Giá cả "đắt đỏ'', nhóm doanh nghiệp họ dầu khí đồng loạt lãi lớn, DPM, DCM tăng cả chục lần trong khi PVD vẫn lỗ
Giá dầu thế giới đã leo dốc trong quý 1/2022 và hiện đang ở mức trên 100 USD/thùng. Giá phân bón cũng lên cao kỷ lục.
- 25-04-2022Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR): Quý 1 lãi 2.312 tỷ đồng – vượt 78% kế hoạch cả năm 2022
- 10-04-2022Doanh thu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 197 nghìn tỷ đồng trong quý 1, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021
- 11-03-2022Giá dầu tăng bốc đầu, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) báo lãi 2.010 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng – bằng phân nửa mức lãi cả năm 2021
Trong những tháng đầu năm 2022, giá dầu Brent tăng 43,6% so với trung bình năm 2021 và tăng 65,52% so với cùng kỳ. Cùng xu hướng giá dầu thô thế giới, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu đều tăng từ 63% - 78% so với cùng kỳ và tăng từ 39% - 52% so với bình quân năm 2021.
Giá dầu Brent (nguồn: Tradingeconomics)
Giá dầu cao khiến diễn biến tích cực lan toả từ nhóm thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn trong nhóm dầu khí.
PV Gas (GAS) và công ty con PV Gas D có mức tăng mạnh nhất nhóm khi PV Gas lãi 4.381 tỷ đồng, trong quý 1/2022, tăng 66%, PV Gas D cũng tăng đến 106% so với cùng kỳ. Do GAS hoạt động trong khâu trung nguồn và hạ nguồn nên giá dầu ảnh hưởng nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của GAS. Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI, ban lãnh đạo GAS đã trao đổi về tác động của biến động giá dầu. Theo đó, nếu giá dầu thô Brent tăng/giảm 5 USD, doanh thu và LNTT của GAS sẽ tăng/giảm lần lượt 1,5 nghìn tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng hoạt động trong khâu hạ nguồn nhưng không tăng trưởng cao như GAS, lợi nhuận trước thuế BSR đạt 2.463 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ.
Còn PV Drilling (PVD) và PTSC (PVS) hoạt động ở khâu thượng nguồn là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí nên kết quả kinh doanh không được hỗ trợ nhiều bởi giá dầu như GAS. Do đó nên mức tăng trưởng thấp hơn khi PVS tăng 41% còn PVD tuy vẫn lỗ 65 tỷ đồng, nhưng mức lỗ đã thu hẹp lại so với cùng kỳ lỗ 107 tỷ đồng.
Thuộc nhóm hạ nguồn phân phối xăng dầu, PV Oil vẫn ghi nhận kết quả tích cực với mức lãi 353 tỷ đồng, tăng 71% dù cho hai doanh nghiệp khác cùng nhóm là Thanh Lễ và NSH Petro lại lần lượt giảm 22% và 72% so với cùng kỳ.
Hai doanh nghiệp kinh doanh điện thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam (PVN) là PV Power (POW) và công ty con Nhơn Trạch 2 đều ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng. Cụ thể, POW lãi 880 tỷ đồng, tăng 30% còn NT2 lãi 168 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ
Đặc biệt, hai doanh nghiệp phân bón đạt mức tăng gấp 10 lần cùng kỳ, lợi nhuận đạt kỷ lục trong quý. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ (DPM) lãi trước thuế 2.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.126 tỷ đồng – gấp 12 lần so với cùng kỳ. Còn Đạm Cà Mau (DCM) lãi sau thuế 1.518 tỷ đồng cao gấp 10 lần quý 1/2021.
Theo giải trình từ phía 2 công ty, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh trong quý 1/2022 dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý 1/2022 tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm trước.