MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê thế giới tiếp tục lao dốc trước mối lo Trade war

06-07-2018 - 14:19 PM | Thị trường

Mối lo chiến tranh thương mại đã tác động mạnh lên giá cà phê kỳ hạn phiên vừa qua.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm ngày 05/7, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 50 USD, tức giảm 2,96%, xuống ở mức 1.639 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 47 USD, tức giảm 2,8% xuống ở mức 1.634 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo co nhẹ khoảng cách. Giá thiết lập mức thấp 24 tháng mới.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 2,75 cent, tức giảm 2,46% xuống ở mức 109,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,7 cent, tức giảm 2,34% xuống ở mức 112,6 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình. Giá vẫn dao động quanh mức thấp hơn bốn năm rưỡi.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 1.000 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34.100 – 34.900 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.564 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi co về ở mức 65 – 70 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London .

Ngành Thuế quan của Mỹ bắt đầu tiến hành thu thuế 34 tỷ USD vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tuy không phải là thông tin mới nhưng cũng khiến các thị trường hàng hóa, chứng khoán lao dốc sau kỳ vọng vào các đàm phán thương mại giữa hai chính phủ Trung – Mỹ mà không có một tiến bộ nào. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng thực thi biện pháp đáp trả tương ứng như đã khẳng định, và đến lúc này dường như cả thế giới mới "giật mình" vì chiến tranh thương mại (Trade war) là có thật.

Theo các nhà quan sát nhận định, hầu hết các thị trường đồng loạt lao dốc là do sự phản ứng thái quá của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các thị trường càng nóng rực hơn khi tổng thống D.Trump bắn tin không chỉ dừng ở mức đó mà sẽ còn nhiều hơn nữa…

Và như vậy, cuộc chiến thương mại sẽ không chỉ làm tổn thương hai cường quốc kinh tế thứ nhất và thứ nhì thế giới mà còn gây tổn thương cho nhiều quốc gia châu Á do có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc và cho cả phần còn lại của thế giới.

Dù sao, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước nên cần có sự bình tĩnh để ứng phó thích hợp.

Giá cà phê thế giới tiếp tục lao dốc trước mối lo Trade war - Ảnh 1.

Giá cà phê robsuta rơi thẳng đứng trong phiên 5/7


Thị trường cà phê đang vào ngày "giáp hạt" ở nhiều nước sản xuất cà phê nên thương mại có phần chậm lại, trong khi phần lớn giới thương nhân và nhà công nghiệp ở phía Bắc bán cầu cũng đã vào kỳ nghỉ mùa hè năm nay nên vắng bóng trên thị trường.

Xin được nhắc lại, thị trường cà phê thế giới vẫn còn nguyên sức ép vụ mùa mới năm nay hiện đang thu hoạch ở các nước Mỹ latinh trong khi đã có thêm dự báo sản lượng của nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới có khả năng sẽ không dừng lại ở mốc 60 triệu bao. Đồng Reais tiếp tục sụt giảm (1 USD = 3,9308 Reais) đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán ra do họ sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn cũng góp phần vào sự giảm giá.

Cho dù hoạt động trên hai sàn cà phê kỳ hạn phiên vừa qua chỉ xấp xỉ mức trung bình khá nhưng giới thương nhân cũng ghi nhận đã có một lực bán ròng khá mạnh được nhà đầu tư rót vốn vào thúc đẩy giá giảm.

Trong khi đó, báo cáo Cam kết của Thương nhân (CFTC) từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 26/6, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 0,54% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 60.736 lô, tương đương với 17.218.387 bao và có nhiều khả năng đã tăng thêm sau những ngày thương mại hỗn hợp nhưng tổng thể có phần tiêu cực hơn kể từ đó đến nay.

Báo cáo CFTC từ ​​thị trường cà phê Robusta London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, bộ phận đầu cơ phi thương mại của thị trường này đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 17,47% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 34.511 lô, tương đương với 5.751.833 bao và nhiều khả năng đã tăng mạnh thêm nữa sau những ngày thương mại khá tiêu cực vừa qua.

Liên đoàn Cà phê (Fedecafe) Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê tháng 6 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt 1.087.000 bao. Sở dĩ có sự gia tăng sản lượng là do vụ Mitaca năm nay được mùa. Tuy nhiên, lũy kế sản lượng 9 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 vẫn giảm 1,01% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.

Fedecafe cũng báo cáo khối lượng cà phê xuất khẩu trong tháng giảm 6,02% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 906.000 bao. Dẫn đến lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu niên vụ hiện tại giảm 4,55% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng cộng 9.710.000. Nguyên nhân lượng xuất khẩu giảm được cho là không liên quan đến sản lượng mà do giá tham chiếu cà phê kỳ hạn New York quá thấp khiến việc bán hàng xuất khẩu chậm lại.

Thị trường cà phê Đông Nam Á dường như chỉ hoạt động cầm chừng để tất toán những hợp đồng trước, trong khi người mua mới chưa xuất hiện và người bán cũng không muốn bán vào lúc này.

Thị trường cà phê nội địa Việt Nam  tiếp tục trạng thái đóng băng do giá quá thấp.

Anh Văn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên