MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá căn hộ tập thể cũ tăng: Cân nhắc kỹ khi mua

19-01-2024 - 06:43 AM | Bất động sản

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Dịch vụ Tư vấn Savills Hà Nội, thị trường đang chứng kiến một sự mất cân đối giữa nguồn cầu và nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, đặc biệt là với các sản phẩm ở phân khúc vừa túi tiền.

Giá căn hộ tập thể cũ tăng: Cân nhắc kỹ khi mua - Ảnh 1.

Các khu tập thể cũ tăng giá vì nhu cầu nhà ở lớn. Ảnh: Như Ý

Nguồn cung liên tục sụt giảm nhiều năm nay, trong khi nhu cầu thực ngày càng cao khiến không chỉ giá chung cư mới mà ngay cả các căn hộ tập thể cũ tại quận trung tâm Hà Nội cũng tăng.

Đơn cử, một căn hộ tập thể tại số 2 Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) diện tích 36,4m2 rao bán với giá 3,02 tỷ đồng.Theo người bán, căn hộ ở tầng 5 khu tập thể, diện tích trong “sổ đỏ” là 36,4m2, trong đó có 33,7m2 là diện tích nhà ở, còn lại 2,7m2 diện tích ban công. Tuy nhiên, diện tích thực tế sử dụng phần nhà ở khoảng 43m2, bao gồm phòng khách, bếp, 2 phòng ngủ, 1 vệ sinh. Với mức giá bán hơn 3 tỷ đồng, theo diện tích trên “sổ đỏ”, mỗi mét vuông căn hộ tập thể cũ này có giá gần 83 triệu đồng.

Căn nhà tập thể mặt phố Kim Mã Thượng , phường Cống Vị (quận Ba Đình) diện tích 30m2 đang rao bán với mức giá 3,1 tỷ đồng. Tức là khoảng trên 103 triệu đồng/m2. Căn hộ này chỉ 1 phòng ngủ, nhưng theo người bán vị trí ngay tầng 1, mặt tiền căn hộ 3,5m nên tiện cho việc cho thuê kinh doanh.

Cũng rao bán mức giá tới 100 triệu đồng/m2, căn hộ tập thể ở tầng 1, trong ngõ phố Hàng Bông, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) được phát giá 3,3 tỷ đồng, diện tích trong sổ đỏ 32,9m2.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nguyên nhân khiến nhiều nhà tập thể cũ trở thành hàng “hot” do nằm tại những vị trí “vàng” tại trung tâm Hà Nội đang liên tục tăng giá, được săn tìm bởi nguồn cung nhà ở mới khan hiếm.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, người mua cũng cần chú ý đến diện tích thực, diện tích cơi nới khi mua loại hình này. Nguyên nhân: trong quá trình sinh sống, có không ít hộ dân đã cơi nới thêm “chuồng cọp” rộng hàng chục m2 gây nhiều rủi ro về an toàn, đầu tư với người mua lại.

Nhiều ý kiến chỉ ra, rủi ro lớn nhất với người mua nhà là các diện tích cơi nới, “chuồng cọp” này đều không nằm trong diện tích được cấp theo sổ đỏ, không được xem xét khi chuyển nhượng hoặc trong bồi thường khi khu nhà tập thể phải phá dỡ, xây dựng lại. Thực tế, từ nhà đầu tư đến người có nhu cầu mua để ở đều thấy tiềm năng của nhà tập thể cũ khi được cải tạo thành chung cư mới. Dù vậy, khi việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn cần thời gian giải quyết thì người mua vẫn cần cân nhắc kỹ.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương tồn tại chung cư cũ nhiều nhất nước. Trên địa bàn có 1.516 chung cư cũ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990. Ngoài ra còn một số khu chung cư được xây dựng từ trước năm 1954. Đáng chú ý các chung cư này tập trung khá đông cư dân, vượt thiết kế ban đầu khoảng 1,5 lần trong khi đã cũ nát, xuống cấp; nguy cơ cháy nổ, chập điện cao.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên