Gen Z "đói" việc chấp nhận đi làm xa nhà hơn 20km, làm thế nào để không muốn vứt bỏ tất cả sau một ngày dài kiệt quệ?
"Đi làm" có thể là niềm vui thích của nhiều người, nhưng đối với những người ở xa công ty, việc đó lại có thể là một nỗi khổ mà họ phải trải qua từng ngày.
- 01-06-2022Cuộc sống như mơ của Duy Mạnh: Lái xe tiền tỷ, xài đồ hiệu, cưới vợ có gia thế “khủng”
- 01-06-2022CEO Đặng Hoàng Minh: Chàng du học sinh sa cơ đi hái rau thuê sống qua ngày lột xác thành ông chủ thiên đường ẩm thực online, trị giá hàng nghìn tỷ đồng
- 01-06-2022Thuê căn hộ 50m2 rồi chi 50 triệu đồng cải tạo: Đi thuê nhà vì không muốn bị chôn vốn
Ngày nay không khó để tìm các bài đăng tin tuyển dụng, nhưng chọn được một công việc ưng ý lại là một câu chuyện khác. Vì vậy mà không ít người đã cắn răng chấp nhận chuyện xa nhà để nhận một việc làm mà họ cho là phù hợp. Nghiệm lại, trong chúng ta cũng biết đến một người, hoặc chính bản thân mình, phải vượt tận 10 - 20 km hằng ngày để đi làm, nhỉ?
Thế nhưng bất lợi về thời gian nào phải vấn đề duy nhất mà họ đối mặt, cùng lắng nghe câu chuyện của Khang, Hiên, và Nhã - những bạn trẻ đến từ nhiều nơi và làm những công việc khác nhau - để hiểu hơn về những áp lực mà họ đã nếm trải.
Khi chữ "xa" không chỉ là khoảng cách địa lý
Nguyễn Ngọc Xuân Nhã (sinh năm 1998, TP.HCM): "Trước đây mình ở Quận 8 và học ở Quận 12 nhưng cảm thấy việc đi lại vẫn ổn. Đến khoảng tháng 10 năm 2021, một phần cũng vì lúc ấy vừa hết dịch và mình cần tìm công việc ngay, nên mình đã chọn một công việc Marketing tại Quận 3 với suy nghĩ rằng "làm có xa chút cũng đâu có sao, những tuyến đường này mình cũng hay đi qua mà".
Thế nhưng chữ "xa" đôi khi nó không chỉ phụ thuộc vào quãng đường ấy, mà còn là những luồng nghĩ suy làm lòng mình thêm nặng nề.
Đến khi nhận việc và gặp phải áp lực công việc cũng như những vấn đề tại nơi công sở, lại cộng thêm việc đi quãng đường dài làm mình có cảm giác như kiệt quệ. Có những hôm, mình cảm thấy quãng thời gian gần 1 giờ đồng hồ để đi đến chỗ làm cùng quãng đường ấy dường như trở nên vô tận trong khi mình mắc kẹt với những cảm xúc tiêu cực".
Do nghĩ mình đã quen với việc đi xa, nên Nhã đã không ngần ngại nhận một công việc xa nhà
Lê Đức Khang (sinh năm 1999, tại Đồng Nai): "Lúc học năm 3 đại học, mình có xin việc làm designer tại một Thẩm Mỹ Viện cách nhà khoảng 14km. Mệt mỏi với việc đi phỏng vấn ở rất nhiều nơi nhưng không nhận được phản hồi vì kinh nghiệm và năng lực còn yếu, mình đã rất mừng khi công ty này đã tuyển mình dù ngay từ lúc đến phỏng vấn mình đã cảm thấy nó ở quá xa.
Chỉ sau vài ngày đầu mình đi làm, mình cảm thấy nặng nề vô cùng khi không hòa nhập được với môi trường và đồng nghiệp. Cứ vào văn phòng rồi ngồi từ 8h sáng đến 6h chiều mà chẳng nói được hơn 10 câu làm mình mất kết nối với mọi thứ và với cả bản thân. Đầu mình thì cứ lặp đi câu hỏi ‘tại sao mình lại ở đây?’ rồi lại lấp liếm bằng một lý do nào đó để có thể tiếp tục tập trung vào công việc.
Để rồi sau 6h chiều, mình lại tiếp tục một cuộc chiến khác với giao thông để chỉ mong về được với chiếc nệm của mình. Có những lúc mắc kẹt giữa dòng xe máy mà trong lòng mình vừa hỗn độn vừa bế tắc".
Mệt mỏi với việc cầm CV đi khắp nơi, Khang đã chọn một công việc cách nhà 14km
Võ Xuân Hiên (sinh năm 1998, tại Đà Lạt): "Vào khoảng đầu năm nay mình đã chuyển nhà từ Đà Lạt về Tà Nung. Phần nhiều vì "đói việc", phần vì nghĩ quãng đường cũng khá thân quen nên mình đã vui vẻ mà nhận một công việc tại một chuỗi homestay ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.
Thế nhưng chỉ sau vài ngày vừa làm quen với một công việc hoàn toàn mới, vừa làm quen với việc đi quãng đường hơn 20km hằng ngày, mình gần như rơi vào bế tắc. Các quy trình làm việc còn lạ, người được chỉ định sẽ training mình lại thường xuyên biến mất, mình phải tự bơi trong những điều hoàn toàn lạ lẫm".
Sợ tình trạng "đói việc", Xuân Hiên đã nhận một công việc cách nhà hơn 20km.
Chân trời mới hay "ngõ cụt"?
Khi nhận một công việc mới, ai cũng có cho mình những hy vọng riêng về mức thu nhập mới, môi trường mới, cuộc sống mới. Đối với những người đi làm ở xa, họ còn hy vọng đó là một "chân trời mới" để được đi tới những con đường mới và trải nghiệm nhiều hơn. Nhưng liệu chỉ có những điều tươi đẹp đang đón chờ họ?
Theo Xuân Nhã chia sẻ: "Điều khiến Nhã hối hận nhất là khi phỏng vấn, Nhã đã nói rằng mình đã có kỹ năng về Marketing tổng hợp và có thể làm hầu hết các công việc liên quan đến Marketing. Sau đấy dù nhận được mức lương cao hơn mặt bằng chung nhưng khối lượng công việc đã khiến Nhã áp lực nặng nề và trở nên tiêu cực với mọi thứ xung quanh".
Điều khiến Nhã hối hận nhất là đã nói mình có thể làm được mọi thứ
Áp lực về khối lượng công việc không phải là một thứ quá lạ lẫm và hầu hết mọi người đều có cách để đối mặt với nó. Nhưng đối với những người làm xa nhà, việc mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần chỉ khiến họ thêm phần bế tắc. Khi đấy, những tác động tưởng chừng rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tinh thần họ.
Đức Khang giãi bày rằng sau hơn 1 tháng làm việc, Khang vẫn chưa làm quen được với môi trường làm việc mới. "Đỉnh điểm là khi được giao một công việc không thuộc phận sự của của công việc designer, mình đã vô tình để lộ sự mệt mỏi trước mặt sếp.
Chị ấy cho rằng mình đang tỏ thái độ và thậm chí còn mắng mình những câu thậm tệ. Có thể đối với chị nó không là gì nhưng với mình, nó đã in sâu trong tâm trí mình trên suốt quãng đường về nhà hôm đấy. Từ đấy, quãng đường đi làm đối với mình như một cực hình".
Chỉ vì nét mặt mệt mỏi mà Khang đã chịu những lời chỉ trích nặng nề từ cấp trên
Việc được giao những công việc ngoài phận sự của mình cũng là một cơ hội để các bạn trẻ được thể hiện bản thân trong mắt cấp trên. Nhưng đó là trên lý thuyết, chuyện sẽ thế nào khi bạn được giao những nhiệm vụ nằm ngoài khả năng của mình?
Xuân Hiên đã trải qua tình trạng như thế khi nhận việc ở vị trí lễ tân nhưng phải làm luôn cả nhiệm vụ dọn buồng phòng. Ngoài ra Hiên còn gặp những vấn đề khác khi không nhận được những quyền lợi thỏa đáng như đã trao đổi lúc phỏng vấn, phải di chuyển qua lại giữa các chi nhánh của chuỗi homestay.
"Việc đi đến chỗ làm đã ngốn hết thời gian mà mình có thể dành cho bản thân"
Vốn dĩ là một cô gái tích cực, có lẽ Xuân Hiên đã không trở nên bế tắc như thế nếu công việc không ở quá xa nhà. "Thường thì mình sẽ dành thời gian buổi tối để xem lại về công việc hoặc đi đến những nơi làm mình thấy thư giãn.
