Giá dầu sẽ tăng vượt giá xăng trong kì điều chỉnh ngày 5/9
Giá xăng nhập hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Ngược lại, giá dầu ghi nhận mức tăng đột biến, dự báo sẽ tăng 1.800-2.000 đồng/lít.
- 31-08-2022Điều hành giá xăng dầu linh hoạt, tránh gây sốc
- 31-08-2022Giá xăng có thể giữ nguyên, giá dầu dự báo tăng đến 2.000 đồng/lít
- 30-08-2022Giá xăng dầu sắp tăng mạnh, kiến nghị điều chỉnh giá từ 1/9
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 31/8 đột ngột giảm mạnh so với vài ngày trước. Theo đó, bình quân xăng RON 92 là 97,31 USD/thùng; xăng RON 95 là 100,14 USD/thùng và 140,3 USD/thùng dầu diesel.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 107,8 USD/thùng xăng RON 92; 112,08 USD/thùng xăng RON 95 và 133,95 USD/thùng dầu diesel.
Nguồn: Bộ Công thương.
Giá xăng A95 đã giảm về 100 USD/thùng, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Mức giá này tương đương với giá xăng ngày 20/1, khi đó giá xăng trong nước (RON 95) là 23.876 đồng/lít. Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 20.576 đồng.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đánh giá, giá xăng thành phẩm tại Singapore có xu hướng giảm do đó dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể giảm khoảng 200-300 đồng/lít. Tuy nhiên, dầu sẽ tăng mạnh ở mức 1.800-2.000 đồng/lít.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhận định giá dầu diesel trong 2 tuần gần đây đang tăng mạnh trở lại với mức tăng từ 10-16% so với giá bình quân kỳ điều hành ngày 22/8. Điều này khiến cho việc điều hành xăng dầu trong kỳ điều hành tới có thể chịu áp lực tăng giá trở lại.
Mới đây, sau hàng loạt phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu về tình trạng thiếu nguồn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản khẩn gửi các bộ ngành liên quan để kiến nghị tháo gỡ khó khăn.
Theo Petrolimex, diễn biến giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay hết sức phức tạp. Giá có mức tăng/giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực EU….
Ảnh minh họa
Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022 đến nay, tạo khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối để chia sẻ thù lao, chiết khấu với đại lý.
Dẫn chứng, thông thường bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp xăng dầu chiếm tới 49% thị phần cả nước là khoảng 17.000 m3/ngày, nhưng mấy ngày gần đây sản lượng tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31/8 sản lượng bán lẻ trực tiếp là 27.000m3, tăng 60% so với ngày bình thường.
Thực tế này khiến cho nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex cũng không ngừng tăng cao.
Vì vậy, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn do lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi việc mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho sự thiếu hụt...
Còn ghi nhận tại thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng "nóng" tuần qua tuy nhiên đã quay đầu giảm 3 ngày gần đây. Theo Oilprice, giá dầu thô Brent tăng 0,66 USD, lên mức 93,02 USD một thùng, trong khi giá dầu thô WTI ở mức 86,87 USD một thùng trong phiên giao dịch ngày 3/9. Sau khi kéo dài mức tăng của tuần trước, tuần này dầu thô quay đầu giảm.
Theo các chuyên gia, giá dầu thô giảm vì những lo ngại nhu cầu dầu suy yếu do Trung Quốc tiếp tục thực thi chính sách Zero COVID. Đồng thời, việc Liên minh châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng lãi suất đang có xu hướng đẩy nền kinh tế yếu đi.
Trong tuần này, OPEC đã điều chỉnh thặng dư thị trường trong năm nay và hiện nhận thấy nhu cầu ít hơn so với nguồn cung là 400.000 thùng/ngày, dự báo trước đó đưa ra mức thặng dư là 900.000 thùng/ngày. Nhóm các nhà sản xuất dự kiến thâm hụt thị trường 300.000 thùng/ngày trong trường hợp cơ sở của họ vào năm 2023, theo Reuters.
Thị trường hiện vẫn tiếp tục "ngóng" kết quả về sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu thế giới và đồng minh (OPEC+) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/9.
Tính đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 8 lần giảm, một lần giữ nguyên. Tại kỳ điều hành hôm 22/8, xăng RON 95-III và E5 RON 92 lần lượt là 24.660 đồng/lít và 23.720 đồng/lít. Còn dầu diesel tăng 850 đồng/lít, lên mức 23.750 đồng. Mỗi lít dầu hỏa cũng đắt thêm 730 đồng, có giá mới là 24.050 đồng.
Trong lần điều chỉnh này, nhà điều hành quyết định trích lập quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít, dầu diesel là 250 đồng, dầu hỏa 400 đồng và mazut là 641 đồng/kg; ở chiều ngược lại, tiếp tục dừng chi sử dụng quỹ BOG với các mặt hàng xăng, dầu.
Nhịp sống kinh tế