Giảm giá sâu có giúp ô tô Trung Quốc cạnh tranh được ở Việt Nam?
Những tín hiệu thực tế thị trường cho thấy sẽ phải có một diễn biến đặc biệt nào đó mới có thể giúp ô tô Trung Quốc tăng mức độ phổ cập tại Việt Nam.
- 06-05-2024Ô tô Trung Quốc dư thừa đang tràn ra khắp thế giới: 123 hãng sản xuất 40 triệu xe nhưng chỉ bán được 22 triệu chiếc trong nước
- 22-04-2024Hình ảnh xe đậu bạt ngàn ở cảng: Điều gì đang xảy ra với ô tô Trung Quốc ở châu Âu?
- 14-03-2024Bị ô tô Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm top 1-2-3 trên sân nhà, chuyện gì đang xảy ra với ngành xe Nhật?
- 26-02-2024Elon Musk đã biết sợ ô tô Trung Quốc chưa?
Liên tục ra mắt, liên tục giảm giá chóng mặt
Năm 2023, thị trường Việt chào đón hàng loạt thương hiệu Trung Quốc gia nhập thị trường. Có thể kể đến những cái tên như Haval thuộc tập đoàn Great Wall Motor, Wuling của liên doanh GM – SAIC – Wuling, Haima hay Lynk & Co.
Tuy nhiên không giống với các dự đoán trước đây, phần lớn các mẫu xe này đều được chào bán với mức giá tương đối tranh cãi chứ không lấy giá rẻ làm tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh. Từ đó, một hệ quả tất yếu xảy ra.
Haval H6 hybrid cạnh tranh ở phân khúc crossover hạng C được chào bán với giá 1.096 triệu đồng nhanh chóng giảm giá gần 250 triệu đồng xuống còn 852 triệu, Wuling MiniEV cũng giảm giá đến 20%, từ mức 239 triệu còn khoảng 180 triệu đồng.
Trong khi đó, gần như toàn bộ dải sản phẩm của MG tại Việt Nam cũng đều liên tục được công bố giảm giá sâu. Chẳng hạn, MG5 thường được giảm 50-115 triệu, xuống mức 349 triệu cho bản số sàn và hơn 400 triệu cho bản số tự động. MG ZS, MG RX-5 cũng đều giảm giá trên 100 triệu đồng để tìm khách mua.
Giảm giá sâu là thế nhưng doanh số của các mẫu xe này đều khá hạn chế. Wuling MiniEV – theo công bố của TMT Motors – đơn vị lắp ráp xe tại Việt Nam – chỉ bán được 591 xe trong 3 tháng cuối năm 2023, bằng 1/10 mục tiêu ban đầu. Các mẫu xe khác, dù không công bố doanh số nhưng người dùng cũng gần như rất hiếm bắt gặp trên đường phố, chưa nói đến việc cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu xe “quốc dân” tại Việt Nam hiện nay.
Các mẫu xe hiện có trên thị trường chưa thể làm nên bất ngờ, ô tô Trung Quốc có thể phải chờ đợi sự xuất hiện của một số “ông lớn” khác, dự kiến đổ bộ thị trường trong năm nay.
Nhưng liệu có hiệu quả?
BYD công bố sẽ mở bán 3 mẫu xe gồm Atto 3, Seal và Dolphin tại Việt Nam từ tháng 6 này, sau đó tiếp tục đem về 3 mẫu xe khác gồm Han, SealLion 6 và Tan cho giai đoạn cuối năm. Chery, một trong những nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc, cũng mang về Việt Nam 4 mẫu xe thuộc 2 thương hiệu con gồm Omoda 5, Omoda S5, S5 GT và Jacoo 7.
Đây đều là các nhà sản xuất có tiềm lực khi BYD là nhà sản xuất ô tô năng lượng mới số một thế giới năm 2023. Hãng công bố vào Việt Nam để “làm thị trường”, chưa vội quan tâm doanh số. Trong khi đó, Chery bắt tay với Geleximco để xây nhà máy ở Thái Bình quy mô gần 20.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn có hàng loạt yếu tố có thể trở thành rào cản lớn cho ô tô Trung Quốc tại Việt Nam.
Thứ nhất chính là tâm lý dè chừng của người tiêu dùng Việt với sản phẩm ô tô Trung Quốc. Nếu như ô tô Hàn, Nhật, Mỹ, thậm chí cái tên mới như VinFast đã tạo dựng được sự tin tưởng với người dùng thì nhắc đến ô tô Trung Quốc, vẫn có hàng loạt câu hỏi liên quan đến chất lượng sản phẩm, độ bền và sự tin cậy.
Nhắc đến sự tin cậy, người dùng Việt rõ ràng đã chứng kiến hàng loạt thương hiệu Trung Quốc (điển hình là Chery) đã vào, sau đó rút khỏi thị trường “không kèn không trống”. Sự thiếu nhất quán này có thể khiến người dùng tăng thêm phần e ngại bởi nếu hãng không cam kết với thị trường, họ sẽ “lĩnh đủ” cho việc bảo hành, bảo dưỡng sau này.
Bên cạnh đó, lịch sử thị trường cũng ghi nhận làn sóng xe máy Trung Quốc ồ ạt đổ bộ thị trường trước đây với chất lượng “thượng vàng hạ cám”. Khi con sóng đó qua đi, thứ còn lại là hàng loạt những chiếc xe hết “date”, sửa không được mà vứt đi không xong. Khi ô tô Trung Quốc liên tục công bố ra mắt thị trường, đã có không ít người lập tức liên tưởng đến làn sóng xe máy Trung Quốc trước đây.
Cuối cùng, một lượng lớn các mẫu ô tô Trung Quốc đã và sẽ gia nhập thị trường Việt Nam đều là xe điện – được quảng bá đầy mĩ miều với công nghệ tiên tiến, chạy cả trăm km không cần sạc, tích hợp đầy đủ công nghệ cao cấp nhất nhưng yếu tố cơ bản là sạc ở đâu, xây dựng hệ thống trạm sạc thế nào đều chưa được nhắc đến. Chẳng hạn, BYD đã khẳng định sẽ không xây trạm sạc ở Việt Nam mà để dành phần đó cho “đối tác”.
Bên cạnh đó, việc ô tô Trung Quốc đang gặp rào cản thương mại tại các thị trường như châu Âu, Mỹ vì lo ngại vấn đề an toàn, an ninh dữ liệu cũng phần nào khiến những mẫu xe này trở nên kém lung linh trong mắt người dùng Việt.
Tóm lại, ô tô Trung Quốc khi gia nhập thị trường có thể giúp người Việt có thêm nhiều lựa chọn phong phú hơn, góp phần tăng tính cạnh tranh để cách hãng lớn phải đánh giá lại câu chuyện sản phẩm, hậu mãi cũng như trang bị trên xe.
Tuy nhiên, sẽ còn một chặng đường dài phía trước để các mẫu xe này thực sự ghi điểm với người dùng Việt, từ đó cạnh tranh về doanh số. Điều kiện kinh tế ngày càng tốt lên, hiểu biết ngày càng cao của người dùng Việt sẽ khiến ô tô Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn để cạnh tranh.
Do đó, giảm giá là tất yếu nhưng ngay cả khi giảm giá, ô tô Trung Quốc chưa chắc đã cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Thị trường ô tô Việt
Xem tất cả >>- Ford Việt Nam bội thu doanh số nhờ Everest và Ranger
- MG5 giảm giá ‘kịch sàn’ còn 295 triệu tại đại lý: Rẻ hơn 2 chiếc SH, là xe mới nhưng khách mua phải đánh đổi một điều
- Omoda C5 chính thức chào sân thị trường Việt Nam: Đấu Kia Seltos, Hyundai Creta bằng giá từ 589 triệu
- Ưu đãi 155 triệu, Skoda Karoq quyết cạnh tranh với SUV lắp ráp trong nước
- Loạt MPV về Việt Nam năm nay đấu Xpander: Giá trên dưới 600 triệu, đủ loại xăng, hybrid, điện, 'trend' màn hình lớn, vài mẫu có ADAS