MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu tăng là 'món quà' để Tổng thống Putin 'ngó lơ' các đe dọa trừng phạt của Mỹ và đồng minh

12-02-2022 - 15:19 PM | Thị trường

Giá dầu tăng là 'món quà' để Tổng thống Putin 'ngó lơ' các đe dọa trừng phạt của Mỹ và đồng minh

Miễn là giá dầu thô thế giới vẫn tăng cao, Nga sẽ không khác gì 'hổ mọc thêm cánh' và Tổng thống Vladimir Putin vẫn có cơ sở để phớt lờ các lệnh trừng phạt mà phương Tây đe dọa.

Từ lâu, giá dầu tăng đã có mối tương quan mạnh mẽ với các quyết định của Nga. Trong hai cuộc tấn công quân sự của Nga vào các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ: cuộc chiến ở Gruzia (tháng 8/2008) và cuộc chiếm đóng Crimea (tháng 2/2014) và sau đó là vùng Donbas từ Ukraine, giá dầu thô đều ở mức cao trong lịch sử khi vượt ngưỡng 100 USD, lần lượt là 125 USD và 102,57 USD.

Hiện nay, giá dầu đã tăng trở lại, đạt mức cao nhất trong 7 năm qua với giá dầu thô WTI đạt 91 USD/thùng và dầu Brent tăng vọt lên trên 92 USD/thùng. Việc giá dầu tăng cao cùng nguồn cung khan hiếm đã phản ánh một cuộc căng thẳng không ngừng leo thang giữa quân sự Nga – Ukraine.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm tới hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Nga và đóng góp hơn 30% GDP. Những lợi ích to lớn đó có thể khiến Nga "miễn nhiễm" trước các mối đe dọa từ những biện pháp trừng phạt hoặc cô lập kinh tế từ phương Tây.

Chia sẻ với hãng tin Al Jazeera, ông Bob McNally - CEO của công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group và từng là cố vấn năng lượng cấp cao dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, đã nhận thấy tình trạng này đã từng diễn ra tại Georgia và Ukraine.

Ông cho biết: "Trong mỗi vụ xung đột trước đây, giá dầu đều tăng cao trước vài năm. Điều này chắc chắn đóng một vai trò trong việc khuyến khích các nhà lãnh đạo Nga". Các biện pháp mà Moscow đã thực hiện để bảo vệ hệ thống tài chính của mình sẽ giúp nước Nga chịu đựng được các lệnh trừng phạt.

Vốn phải vật lộn trong cuộc khủng hoảng năng lượng mới nhất, phương Tây đã cân nhắc mọi quyết định để ngăn chặn Nga. Từ các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các công ty tài chính và dầu mỏ của Nga, đến việc loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán tài chính quan trọng của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).

Nhưng theo Greg Priddy, một nhà tư vấn dầu mỏ độc lập và cựu giám đốc phân tích năng lượng tại Eurasia Group, những quyết định đó có thể phản tác dụng đối với phương Tây.

Ông lưu ý, việc đánh trực tiếp vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga là điều không thể, đặc biệt là trong thời đại mà không quốc gia nào có đủ năng lực sản xuất để thay thế. Và kể cả những nhà máy lọc dầu giữa các thành viên Trung Âu của NATO như Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc, chỉ có thể được cung cấp bởi các đường ống dẫn dầu từ Nga.

Về mặt lịch sử, các cuộc xung đột liên quan đến dầu mỏ đều chỉ ra rằng: không phải một công ty dầu khí đe dọa nước láng giềng phụ thuộc vào dầu mỏ của mình, mà là một quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ đang tìm cách chiếm đoạt tài nguyên từ một quốc gia khác.

Có thể thấy từ các cuộc chiến trong quá khứ như Chiến tranh Iran-Iraq, cuộc xâm lược Kuwait, cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Hoa Kỳ, và thậm chí cả sự thúc đẩy tuyệt vọng của Hitler đối với các mỏ dầu ở Kavkaz trong Thế chiến thứ hai.

Thomas Graham, cựu cố vấn Nhà Trắng về các vấn đề Nga và giám đốc điều hành của Kissinger Associates, cho biết: "Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga giúp Nga nắm thế chủ động trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Nga có thể đe dọa cắt xuất khẩu, vì tự tin có thể vượt qua những mặt trái của việc mất doanh thu. Điều này hẳn là dễ dàng hơn nhiều so với việc châu Âu có thể vượt qua việc cắt giảm nhiên liệu sưởi ấm vào mùa đông".

OPEC+ vẫn có khả năng ổn định giá dầu toàn cầu nếu họ cùng nhau hành động. Nhưng trong hai lần gần đây, vào năm 2016 và 2020, họ không tìm tiếng nói chung và hậu quả khiến giá dầu lao dốc.

Vào tháng 1, Ả Rập Xê Út đã đồng ý để Nga tăng sản lượng nhưng không chống lại áp lực từ phương Tây để tham gia và giải phóng khả năng dự trữ của riêng mình nhằm ngăn chặn giá tăng vọt.

Mức giá tăng đã nâng cao Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga và giúp Moscow đạt được mục tiêu dài hạn mà họ chia sẻ với Trung Quốc cùng các đối thủ khác của Mỹ.

"Nga đã hành động để chống lại các lệnh trừng phạt nền kinh tế của mình, họ đã giảm tỷ trọng đô la trong dự trữ ngoại tệ để chuyển sang đồng euro và nhân dân tệ, họ đã bán bớt tài sản bằng đô la trong quỹ tài sản có chủ quyền của mình. Họ đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ." - Graham, hiện là thành viên xuất sắc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.

Điều này đã đưa Nga vào một vị thế kinh tế mạnh mẽ hơn so với những bế tắc trước đây với phương Tây.

Chuyên gia năng lượng người Thổ Nhĩ Kỳ Umud Shokri nhận định: "Trong hoàn cảnh này, tình hình kinh tế của Nga có vẻ tốt hơn bao giờ hết. Quỹ Quốc gia của Nga đã thu được lợi nhuận khổng lồ kể từ khi bùng nổ xuất khẩu dầu năm ngoái, với dự trữ ngoại hối của nước này đạt 640 tỷ USD, nợ công của chính phủ giảm và tỷ lệ nợ trên GDP ở mức 12%. Trong bối cảnh hiện tại, Nga phần lớn có thể chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây."

Việc đe dọa trừng phạt thêm với Nga trong khi khước từ giải quyết các quan ngại chiến lược của Moscow sẽ không khiến ông Putin lùi bước. Nói một cách khác, giá dầu thô vẫn còn triển vọng tươi sáng thì Tổng thống Putin sẽ không 'ngán' một ai.

https://cafef.vn/gia-dau-tang-la-mon-qua-de-tong-thong-putin-ngo-lo-cac-de-doa-trung-phat-cua-my-va-dong-minh-20220212102724829.chn

Khánh Vy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên