Giá dầu thô thế giới xuống mức âm: Kiến nghị nhập để dự trữ
Ngày 21/4, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho hay, hiệp hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương nhập khẩu xăng, dầu dự trữ. Các doanh nghiệp kinh doanh cũng đang tính toán dồn lực mua xăng dầu tích trữ.
- 21-04-2020Giá dầu rơi thê thảm về mức âm ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
- 21-04-2020Điều gì xảy ra tiếp theo với dầu thô sau khi giá xuống ngưỡng âm?
- 21-04-2020Chuyên gia Ngô Trí Long: "Giá dầu lao dốc trong bối cảnh hiện tại không phải là cơ hội"
Theo ông Ngãi, Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu tinh về sản phẩm xăng dầu, việc giá dầu WTI lần đầu trong lịch sử giá xuống mức âm cho kỳ hạn giao tháng 5 là cơ hội lịch sử cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng để tích trữ khi giá dầu sẽ tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sản xuất được khôi phục.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa xăng dầu hiện có để tăng cường nhập khẩu xăng dầu (dầu thô và các sản phẩm xăng dầu). Cùng đó, có thể huy động toàn bộ các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp tư nhân nếu có các bồn chứa đủ tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy đảm bảo chứa xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định… nên huy động tối đa để tích trữ một lượng xăng dầu lớn.
“Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay vốn; cung cấp đủ ngoại tệ,… cho các doanh nghiệp, các đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn này”, ông Ngãi cho hay.
Doanh nghiệp bắt đầu mua dự trữ
Về việc nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc liên tục từ đầu năm đến nay, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho hay, việc giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 lần đầu tiên xuống mức âm thực tế mới chỉ xuất hiện ở một số giao dịch bán tháo của thị trường giao kỳ hạn tháng 5, trước thời điểm hợp đồng ký mua chỉ còn chưa đến 24 giờ.
Vị này cho biết, “đau đầu” là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay, khi giá dầu thế giới liên tục lao dốc. Mua dự trữ khi thời điểm giá thế giới xuống thấp là phương án được các doanh nghiệp xăng dầu tính tới. Tuy nhiên, việc mua bán kỳ hạn xăng dầu là bài học có nhiều rủi ro nếu nhìn từ trường hợp công ty con của Petrolimex tại Singapore bị lỗ cả nghìn tỷ đồng hồi quý 4/2014, kéo theo lợi nhuận cả tập đoàn sụt giảm mạnh, hoạt động của công ty điêu đứng.
Chiều 21/4, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, bộ đang theo dõi chặt diễn biến của giá dầu thế giới những ngày qua. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sẽ tạo tác động tích cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Thời gian qua, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có hệ số tín nhiệm tài chính tốt cũng đã chủ động thu xếp tiền ký hợp đồng mua kỳ hạn. Thậm chí có đơn vị còn làm xong cả thủ tục giao nhận hàng tại kho ngoại quan. Trên thế giới, hiện các kho dự trữ xăng dầu lớn nhất, kể cả các tàu vận chuyển xăng dầu lớn nhất đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng chứa đầy dầu dự trữ được doanh nghiệp đặt mua. Có những doanh nghiệp lớn sẵn sàng trả phí vận chuyển cao gấp 3 lần để thuê tàu lưu, trữ dầu đến tháng 10/2020 tung ra thị trường. Làm như thế lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được sẽ rất lớn, hiệu quả hơn cả dự trữ trong kho. Đến giờ các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội này”, đại diện Vụ Thị trường trong nước phân tích.
Có cơ chế tăng dự trữ dầu thô
Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giá dầu thô về mức âm, PVN phải cắt giảm chi phí và sản xuất ở một mức độ có thể vừa đáp ứng được nhu cầu vừa giảm tối thiểu được số lỗ. Việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý.
Tiền phong