Nhưng khi nhận một công việc như thế, hằng ngày mình lại mất thêm 3 đến 4 giờ đồng hồ chỉ để di chuyển, thời gian còn lại còn chẳng đủ để nghỉ ngơi. Cứ thế mình vừa bơi trong những điều phải học, vừa phải liên tục tự trấn an bản thân.
Thế nhưng sau nhiều ngày như vậy, từ cảm giác "đói việc", muốn đi làm, muốn được trải nghiệm, mình đã rơi vào tình trạng bế tắc, chẳng còn muốn làm gì cả".
Làm thế nào khi thức dậy là chỉ nghĩ đến việc nghỉ làm?
Đối với Xuân Nhã, cách hữu hiệu nhất chính là biến môi trường làm việc trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình.
Sau thời gian chìm trong tiêu cực, Nhã đã tìm được cách khiến văn phòng như "ngôi nhà thứ 2"
Theo chia sẻ, sau khoảng thời gian dài mệt mỏi vì việc thiếu động lực đi làm, Xuân Nhã đã tìm cách xây dựng một môi trường làm việc tại công sở lành mạnh và thân thiện. Bằng cách trò chuyện nhiều hơn và chia sẻ về những áp lực cũng như niềm vui của mình, Nhã đã khiến mọi người hiểu mình hơn.
"Vẫn có những ngày mình chẳng muốn phải chạy xe nữa, nhưng cứ nghĩ đến đồng nghiệp và team mình, thì mình lại muốn gặp họ ngay".
Đôi khi từ bỏ không hẳn là xấu
Đối với Đức Khang, chuyện cố gắng để học được nhiều kỹ năng mới là một điều rất nên làm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên xem xét liệu những nỗ lực mà mình bỏ ra có xứng đáng với những gì mình nhận được hay không.
"Khi nhận thấy những cảm xúc tiêu cực đang dần làm mình mất phương hướng, cộng thêm việc làm trong một môi trường không lành mạnh và cấp trên toxic, mình đã quyết định thôi việc. Sau đấy mình đã tìm được một công việc khác tốt hơn và thậm chí còn có phụ cấp xa nhà".
Bên cạnh việc nhìn nhận lại liệu công việc có đáng để đánh đổi thời gian và năng lực của bản thân, việc xác định rõ những luật lệ, quyền lợi, quy trình làm việc khi phỏng vấn cũng là một điều rất quan trọng để tránh những áp lực không đáng có.
Nội dung phỏng vấn không rõ ràng cũng là một dấu hiệu cho thấy môi trường làm việc tệ hại
Bài học xương máu mà Xuân Hiên đã học được từ công việc đấy chính là việc xác định rõ ràng nhiệm vụ của mình và môi trường làm việc, cũng như xem xét các phúc lợi của công ty. Một số câu hỏi mà Xuân Hiên muốn gửi đến bạn đọc để hiểu rõ về mức độ phù hợp của công việc khi làm xa nhà:
Thái độ của người phỏng vấn có tôn trọng bạn hay không?
Công ty có quan tâm đến việc bạn có thể cống hiến gì cho công ty hay không?
Họ sẽ trả lại những gì để tương xứng với những cống hiến đấy?
Công ty có hỗ trợ cho nhân viên đi làm xa?
Môi trường mới này mang lại được cho mình những gì?
Nếu người phỏng vấn có thái độ không quan tâm về những gì bạn làm được, rất có khả năng họ chỉ cần nhân lực gấp và cũng không quan trọng việc bạn có thể gắn bó lâu dài hay không.
Thị trường việc làm và xu hướng tuyển dụng đã thay đổi rất nhiều ở những năm gần đây. Đừng quên bạn có rất nhiều sự lựa chọn khác, chọn một công việc gần nhà hơn, chuyển nơi ở đến gần nơi làm việc, thương lượng với cấp trên hoặc tìm một việc làm từ xa,...
Nếu bạn đến công ty với tình trạng kiệt sức vì phải đi một quãng đường xa, cả tinh thần lẫn hiệu suất công việc của bạn đều sẽ bị giảm sút, thế nên việc đi làm xa đòi hỏi tính cam kết rất cao từ cả nhân viên lẫn công ty.
Dẫu vậy, nếu bạn đủ đam mê với những gì mình đang làm, bạn sẽ sớm thích nghi với "quãng đường đi làm" này thôi!
Ảnh: NVCC
Trí Thức Trẻ