MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD

22-11-2024 - 21:06 PM | Thị trường

Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.

Nhận định được đưa ra tại Hội thảo khởi động dự án cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và tham vấn đổi mới sáng tạo trong ngành tôm Việt Nam theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tổ chức ngày 22/11, tại Cần Thơ.

Nhiều thách thức

Hiện, ngành tôm Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD/năm, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành tôm đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chất lượng giống, phương thức nuôi chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Ngô Tiến Chương - Trưởng nhóm Thủy sản thuộc GIZ - cho biết, nhu cầu thủy sản toàn cầu đang tăng nhanh, các phương pháp sản xuất truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu này nếu không thay đổi. Đổi mới sáng tạo rất cần để hướng tới sản xuất hiệu quả, bền vững hơn, trách nhiệm cao hơn với môi trường và xã hội.

Ông Chương dẫn các thách thức với ngành tôm Việt Nam như tỷ lệ thành công vụ nuôi thấp, chỉ hơn 40% (trong khi ở Ecuardor là 65%); chi phí sản xuất cao hơn các nước trong nhóm đầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất cả nước; việc liên kết sản xuất còn bất cập; sản phẩm giá trị gia tăng thấp…

Bà Châu Thị Tuyết Hạnh - Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản - cho biết, phế, phụ phẩm của thủy sản mỗi năm từ 1,3-1,5 triệu tấn, trong đó riêng tôm từ 400.000 - 500.000 tấn. Hoạt động chế biến, tái sử dụng phụ phẩm ngành tôm chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, giá trị gia tăng chưa cao so với tiềm năng.

Cần xem phụ phẩm như chính phẩm

Ông Đào Trọng Hiếu - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT - cho rằng, phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ chăn nuôi (chiếm tới gần 70%), chỉ hơn 15% phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, chưa tới 2% cho y dược...

Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD- Ảnh 2.

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL.

Theo ông Hiếu, phụ phẩm tôm được chế biến sâu ra sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá trị cao hơn từ 3-5 lần chế biến thô; tương tự trong thực phẩm sẽ cao hơn 5-10 lần, thực phẩm chức năng từ 15-20 lần và đặc biệt trong dược phẩm lên tới 20-30 lần.

“Sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm có tới 80-90% tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ 10-20% sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan). Năm 2021, doanh thu từ các sản phẩm từ phụ phẩm tôm mang về gần 4.000 tỷ đồng, nếu tận dụng tốt có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí có thể mang về cả tỷ đô”, ông Hiếu nói.

Từ phân tích trên, ông Hiếu cho rằng, nên xem phụ phẩm tôm như chính phẩm, thậm chí giá trị còn cao hơn. Cùng đó, có thể áp dụng một số giải pháp như đầu tư hạ tầng đồng bộ; kết nối chuỗi cung ứng, chế biến phụ phẩm gắn với các cơ sở chế biến chính phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị thu gom, phân loại, sơ chế, bảo quản và phân phối, tiêu thụ phụ phẩm tôm.

Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD- Ảnh 3.

Ông Hiếu đề xuất đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, sản xuất phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, mùi hôi trong các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến phụ phẩm tôm…

Dự án i4Ag nhằm thúc đẩy áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nuôi tôm bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long nhằm bảo vệ hệ sinh thái. Cụ thể, cải thiện chất lượng nước trong sản xuất tôm nước lợ nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả chuỗi giá trị tôm nuôi; thử nghiệm giảm lượng nước thải và bùn thải, quản lý chất thải phát sinh; nâng cao nhận thức và nhân rộng các giải pháp cải thiện chất lượng nước hiệu quả trong nuôi tôm...

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

Trở lên trên