MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1

Mức tăng giá ấn tượng trong thời gian qua đã giúp nhiều cổ phiếu ngành dược lọt vào nhóm cổ phiếu đắt đỏ trên TTCK.

Nhiều cổ phiếu nằm trong nhóm đắt đỏ

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 22/4 nhiều cổ phiếu ngành dược có mức giá trên 50.000 đ/CP trong đó đáng chú ý nhất là mức giá của DP3, cổ phiếu này hiện được giao dịch ở mức giá 117.000 đ/CP và cũng là cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trong nhóm đạt gần 43% so với phiên giao dịch hồi đầu năm 2021. 

Cũng có mức tăng giá ấn tượng là Nam Dược (NDC), với khối lượng giao dịch lình xình chỉ đạt vài trăm thậm chí vài chục cổ phiếu mỗi phiên nhưng NDC đã tăng mạnh từ mức giá 59.800 đ/CP hồi đầu năm lên 84.000 đ/CP tương ứng mức tăng giá hơn 40%, tiếp đó IMP, PMC và DCL cũng đạt mức tăng giá 2 con số.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1 - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý 1: Ngược chiều

Mặc dù giá cổ phiếu ở mức cao và được kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ tăng lên tuy nhiên KQKD quý 1 của các doanh nghiệp ngành dược không thực sự khởi sắc theo đó chỉ có Dược Hậu Giang, Traphaco và OPC là có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó nhờ đẩy mạnh xuất khẩu doanh thu quý này của DHG đạt 1.169 tỷ đồng tăng gần 25% cùng kỳ năm trước. 

DHG cho biết trong chiến lược sản phẩm và cấu trúc sản phẩm của DHG, nhóm kháng sinh và giảm đau hạ sốt chiếm trên 50%, vì vậy DHG cần đầu tư tiêu chuẩn cao nhà máy Betalactam (kháng sinh) để duy trì phát triển và giữ vững sự tăng trưởng của các sản phẩm trụ cột. 

Ở chiều ngược lại Dược Hà Tây (DHT) là doanh nghiệp có doanh thu giảm mạnh từ 519 tỷ đồng xuống còn 380 tỷ đồng tương ứng mức giảm gần 27%.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1 - Ảnh 2.

Sau khi trừ các khoản chi phí, các doanh nghiệp dược cùng có lãi trong quý 1/2021 trong đó dẫn đầu là Dược Hậu Giang với LNST đạt 204 tỷ đồng tăng 15,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất thuộc về Traphaco, nhờ doanh số bán hàng tăng cao và kiểm soát tốt chi phí giúp TRA có lãi 51 tỷ đồng tăng 34% so với cùng kỳ, tiếp đó OPC mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ nhưng nhờ tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận cũng tăng trưởng hai con số đạt 37 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại mức lợi nhuận giảm mạnh nhất thuộc về DMC, sau khi trừ các khoản chi phí Domesco lãi sau thuế gần 24 tỷ đồng giảm 44% so với cùng kỳ 2020 – Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 2/2012 của DMC. Tiếp đó là Dược Hà Tây cùng với mức doanh thu sụt giảm doanh nghiệp này cũng chỉ có lãi 21 tỷ đồng trong quý 1 giảm 33% so với cùng kỳ 2020.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1 - Ảnh 3.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1 chưa thực sự bứt phá tuy nhiên các doanh nghiệp ngành dược vẫn thể hiện sự lạc quan vào kết quả kinh doanh của năm 2021. Theo đó đa phần đều dự kiến lợi nhuận 2021 tăng trưởng hoặc chỉ giảm nhẹ trong đó ông lớn Dược Hậu Giang dự kiến lợi nhuận đi ngang đạt 821 tỷ đồng, Dược Cửu Long hiện chưa công bố BCTC quý 1 nhưng mục tiêu lãi của năm 2021 là 110 tỷ đồng tăng 59,4% so với thực hiện 2020. DMC, IMP và TRA cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm nay.

Ở chiều ngược lại sau khi có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2020 với 143 tỷ đồng LNST vượt tới 110% kế hoạch, sang năm 2021 Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) dự tính chỉ lãi 72 tỷ đồng giảm gần 50% so với thực hiện 2020.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, doanh nghiệp dược làm ăn ra sao trong quý 1 - Ảnh 4.

Lộ diện điểm yếu ngành dược

Theo giải trình từ phía Domesco (DMC), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu nên nguyên phụ liệu và bao bì đều tăng cao so với cùng kỳ dẫn đến giá vốn tăng cao. Trong kỳ công ty duy trì cung ứng thuốc theo giá đã trúng thầu trong năm 2020 cho các bệnh viện khi giá vốn tăng cao nhằm ổn định việc điều trị cho bệnh nhân khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế làm ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của công ty.

Tương tự PMC cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 khiến nguồn cung cấp bị hạn chế đã đẩy giá nguyên vật liệu làm dược phẩm, bao bì đầu vào tăng đáng kể ảnh hưởng đến giá vốn bán hàng và làm giảm lợi nhuận quý 1 của công ty.

Có thể thấy một lần nữa câu chuyện về sự phụ thuộc nguồn cung dược phẩm và vật tư y tế của các doanh nghiệp dược cần tiếp tục tìm hướng giải quyết.

Thanh Tú

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên