Giá dầu có thể lặp lại mốc lịch sử 146 USD/thùng?
Cách đây 11 năm, ngày 24/9/2007 giá dầu thô Brent kết thúc phiên gần sát 79 USD/thùng. Ba ngày sau đó, giá vượt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử - cũng tương tự như thời điểm hiện tại. Và chưa đầy 10 tháng sau giá chạm đỉnh cao nhất trong lịch sử là 146 USD/thùng.
- 27-09-2018Thị trường ngày 27/9: Fed nâng lãi suất kéo giá dầu, vàng, thép, cao su đồng loạt giảm, đường xuống thấp nhất 10 năm
- 25-09-2018Thị trường ngày 25/9: Giá dầu tăng vọt, vượt 81 USD/thùng
- 23-09-2018Nga lặng lẽ vươn lên vị trí điều khiển giá dầu toàn cầu
Quá khứ không phải lúc nào cũng lặp lại, nhưng những sự kiện của năm 2007/08 gợi nhớ thị trường hiện đang chuyển động tương tự như đã từng xảy ra ở giai đoạn lịch sử đó, nhất là xoay quanh những dấu mốc tính chu kỳ.
Giá đang di chuyển tăng tốc khi tới gần các "đỉnh" mang tính chu kỳ, và thị trường "rung lắc" bởi lo ngại về khả năng thiếu hụt hoặc dư thừa.
Và kết quả là giá dầu vẫn tiếp tục biến động mạnh hơn nhiều so với những dự đoán chỉ cách đây vài tháng (lúc tăng cũng tăng mạnh hơn, mà lúc giảm cũng giảm nhiều hơn so với các dự đoán).
Hiện dầu Brent đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng và đã lập đỉnh cao nhất trong vòng 4 năm.
Hiện tại "phản chiếu" quá khứ
Tình hình kinh tế toàn cầu cũng như thị trường dầu mỏ ở thời điểm hiện tại có nhiều điểm tương đồng với những gì đã xảy ra trong những năm 2007 và 2008.
Khi đó, kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng rất mạnh trong nhiều năm liền, và tốc độ tiêu thụ dầu mỏ cũng theo đó tăng rất nhanh.
Chu kỳ kinh tế Mỹ đạt đỉnh cao vào tháng 12/2007, và vẫn duy trì tốt trong một năm sau đó, đồng thời giá dầu cũng tiếp tục tăng thêm 7 tháng nữa.
Lợi nhuận trái phiếu kho bạc ngắn hạn của Mỹ cũng đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 6/2007, còn chứng khoán Mỹ đạt kỷ lục cao vào tháng 10/2007.
Hầu hết các cường quốc công nghiệp khác đã rơi vào suy thoái từ nửa cuối năm 2007 hoặc nửa đầu năm 2008. Thị trường dầu mỏ cũng bắt đầu trượt dốc.
OPEC đã từng không can thiệp
Còn nhớ trong cả năm 2007 và đầu 2008, các lãnh đạo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không ngừng khẳng định thị trường dầu mỏ có đủ nguồn cung, và sẽ chỉ bổ sung nếu các nhà máy lọc dầu đề xuất.
Nhưng thị trường dầu Brent đã đột ngột tăng mạnh trong nửa cuối năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008, cho thấy các thương gia lo ngại về nguồn cung.
Tháng 9/2007, OPEC quyết định tăng sản lượng thêm tổng cộng 500.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11/2009, với lý do thị trường nhiên liệu Mỹ thắt chặt và giá dầu thô tăng quá mạnh.
Tuy nhiên, tháng 12/2007, OPEC họp và đánh giá thị trường vẫn được cung cấp đủ và dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu đảm bảo để không cần tăng sản lượng.
Tháng 3/2008, trong cuộc họp của mình, OPEC vẫn nhận định nguồn cung được đảm bảo, nhận định kinh tế thế giới đang ngày càng có nhiều nguy cơ suy giảm, và đổ lỗi cho việc giá dầu tăng là bởi các yếu tố phi cơ bản, nhất là các nhà đầu cơ.
Đến tháng 5 năm đó, Tổng thư ký OPEC tiếp tục tuyên bố: "Rõ ràng là không thiếu dầu trên thị trường" và đổ lỗi cho các quỹ đầu cơ ngày càng gây ra biến động giá dầu thô. Tổ chức này tiếp tục cam kết sẽ chủ động hành động khi cần thiết để đảm bảo thị trường ổn định và cân bằng, nhưng không cam kết sẽ bơm thêm dầu.
Và giá tiếp tục tăng và trở nên ngày càng biến động mạnh, thường xuyên tăng khoảng 5 USD/thùng mỗi ngày. Nhiều thương gia đã rút lui khỏi thị trường vì thấy rủi ro ngày càng gia tăng.
OPEC tiếp tục khẳng định rằng nguồn cung dầu vẫn đủ, Saudi Arabia và các thành viên khác sẽ cung cấp thêm dầu khi các nhà máy lọc dầu yêu cầu, nhưng giá đó phải được điều khiển bởi những yếu tố khác ngoài cung và cầu.
Và cuối cùng cũng chạm "giới hạn" vào tháng 5/2008, giá dầu giao ngay bắt đầu giảm kể từ đầu tháng 6 cùng năm do triển vọng kinh tế và tài chính toàn cầu xấu đi.
Khi khủng hoảng tài chính mạnh lên vào tháng 9/2008, kinh tế toàn cầu lún sâu vào suy thoái kể từ 6 tháng cuối năm 2008 và nửa đầu năm 2009.
Lịch sử liệu có lặp lại?
Năm 2018/19 cũng những chuỗi sự kiện như 11 năm trước, điều đó có ý nghĩa thế nào?
Trong chu kỳ tăng trưởng hiện nay, kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính lại đang trong giai đoạn biến động.
Ở những nước còn lại trên thế giới, triển vọng đang xấu đi, với nhiều yếu tố tác động trái chiều, nhưng những yếu tố rủi ro có vẻ nặng ký hơn.
Tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ vẫn mạnh, nhưng bắt đầu chậm dần lại.
Khoảng chênh lệch giá giữa các kỳ hạn trong vòng 6 tháng đã giảm xuống hiện chỉ còn khoảng 2 USD/thùng, tương tự như hồi tháng 9/2007.
Những quy định mới về ô nhiễm môi trường (giảm tỷ lệ lưu huỳnh) bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020, sẽ gây áp lực đối với nhu cầu những loại dầu thô ngọt có hàm lượng lưu huỳnh trung bình.
Nhưng trước mắt, thị trường đang lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Iran (có hàm lượng lưu huỳnh trung bình) do bị Mỹ trừng phạt có thể đẩy giá lên.
Saudi Arabia khẳng định có đủ năng lực để tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng nhiều người nghi ngờ về cả khối lượng đó cũng như chất lượng dầu của Saudi Arabia.
Và Ủy ban Điều phối cấp Bộ trưởng của OPEC và các đồng minh ngoài OPEC hôm 23/9/2018 đã kết luận rằng thị trường dầu thô nhìn chung đang cân bằng giữa cung và cầu.
Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ đang đặt cược giá dầu thô Brent sẽ còn tăng thêm nữa nên đã mua vào tới gần 470 triệu thùng.