Giá đất đang dần hạ nhiệt, người bán vẫn chật vật thanh khoản
Ghi nhận thực tế trên thị trường, một số nhà đầu tư đang bắt đầu hạ mức kỳ vọng lợi nhuận xuống từ 10-20%, nhằm nhanh chóng đẩy hàng, thu hồi vốn. Song, tính thanh khoản trên thị trường vẫn chậm chạp dù người mua đã hạ giá.
Hơn 1 tháng trước, anh Lộc (nhà đầu tư ở Sóc Sơn, Hà Nội) quyết định cắt mức lợi nhuận từ lô đất rộng 98m2 mua cách đây 1 năm. Mức giá mà nhà đầu tư này đưa ra là 1,1 tỷ đồng. So với giá ban đầu rao bán, giá hạ 15%. Nguyên nhân của quyết định hạ giá là kể từ đầu năm tới nay, anh Lộc vẫn chưa tìm được khách chốt. Lượng khách hỏi chỉ lác đác và đa phần khách hỏi giá đều không có thiện chí mua.
Trong khi đó, về nguồn tài chính, anh Lộc đang gặp khó khi lãi suất ngân hàng tăng. Điều này buộc anh phải gồng lên trả nợ, trong khi các khoản thu ngoài từ công việc môi giới bất động sản hoặc “ăn chênh” như trước đây đang ngày càng co hẹp.
Thế nhưng, dù hạ giá, đến hiện tại, anh Lộc vẫn chưa tìm được khách chốt lô đất. “Tôi đã ký gửi tới 8 môi giới nhưng khách ít lắm. Gần như chẳng có người qua xem và tìm hiểu dù giá đã hạ”, anh Lộc nói.
Ảnh minh hoạ
Rơi vào trường hợp tương tự như anh Lộc, chị Nguyễn Diễm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã hạ giá lô đất thổ cư mua cách đât 1,5 năm. Lô đất này nằm vùng ven đường Vành đai 4, được chị Diễm mua với giá 2,8 tỷ đồng. Sau gần 2 năm, chị Diễm xác định đẩy ra thị trường với giá 2,9 tỷ đồng, tức chỉ nhỉnh 100 triệu đồng so với thời điểm mua. Chị Diễm cho biết, mặc dù trước đó, chị đã mua được lô đất này với giá khá ưu đã so với thị trường. Nếu tính trong vòng gần 2 năm, thì mức lãi 100 triệu đồng không đủ để bù trượt giá, lạm phát hay ngay cả so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tuy nhiên, để bán được hàng nhanh, chị buộc phải đưa ra mức giá như vậy. “Khách hỏi nhiều nhưng họ toàn trả xuống 2,7 tỷ đồng. Với mức giá này, tôi không thể bán vì thấp hơn cả số tiền tôi đã bỏ ra trước đó”.
Tình trạng giá bất động sản dù hạ nhiệt nhưng vẫn khó tìm được người mua là thực tế diễn ra tại nhiều thị trường. Anh Trường (môi giới bất động sản tại Hải Dương) cho biết, nếu như khoảng 5 tháng trước, anh thường bận rộn với các giao dịch thì đến hiện tại, môi giới này đang dần chuyển hướng công việc. Bởi, khách gửi bán thì nhiều nhưng khách mua thì ít.
Một báo cáo nửa đầu năm 2022 của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, nhu cầu tìm kiếm đất nền trên cả nước giảm 20%.
Báo cáo ghi nhận, lượng quan tâm tìm mua đất nền tại TP.HCM giảm 16%. Các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có xu hướng giảm từ 20-23% lượng tìm mua loại hình này. Đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) đều ghi nhận sự sụt giảm số người tìm kiếm, quan tâm so với giai đoạn đầu năm. Trong khi đó các thị trường tiếp giáp TP.HCM, đất nền tại các huyện Phú Mỹ, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhu cầu tìm kiếm giảm từ 21-26% trong quý 2/2022.
Tại Hà Nội, báo cáo thị trường quý 1/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhu cầu tìm kiếm đất nền tại nhiều huyện vùng ven giảm sâu nhất là 25%. Chương Mỹ là huyện ngoại thành duy nhất vẫn giữ được sức nóng trong quý đầu năm. Sang quý 2, báo cáo cho thấy lượt tìm kiếm tiếp tục giảm ở các huyện này song giá vẫn tăng. Ngay cả những thị trường liên tục tạo được sức hút thời gian qua như Quốc Oai hay Thạch Thất cũng không ngoại lệ.
Đông Anh là huyện vùng ven có lượt tìm kiếm đất nền quý 2/2022 giảm sâu nhất với mức giảm 29%, tiếp theo là Quốc Oai, Gia Lâm với mức giảm lần lượt 24% và 20% so với quý 1. Trong quý trước, Đông Anh cũng là thị trường có nhu cầu mua đất nền giảm sâu nhất trong số các huyện vùng ven, với mức giảm 25%.
Đất nền Thạch Thất có nhu cầu mua giảm 7% trong quý 1, sang quý 2 mức giảm đã chậm lại với tỷ lệ khoảng 2%. Với huyện Quốc Oai, lượt tìm kiếm đất nền trong quý 1 chỉ giảm nhẹ 4% thì sang quý 2 mức giảm lên 24%, chỉ sau Đông Anh.
Nhận định về hiện tượng cắt lỗ trên thị trường, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính, Savills Hà Nội cho biết, tình trạng này có thể xảy ra trên thị trường bất động sản ở trường hợp như nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ về bất động sản trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Điều này dẫn đến một số vấn đề như dự án vướng quy hoạch, vướng các yếu tố môi trường gần khu mộ hay đường điện, lối tiếp cận hạn chế… Đây là những nguyên nhân khiến tính thương mại của bất động sản không cao và việc chuyển nhượng trở nên khó khăn.
Trường hợp các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để thực hiện đầu tư bất động sản, việc bán cắt lỗ để tránh lãi vay ngân hàng cũng là một khả năng có thể nghĩ đến.
Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường bất động sản nói riêng hiện vẫn đang trên đà phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh. Thế nên, bà Vân khẳng định, sẽ không có việc giảm giá bất động sản mạnh trên mặt bằng chung và cũng sẽ không có hiện tượng làn sóng cắt lỗ đại trà trên mọi phân khúc, thị trường.
Nhịp sống thị trường