MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá điện sẽ có tăng có giảm?

22-07-2023 - 08:52 AM | Thị trường

Việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường phải minh bạch và giá điện có tăng có giảm theo đúng nhu cầu của thị trường.

Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 3 tháng 1 lần thay vì 6 tháng như hiện nay, không chỉ tăng giá mà lần đầu tiên có giảm giá.

Đây được coi là một bước đi quan trọng để hướng tới một thị trường điện thực thụ, giá điện tăng, giảm theo cung cầu của thị trường, như giá xăng dầu.

Giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để xây dựng các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, cơ chế này phải minh bạch và giá điện có tăng có giảm theo đúng nhu cầu của thị trường.

Thay đổi để giá điện được cập nhật liên tục

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được thực hiện từ năm 2017 đang bộc lộ những vấn đề đó là 6 tháng mới xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện một lần, mà đa phần chỉ có tăng, chưa giảm bao giờ. Nay theo dự thảo của Bộ Công Thương trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện nay.

Bộ Công Thương cho biết chu kỳ điều chỉnh giá điện dài 6 tháng như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập và đến lúc cần thay đổi để giá điện được cập nhật liên tục. Doanh nghiệp và người dân thuận lợi điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Trưởng phòng Giá điện và Phí, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: "Chu kỳ điều chỉnh giá dài có thể dẫn tới trường hợp giá điện có thể tăng đột biến trong 1 lần điều chỉnh giá điện, gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện có lộ trình, tránh giật cục, Bộ Công Thương đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá là 3 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành".

Giá điện sẽ có tăng có giảm? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. Ảnh minh họa.

Về cách tính giá, theo Dự thảo giá điện sẽ được tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay: "Khi điều chỉnh từ 6 tháng về 3 tháng thì đúng với chủ trương của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là xoá bỏ mọi rào cản để giá năng lượng do thị trường quyết định. Điều thứ hai là phù hợp với luật giá. Thứ ba nữa là chi phí được điều chỉnh một cách kịp thời, không để bị dồn tích, dẫn đến điều chỉnh giá điện linh hoạt hơn. Thứ tư là điều chỉnh như vậy, nhà đầu tư yên tâm hơn vào đầu tư phân phối điện, thị trường điện".

Về các mức tăng điều chỉnh giá điện và thẩm quyền phê duyệt đối với từng mức tăng, Bộ Công Thương cho biết không thay đổi so với trước đây, EVN được quyền tự quyết trong khung giá quy định.

"Đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối với mức tăng từ 3 - 5% và đảm bảo có sự rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với sự tăng cao từ 5% trở lên. Khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với hiện hành sẽ điều chỉnh giảm giá điện", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Trưởng phòng Giá điện và Phí, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương thông tin.

Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ quyết định trong quý III năm nay. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm nay thì muộn nhất là quý IV/2024 quyết định sẽ có hiệu lực áp dụng.

Đánh giá về đề xuất trên, ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: "Đúng là thời gian vừa qua, giá điện không bao giờ giảm. Nhưng trong năm 2022, giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh, giá điện tăng mạnh nhưng 6 tháng đầu năm nay lại giảm và cơ cấu điện của chúng ta là 43,5% là nhiệt điện, còn lại là thủy điện. Thủy điện cũng có tính mùa vụ, khi tính mùa vụ thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thuận lợi cho sản xuất thủy điện và nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện giảm, chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá điện xuống được. Chính việc có tăng, có giảm sẽ là tín hiệu đưa giá điện dần dần tiến theo cơ chế thị trường".



 

  


Theo Ban thời sự

VTV.VN

Trở lên trên