MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ghi chép chi tiêu cẩn thận nhưng vẫn không dư đồng nào vào cuối tháng

19-08-2023 - 22:30 PM | Sống

Nhiều người trẻ dù đã học cách quản lý chi tiêu nhưng vẫn “cháy túi' vào cuối tháng.

Trên mạng xã hội từng có câu đùa vui: Cuối tháng người ta thường hạnh phúc bởi vì đây là lúc lương về. Tuy nhiên, việc duy trì được tiền lương không hết sạch trước kỳ nhận lương tiếp theo không phải điều mà ai cũng làm được. Cũng vì thế, nhiều người trẻ đã lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng để dành tiền cho kế hoạch trong tương lai. Tuy nhiên, ghi chép tài chính cẩn thận đến đâu cũng chưa chắc là cách giúp bạn đảm bảo bản thân không rơi vào tình trạng rỗng ví vào cuối tháng.

Thu nhập không cao: Tháng nào nhận lương tiêu hết tháng đó

“Đi làm 2 năm, mình chưa tiết kiệm được đồng nào. Tháng nào lấy lương là hết luôn từng ấy. Mấy nay mình cứ nghĩ đơn giản làm việc đủ sống, không cần xin tiền bố mẹ là ổn rồi. Nhưng hôm trước, dì mình hỏi đi làm để ra được bao nhiêu tiền rồi. Mình tủi thân lắm. Dì nói mang tiếng đi năm mấy năm trên thành phố nhưng không có đồng nào dự trữ, thua cả những người làm thuê ở quê.

Năm nay công việc khó khăn, mình rơi vào cảnh thất nghiệp mấy tháng, sau đó mới tìm được việc nhưng lương không ổn. Mình đang bắt đầu từ vị trí thử việc, nhận lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập chỉ gọi là vừa đủ chi tiêu, bao nhiêu áp lực dồn vào người", Minh Hằng (25 tuổi, Hà Nội) tâm sự về cuộc sống hiện tại của bản thân.

Ghi chép chi tiêu cẩn thận nhưng vẫn không dư đồng nào vào cuối tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Từ khi ra trường, mức lương văn phòng của Minh Hằng rơi vào khoảng 7-12 triệu đồng. Mỗi tháng, cô đều cân đo đong đếm từng khoản chi tiêu để tránh rơi vào cảnh rỗng túi. Thông thường, cô đều gửi bố mẹ khoảng 2 triệu đồng/tháng để phụ giúp kinh tế gia đình. Số tiền còn lại, Minh Hằng dùng chi tiêu cá nhân.

Trong 3 tháng gần đây, Minh Hằng bắt đầu rải CV xin việc, sau khi nhận thấy công việc cũ không có tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trước tình hình bão sa thải và bản thân chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới, cô chật vật để tìm được vị trí phù hợp. Gần nhất, cô được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên về nông nghiệp, có mức lương thử việc chỉ 5 triệu đồng. 

Thu nhập hàng tháng khiêm tốn, cộng với trước đó bản thân tiêu khá nhiều tiền tiết kiệm trong thời gian thất nghiệp khiến Minh Hằng không khỏi lo lắng về mức phí sinh hoạt trong tương lai. Dù đã ghi chép lại các khoản chi tiêu, song cô cho rằng cách quản lý tiền bạc này chỉ giúp bản thân tránh rơi vào cảnh nợ nần. Còn nếu Minh Hằng muốn có khoản tiền để riêng thì cần tìm cách gia tăng thu nhập.

“Với sổ chi tiêu điện tử, mình chỉ ghi lại những khoản to, chẳng hạn tiền thuê nhà 2 triệu đồng, mua đồ ăn trong 3-4 ngày khoảng 200 ngàn đồng… Ở thời điểm hiện tại, cách ghi chép này chỉ hạn chế bản thân không tiêu quá tay, trong khi tình trạng ‘rỗng túi’ vẫn xảy ra vì thu nhập chỉ đủ sống qua ngày", Minh Hằng bày tỏ.

Bỏ cuộc sau 3 ngày lên kế hoạch chi tiêu vì thói quen mua sắm bốc đồng

“22 tuổi, mình nhận ra bản thân cần tiết kiệm vì đã ra trường rồi. Nhưng chỉ siết chặt tài chính được vài ngày đã bỏ cuộc vì mua sắm quá đà", Hoàng Minh (22 tuổi, TP.HCM) thổ lộ. Hoàng Minh nhận mức lương khá cao so với bạn bè đồng trang lứa, là khoảng 15 triệu đồng/tháng nhờ vào việc chăm chỉ tích lũy kinh nghiệm đi làm từ sớm và đa dạng thu nhập.

Ghi chép chi tiêu cẩn thận nhưng vẫn không dư đồng nào vào cuối tháng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Giống như Minh Hằng, Hoàng Minh quản lý chi tiêu bằng cách ghi chép trên các ứng dụng điện thoại. Những ngày đầu mới học quản lý tài chính, Hoàng Minh thực hiện rất nghiêm túc, mỗi ngày chỉ tiêu tiền vào những khoản mục đã đề ra. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày thắt chặt chi tiêu, anh đã “bỏ cuộc” vì sở thích mua sắm bốc đồng và suy nghĩ muốn đầu tư cho bản thân.

Cụ thể hơn, niềm yêu thích đồ dùng công nghệ, máy film và du lịch đã khiến anh khó đi vào guồng quay của hình thức kiểm soát tài chính nghiêm ngặt. Có tháng Hoàng Minh tiêu đến 25 triệu đồng chỉ cho tiền du lịch và mua sắm món đồ yêu thích. Tháng nào lỡ tiêu quá tay, anh chàng đều dùng thêm số tiền tích luỹ vốn có, đồng thời cố gắng chi tiêu tiết kiệm trong những tháng tiếp theo.

Hoàng Minh chia sẻ: “Mình từng đặt hạn mức bản thân cần tiêu bao nhiêu mỗi tháng, hay cần phải để dành được chừng nào tiền. Tuy nhiên, khi đã thực sự bước chân đi làm, mình muốn xuất hiện chỉn chu, cũng như không muốn thua kém quá nhiều so với đồng nghiệp. Đó là lý do mình không ngại đầu tư cho trang phục, sở thích cá nhân để khiến bản thân trở nên thú vị hơn. Mình nghĩ đây là yêu cầu tất yếu ai cũng có, không phân biệt giới tính. Ngoài ra, mình còn học được tư duy khá thú vị, đó là trước năm 25 tuổi, đừng ngần ngại chi tiền để nâng cấp bản thân và dành cho những chuyến đi".

Hoàng Minh cho hay bản thân từng bị một vài người xung quanh nhận xét là “nghèo sang chảnh". Tuy nhiên, anh chàng không đáp lại, cũng không lên tiếng giải thích quá nhiều về lối sống cá nhân.

“Mình nghĩ rằng điều quan trọng là việc tiêu tiền khiến mình thấy giá trị bản thân tăng lên. Thời Đại học, mình từng không biết chăm chút ngoại hình. Mỗi ngày đi làm thì chỉ cắm mặt vào máy tính, không giao tiếp nhiều với đồng nghiệp, cũng không ý thức phải cải thiện các mối quan hệ khác. Sau này khi ra trường đi làm, có công việc ổn định sớm hơn các bạn nhưng mình cũng không thấy vui vẻ. Phải mất thời gian dài tiêu tiền cho bản thân thì mình mới ổn định lại cảm xúc như hiện tại”, Hoàng Minh chia sẻ.

Trong tương lai, anh chàng dự định sẽ hạn chế bớt thói quen mua sắm bốc đồng. Anh tính để dành khoảng 30-40% tiền tiết kiệm mỗi tháng để đầu tư. Dẫu vậy, Hoàng Minh cho hay nếu việc hạn chế chi tiêu ảnh hưởng đến chất lượng sống thì anh sẵn sàng từ bỏ kế hoạch này, quay lại những ngày cuối tháng không dư đồng nào nhưng vẫn thấy vui vẻ.

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên