MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá BĐS bán lẻ trung tâm Tp.HCM giảm mạnh, chủ mặt bằng“oằn mình” tìm khách thuê

23-03-2020 - 19:59 PM | Bất động sản

Tương lai không ai đoán được dịch Covid - 19 sẽ ảnh hưởng tới mức độ nào và tới thời điểm nào sẽ qua đi. Nhưng, ngay ở thời điểm này thì không chỉ khách thuê bị ảnh hưởng mà những chủ mặt bằng thuê sau khi khách trả mặt bằng cũng chật vật trong tìm khách thuê mới, mặc dù có kích cầu bằng cách hạ giá đôi chút.

Có lẽ đây là giai đoạn mà thị trường BĐS có thể dùng đến những cụm từ như “thê thảm”, “cơn bĩ cực”, nhất là đối với thị trường bán lẻ. Theo ghi nhận, số lượng mặt bằng cho thuê tại các tuyến phố cũng như ở các TTTM “trống” ngày càng nhiều. Đã có khá nhiều khách thuê chủ động giảm giá giá thuê cho các chủ cửa hàng kinh doanh. Với những mặt bằng mới bị trả lại thì giảm 10-20% cho khách thuê mới. Tuy nhiên, việc tìm khách thuê cũng không mấy dễ dàng.

Chị Ngọc (Q.Phú Nhuận) cho biết, dù đã hơn 1 tháng khách trả mặt bằng thuê chị vẫn chưa tìm được khách thuê mới, dù ban đầu chị đưa ra giá 60 triệu đồng/tháng (mặt bằng tại Q.Phú Nhuận) nhưng sau đó 2 tuần chị giảm xuống 55 nhưng đến nay vẫn chưa có người hỏi thuê. Tình hình này trái ngược hoàn toàn với thời điểm trước đây khi mà khách cũ chưa giao mặt bằng đã có khách mới đến thuê với giá cao hơn giá cũ từ 10-15%.

Đây là tình cảnh không riêng gì chị Ngọc, rất nhiều chủ mặt bằng “rối bời” khi mặt bằng trả không tìm được khách thuê. Có những mặt bằng vị trí trung tâm ngày trước “đắt như tôm tươi” thì bây giờ đăng tin mãi không có người hỏi thuê.

Giá BĐS bán lẻ trung tâm Tp.HCM giảm mạnh, chủ mặt bằng“oằn mình” tìm khách thuê - Ảnh 1.

Bên cạnh mặt bằng thuê nhà phố thì tại các TTTM tình cảnh ảm đạm diễn ra tương tự. Theo ghi nhận, lượng khách giảm tới 50-80%. Gần đây các TTTM đang có một chút tiến triển nhỏ giọt, tuy nhiên các khách thuê trong TTTM cũng đang đau đầu với bài toán kinh doanh khi sụt giảm lượng khách quá nhiều. Nhiều cửa hàng đã có thông báo xin được hỗ trợ giảm tiền thuê từ chủ nhà, một số cửa hàng thì xin rút khỏi trung tâm hoặc xin đóng cửa tạm thời. Với những mặt bằng bỏ trống chủ đầu tư cũng khá khó khăn khi có người thuê ở tình hình dịch bệnh như thế này.

Bà Trần Thị Thu Hà, Quản lý bộ phận cho thuê bán lẻ, Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ đang gặp rắc rối và khủng hoảng nghiêm trọng trước dịch Covid - 19Đặc biệt, tính đến giai đoạn giữa và cuối tháng 3/2020 khi Chính phủ bắt đầu chính thức phát hành các loại công văn yêu cầu các nhà bán lẻ về mảng giải trí phải tạm ngưng hoạt động và khuyến cáo người dân ở nhà, hạn chế ra chỗ đông người thì tình hình bán lẻ lại trở nên tồi tệ nghiêm trọng hơn nữa mặc dù trước đó tỉ lệ doanh thu của hầu hết các ngành hàng bán lẻ (trừ các ngành kinh doanh liên quan đến sức khỏe, y tế và tiêu dùng hàng ngày) đều đã sụt giảm đến mức chạm đáy, giảm 50-90% so với thời điểm trước dịch.

Bà Hà cho biết, hàng loạt mặt bằng bị trả lại và bỏ trống vì doanh nghiệp không thể cầm cự được qua thời kỳ khủng hoảng. Các TTTM vắng khách qua lại. Người tiêu dùng hình thành sự cẩn trọng trong tiêu dùng và thay đổi hành vi mua sắm. Theo bà Hà, cùng với nhiều đợt cách ly dài ngày của một số lượng lớn công dân Việt Nam hoặc Việt Kiều từ nước ngoài về, hoặc việc chặn nhập cảnh các expats (người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam) cùng với việc học sinh, sinh viên tạm cho nghỉ học,... đã làm cho kinh tế toàn cảnh trở nên tồi tệ hơn. Không chỉ riêng ngành bán lẻ mà nhìn chung các ngành kinh tế khác cũng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cùng quan điểm, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường nên còn sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và trung hạn của dịch bệnh tới thị trường văn phòng cho thuê.

Tuy nhiên, theo bà Trang, doanh nghiệp cần phải tính đến phương án yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc không gian khác. Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự năng động của một số ngành công nghiệp, dẫn đến việc trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi và mở rộng văn phòng.

“Không chỉ riêng phân khúc văn phòng một số nơi như Tp.HCM có giá thuê cao mà sàn thương mại cũng vậy. Do đó, các chủ đầu tư cho thuê diện tích kinh doanh thương mại cũng cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho khách thuê”, bà Trang nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hà, dịch Covid 19 như một nút "RESET" để tái khởi động lại thị trường chứ không phải nút "SHUTDOWN", vấn đề là thời gian và chiến lược của mỗi doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đang chống dịch Covid rất tốt và hiệu quả. Rất nhiều trường hợp dương tính với Covid 19 đã được chữa khỏi, một điều vô cùng tự hào của Việt Nam và mở ra sự lạc quan nhất định trong bộ phận người tiêu dùng. Một khi dịch được kiểm soát, và sắp tới khi đã có thông tin về vaccine hay thuốc chữa dịch Covid-19 chính thức, thì việc kinh tế hồi phục lại là chuyện hiển nhiên. 

Các doanh nghiệp trong thời gian này cần bình tĩnh, có phương án kiểm soát dòng tiền và các chiến lược kinh doanh/marketing/bán hàng phù hợp như việc tăng cường kinh doanh online, giảm giá,... đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các chủ nhà như giảm giá tiền thuê để chờ thời điểm hồi phục của thị trường”, bà Trần Thị Thu Hà, Quản lý bộ phận cho thuê bán lẻ, Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Giá BĐS bán lẻ trung tâm Tp.HCM giảm mạnh, chủ mặt bằng“oằn mình” tìm khách thuê - Ảnh 3.

Hạ Vy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên