năm nay
Tại phía Nam, với cảng nước sâu Gemalink hiện lọt Top 19 thương cảng của thế giới có khả năng tiếp nhận thế hệ siêu tàu Megaship lớn nhất thế giới hiện nay, GMD thông tin đã hoàn thành nạo vét độ sâu khu nước trước bến đến -16,5 mét, và Bộ GTVT nạo vét độ sâu luồng đến -15,5 mét dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
“Gemalink là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam, có sức thu hút mạnh mẽ với các hãng tàu hàng đầu, khai thác tàu mẹ tải trọng lên đến 250.000DWT. Ngoài ra, Gemadept đã đầu tư nhiều phương tiện thiết bị mới cho hoạt động khai thác của Gemalink, Cảng Bình Dương và Phước Long ICD”, đại diện nói.
Năm nay, GMD cũng lưu ý khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng phần vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ được ghi nhận tại ngày hoàn thành bàn giao cho bên nhận chuyển nhượng. Trước đó, ngày 19/4, GMD và CTCP Container Việt Nam (Viconship, VSC) cùng các bên nhận chuyển nhượng khác đã ký hợp đồng chuyển chuyển nhượng toàn bộ vốn của GMD tại Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Chỉ bán tài sản và cơ sở hạ tầng tại Cảng Nam Hải Đình Vũ
Trả lời thắc mắc của một số cổ đông về thương vụ bán Cảng Nam Hải Đình Vũ có khiến Công ty thay đổi chiến lược kinh doanh không?, ông Nhân cho biết hiện tại Hải Phòng, GMD có 3 cảng gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ, Cảng Nam Đình Vũ 1 và Cảng Nam Đình Vũ 2 có vị trí nằm rải rác nhau, cách xa vài km. Để khai thác đồng bộ cả 3 cảng này cần 3 khối cơ giới, nhân lực riêng biệt; và cần 3 tổ chức hành chính riêng biệt để tổ chức vận hành cùng một lúc. Điều nay gây nên một sự lãng phí, hiệu quả không cao khi tổ chức vận hành 3 cảng cùng một lúc.
Chưa kể, trong thời gian vừa qua, khi đại dịch đã qua đi và thị trường bắt đầu khởi sắc, Công ty quyết định nối lại xây dựng Cảng Nam Đình Vũ 2 sau một thời gian gián đoạn. Tuy nhiên, ngay khi Cảng Nam Đình Vũ 2 sắp hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành khai thác, thì cuối năm 2022 và từ quý 4 đến đầu năm 2023, thị trường có dấu hiệu trầm lắng, đi xuống. Hệ quả, Công ty đứng trước nguy cơ công suất dư thừa nếu đưa Cảng Nam Đình Vũ 2 vào khai thác, chắc chắn sẽ bị lỗ.
Chính vì vậy, sau khi xem xét từ thị trường, nguồn cung cầu, và năng lực khai thác, Công ty quyết định thoái vốn bán Cảng Nam Hải Đình Vũ. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, tại thương vụ này GMD không bán cảng, mà chỉ bán tài sản và cơ sở hạ tầng. Bởi khi bán cảng, thì phải bán trang thiết bị, tài sản, cơ sở hạ tầng, và đội ngũ, nhân lực điều hành cảng, quan trọng hơn là toàn bộ khối khách hàng (yếu tố tạo nên doanh thu lợi nhuận).
Trong thương vụ này, GMD có thỏa thuận rất đặc biệt, đó là chỉ bán trang thiết bị, hạ tầng của cảng, còn lại toàn bộ đội ngũ nhân lực, kĩ thuật vận hành cảng, cùng với toàn bộ khách hàng được Công ty giữ lại, và chuyển xuống cảng Nam Đình Vũ 2, Nam Đình Vũ 3. Như vậy, Cảng Nam Đình Vũ 2 vừa mới đi vào hoạt động hoàn toàn có khả năng lấp đầy ngay trong trước mắt.
"Có thể nói, thương vụ này là thành công giữa cả bên mua và bên bán" , Chủ tịch GMD nhấn mạnh.
Hiện, GMD có Nam Đình Vũ 1 và Nam Đình Vũ 2 vừa mới đi vào khai thác, và trong thời gian tới Công ty tiếp tục triển khai xây dựng Cảng Nam Đình Vũ 3. Trong đó, GMD sẽ sở hữu cụm cảng liền mạch, với chiều dài đầu tàu trên 1.500 m, diện tích 70 ha. Đây sẽ là cụm cảng có quy mô lớn nhất Hải Phòng.
Tạm dừng phương án phát hành 100,5 triệu cổ phiếu, chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 20%
Năm 2022, doanh thu thuần GMD đạt 3.898 tỷ đồng – tăng 22% và vượt nhẹ kế hoạch đề ra. Trong đó, đóng góp chính đến từ hoạt động khai thác cảng với tỷ trọng gần 80%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.308 tỷ, tăng 62% so với cùng kỳ và vượt đến 31% kế hoạch.
Với kết quả trên, GMD trình cổ đông mức chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp). Ngoài ra, Công ty dự kiến trích 3% lợi nhuận sau thuế cho quỹ HĐQT và 5% đối với quỹ khen thưởng phúc lợi.
Tại Đại hội, GMD cũng trình cổ đông việc tạm dừng phương án phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu năm 2022 với lý do là điều kiện thị trường chưa thuận lợi để tiếp tục thực hiện phương án. Đồng thời, trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022, việc hoàn thành chuyển nhượng Cảng Nam Hải Đình Vũ, Công ty đảm bảo được dòng tiền và nguồn vốn để triển khai các dự án và kế hoạch kinh doanh năm nay.
GMD cho biết sẽ điều chỉnh lại kế hoạch, phương án sử dụng nguồn vốn để đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế của Công ty và trình lại ĐHĐCĐ xem xét thông qua phương án mới nếu điều kiện thị trường thuận lợi, phù hợp với nhu cầu vốn sau điều chỉnh.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua việc GMD chào bán gần 100,5 triệu cổ phiếu giá 20.000 đồng/cp để huy động hơn 2.009 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn thu được dùng để tăng vốn cho các công ty con gồm CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link và đầu tư mua sắm tài sản cố định.
Năm nay, GMD cũng trình cổ đông về việc bổ sung các ngành nghề của Công ty liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là một trong các hoạt động thuộc chiến lược số hóa và xanh hóa mạnh mẽ. Ứng dụng Cảng thông minh Smart Port và các phần mềm đã được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống Cảng của GMD. Công ty cũng đã thành lập Ban ESG và thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, đồng thời xây dựng lộ trình giảm thiểu phát thải theo xu hướng kinh doanh bền vững hiện nay.
Nhịp sống thị trường
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- ĐHCĐ Vietnam Airlines: Mong muốn sớm được thông qua chủ trương tái cơ cấu gồm thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu
- Phát Đạt ước lãi 384 tỷ trong 6T2023, Danh Khôi đã trả nợ 870 tỷ và sẽ trả tiếp 1.500 tỷ
- ĐHCĐ Taseco Airs (AST): Lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 gấp 4 lần năm trước
- ĐHĐCĐ DIC Corp (DIG) lần 1 bất thành, vắng mặt cổ đông lớn Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát) nắm 5%
- Ông Lê Viết Hải lần đầu tiết lộ về những giao dịch cá nhân với HBC và bài học “xương máu” sau xung đột thượng tầng