Gen Z tích cực tiêu thụ sản phẩm công nghệ
Tiếp xúc với công nghệ từ sớm, Gen Z (sinh ra trong những năm từ 1997 đến 2012) có khả năng tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, coi công nghệ là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Điều đó khiến họ sẽ sớm trở thành đối tượng khách hàng chính của các sản phẩm công nghệ.
Báo cáo Global Web Index 2022 cho thấy, 98% Gen Z sở hữu điện thoại thông minh, và trung bình họ tiếp xúc với chiếc điện thoại khi mới chỉ hơn 10 tuổi. Khoảng 64% Gen Z cho biết họ luôn kết nối trực tuyến và 57% cảm thấy thiếu an toàn khi không có điện thoại di động bên mình, còn hơn cả khi không có ví tiền. Cũng trong báo cáo này, Gen Z trung bình dành 4 giờ và 9 phút mỗi ngày trên điện thoại di động, lâu nhất trong tất cả các thế hệ.
Theo cuộc khảo sát của công ty Adobe, Mỹ với 1.000 người, 83% người thuộc thế hệ Z thích việc thể hiện cảm xúc qua biểu tượng trong các nền tảng tin nhắn hơn là thông qua cuộc điện thoại hay giao tiếp trực tiếp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỗi 5 người thế hệ Z thì có 1 người cho rằng thể hiện bản thân trực tuyến dễ dàng hơn so với ngoại tuyến. Thế hệ X, millennial, và Gen Z được xác định là nhóm khách hàng linh hoạt, sẵn sàng chi trả và chia sẻ dữ liệu để nhận được sự cá nhân hóa.
Không chỉ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, Gen Z tiếp xúc với rất nhiều công cụ khác nhau trên nền tảng số. Các yếu tố giải trí như xem video (81%) và chơi trò chơi trực tuyến (60%) xếp hạng cao nhất trong các hoạt động sử dụng thiết bị di động hàng ngày.
Covid 19 cũng đã tạo nên một “cú hích” thay đổi hành vi và mở ra những tiềm năng vô hạn của nền tảng số.
Tại Việt Nam, cách đây 10 năm, thật khó hình dung thế hệ học sinh, sinh viên sẽ quen thuộc với công nghệ số như hiện tại. Gen Z giờ đây không chỉ giao lưu trực tuyến, mà còn học trực tuyến, mua sắm trực tuyến, du lịch trực tuyến, gọi xe trực tuyến… Hàng loạt công cụ trực tuyến đã ra đời và được Gen Z đón nhận, ứng dụng rộng rãi.
"Ngày nay hầu như không có hoạt động nào của mình là không liên quan đến các ứng dụng hay smartphone, mình đi beBike đến trường, trưa gọi beFood ăn trưa, thanh toán MoMo, trò chuyện với bạn bè qua Zalo, sử dụng ChatGPT để tóm tắt nội dung học..." - H.An, 19 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết.
Với thế mạnh về công nghệ và tinh thần thay đổi, ham học, Gen Z được dự báo sẽ là một nhân tố sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong tương lai cho ngành công nghệ, cũng như nền kinh tế số, xã hội số.
Nhịp sống thị trường