Giá cả ở 5 địa phương đắt đỏ nhất cả nước tăng giảm ra sao trong tháng 1/2023?
Theo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) 2021, Hà Nội là địa phương giữ vị trí “quán quân” về mức độ đắt đỏ nhất cả nước. Xếp sau Hà Nội về mức độ đắt đỏ lần lượt các tỉnh, thành gồm Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Vậy giá cả ở 5 địa phương này đã thay đổi ra sao trong tháng đầu năm 2023?
- 07-02-2023FPT rót hàng nghìn tỷ đồng vào Bình Định
- 06-02-2023Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư đưa cảng Thị Vải trở thành cảng thương mại
- 31-01-2023Lộ diện địa phương chiếm hơn 1/2 vốn FDI đăng ký cấp mới của cả nước ngay trong tháng đầu năm
Hà Nội
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố trong tháng 1/2023 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1/2023, có 9/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,14% (tác động làm tăng CPI chung 0,11%) do giá xăng điều chỉnh tăng ngày 1/1/2023 và ngày 3/1/2023 (bình quân trong tháng giá xăng tăng 1,95%). Tiếp theo là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,01% (tác động làm tăng CPI chung 0,02%) do đây là thời điểm sát Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,93% (tác động làm giảm CPI chung 0,29%), trong đó thực phẩm tăng 1,17%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,49%; lương thực tăng 0,44%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,57% (tác động làm tăng CPI chung 0,03%).
Bên cạnh đó, các nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ gồm: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; giáo dục tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,57%.
Ở chiều ngược lại, có 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,69% (tác động làm giảm CPI chung 0,14%) do giá gas đun giảm 4,64%; giá dầu hỏa giảm 2,09%; đồng thời sản lượng tiêu thụ điện, nước giảm dẫn đến giá bình quân giảm (điện giảm 0,33%, nước giảm 0,7%). Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,01%.
Quảng Ninh
Dữ liệu của Cục Thống kê Quảng Ninh chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 10 nhóm hàng hoá tăng giá và 1 nhóm hàng hoá giảm giá.
TP.HCM
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2022.
So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 tăng 5,06% với 10/11 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức 15,29%; tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 6,55%; nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông (-0,3%).
So với tháng trước, nhóm hàng hoá có mức tăng cao nhất thuộc về nhóm giao thông (+1,92%). Trong mức tăng 1,92%, xăng tăng 2,39%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 14,23%, hàng không tăng 32,42%; đường sá tăng 28,78%. Nhóm hàng tăng cao thứ hai trong tháng là nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,59%; trong đó đồ uống không cồn giảm 0,41%, rượu bia tăng 1,48% và thuốc hút tăng 0,84%.
Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,47%; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,20%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm giáo dục tăng 0,37%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Ở chiều ngược lại, 2 nhóm hàng hoá giảm là nhà ở vật liệu xây dựng và bưu chính viễn thông.
Đà Nẵng
Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 1/2023 tăng 1,12% so với tháng 12/2022, tăng 9,44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 1,12%, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm lương thực tăng 1,07%; nhóm hàng thực phẩm tăng 2,29%, nhóm ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,33%.
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, về quê ăn tết của người dân tăng cao nên dịch vụ giao thông công cộng tăng giá ở tất cả các loại phương tiện đường sắt, hàng không, đường bộ… giá vé tăng cao ở tháng này.
Bước vào năm dương lịch mới, các chủ thuê trọ áp dụng mức giá mới ngay từ đầu năm làm giá nhà ở thuê tăng 3,23% so với tháng trước. Nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, nên giá thành tiêu thụ điện cao hơn so với tháng trước làm cho giá điện tăng 0,57% ở tháng này.
Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu chung tăng 2,24%, trong đó xăng tăng 2,39% theo sự điều chỉnh giá xăng dầu trong nước của chính phủ. Giá xăng dầu tăng là yếu tố chủ yếu làm tăng tốc độ của CPI tháng 1/2023.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng nhóm bưu chính viễn thông và nhóm dịch vụ y tế giảm lần lượt là 0,16% và 0,01% so với tháng trước. Chỉ duy nhất nhóm giáo dục có chỉ số giá tiêu dùng không biến động so với tháng trước.
Hải Phòng
Cục Thống kê Hải Phòng cho hay, các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thịt gà đã có xu hướng tăng nhẹ, cùng với đó là giá dịch vụ nhà cho thuê tăng là nguyên nhân chủ chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 0,98% so với tháng trước; tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 1/2023 tăng 0,98% (khu vực thành thị tăng 1,17%; khu vực nông thôn tăng 0,74%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính không có nhóm mặt hàng nào có chỉ số giá giảm.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2023 tăng 4,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.
Nhịp sống kinh tế