Gia đình 4 người ở Hà Nội cần chi bao nhiêu để đủ sống?
Sau khi có con, việc quản lý chi tiêu một cách thông minh rất có lợi cho tài chính của các cặp vợ chồng.
- 04-10-2023Một quốc gia Đông Nam Á vào top nơi người dân sống thọ nhất thế giới: Bí quyết bắt đầu từ 5 phương pháp đơn giản
- 03-10-2023Loài cá là "lộc trời ban" của Việt Nam, biết leo cây, chạy nhảy trên cạn: Giá lên đến hơn nửa triệu đồng/kg
- 02-10-2023Tuổi 30, tỷ tỷ Chi Pu có gì? ‘Villa trên cao’ giá 100 tỷ đồng, kinh doanh phở 200k/bát gây sốt xứ tỷ dân
“Chi tiêu bao nhiêu mới hợp lý sau khi có con?” đó là nỗi trăn trở chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ khi sống tại các thành phố lớn. Trên thực tế, đã có nhiều cặp đôi dự tính bỏ phố về quê sinh sống vì không thể trang trải đủ chi phí sinh hoạt đắt đỏ nơi thành thị.
Vậy liệu gia đình 4 người sẽ chi tiêu và tiết kiệm ra sao khi sống tại Hà Nội? Hãy cùng gặp hai vợ chồng sau để lắng nghe họ chia sẻ cách quản lý tài chính nhé!
Gia đình 4 người chi tiêu bao nhiêu tiền ở Hà Nội?
Vợ chồng Hương (32 tuổi) và 2 con (1 bé 2 tuổi, 1 bé 3 tuổi) đang sống trong căn nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong tổng thu nhập của hai vợ chồng là 18 triệu/tháng, họ dành 12-13 triệu để trang trải chi phí sinh hoạt.
“Mình tiêu cho hai con hết 6 triệu, gồm cả tiền ăn và tiền học. Còn lại hai vợ chồng mua sắm đơn giản và hay nấu nướng tại gia nên tiền ăn uống của bố mẹ chỉ hết 5 triệu. Tiền thuốc men ốm đau là 600 ngàn - 1 triệu, tiền quan hệ xã hội cũng tầm đó. Tiền điện nước, chi phí linh tinh cũng là 600 ngàn - 1 triệu”, Hương kể lại các khoản chi hàng tháng của vợ chồng cô.
Được biết, vào cuối năm 2020, Hương từng phải rời khỏi công việc cũ và gặp khó khăn kinh tế một thời gian. Tuy nhiên, cô đã kịp chuyển hướng sang lĩnh vực mới là hướng dẫn viên du lịch.
Trong thời điểm bão sa thải và kinh tế khó khăn như hiện nay, cô cho rằng vì bản thân còn có công việc ổn định và chọn lối sống tối giản nên vẫn chi tiêu khá thoải mái. So với nhiều người xung quanh, cô còn thấy may mắn vì không còn bị cuốn vào vòng xoáy tiêu tiền quá tay rồi lại vất vả trả nợ.
Còn với Quỳnh Như (29 tuổi, quận Thanh Xuân) nhận định 15 triệu/tháng là mức chi tiêu trung bình của gia đình 4 người tại thành phố Hà Nội. Đây cũng là khoản tiền vợ chồng cô cần bỏ ra cho chi phí sinh hoạt của mình và hai con, chưa tính tiền trả góp nhà là 6 triệu/tháng. Khoản chi tiêu hàng tháng này của gia đình cô sẽ tăng thêm nếu vợ chồng có nhu cầu mua quần áo hay đi nhiều đám hiếu, hỷ.
“Mỗi tháng, vợ chồng mình dành 7 triệu đồng để mua đồ ăn. Đó là chưa kể thi thoảng gia đình mình có ra ngoài ăn, tần suất khoảng 3-5 lần/tháng. Tiền học cho hai con học Tiểu học là 5 triệu đồng. Tiền điện, nước, wifi, phí chung cư là 1,5 triệu. Các chi phí khác như xăng, xe, điện thoại và phát sinh ngoài là 2,5 triệu”, Quỳnh Như nói.
Theo Quỳnh Như dự tính, khoản chi tiêu này có thể tăng lên trong tương lai nếu họ đầu tư cho con đi học tiếng Anh hay các lớp luyện năng khiếu. Cô chia sẻ thêm, hiện vợ chồng cô không có thói quen ghi chép hay thống kê các khoản chi tiêu quá chi tiết. Một phần vì cả hai đều tương đối bận rộn, nên không thể ghi lại đầy đủ tổng tiền thu - chi hàng tháng. Bên cạnh đó, họ thấy không cần quản lý tài chính theo cách đó vì gia đình cô không có nhiều khoản chi tiêu ngoài kế hoạch.
Bí quyết tiết kiệm tiền của vợ chồng trẻ
Quỳnh Như chia sẻ, hiện tại vợ chồng cô không gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu bởi có thu nhập và công việc ổn định. Bên cạnh đó, hai con còn khá nhỏ, bố mẹ hai bên đều có lương hưu nên không tạo áp lực về kinh tế cho cặp đôi.
Quỳnh Như nói thêm, cô biết có nhiều gia đình đầu tư mạnh tiền học bằng cách cho các bé đi học thêm nhiều lớp. Tuy nhiên, vợ chồng Quỳnh Như quan niệm để con phát triển, trau dồi khả năng tự học nên ngoài việc học trên lớp, họ không chi quá nhiều cho các lớp bồi dưỡng năng khiếu.
Khác với nhiều cặp vợ chồng khác, trong gia đình Quỳnh Như thì chồng là người quản lý chi tiêu. Bởi lẽ anh làm trong lĩnh vực tài chính, có kiến thức trong việc sử dụng hiệu quả đồng tiền. Bên cạnh đó, tính chồng Quỳnh Như tương đối cẩn thận, trong khi vợ có xu hướng “vung tay quá trán".
“Mình biết nhiều người cho rằng phụ nữ nên cầm tiền, nhưng trong gia đình mình, ai giỏi cái gì thì cho họ đảm nhận cái đó. Mỗi tháng, mình chuyển 80% thu nhập vào quỹ chung để anh phân bổ chi tiêu, sau đó gửi tiết kiệm và đi đầu tư. Số tiền còn lại mình giữ riêng để dành cho những nhu cầu cá nhân”, Quỳnh Như nói.
Dù có nguồn thu nhập ổn, song vợ chồng Quỳnh Như vẫn cố gắng để dành càng nhiều tiền tiết kiệm càng tốt. Cô nàng chia sẻ: “Trước khi có con, mình tiêu nhiều vào những chuyến du lịch và mua sắm cá nhân. Hầu như tháng nào vợ chồng mình cũng đi chơi đâu đó. Bây giờ có con rồi, mình nhận ra cần để dành tiền cho nhu cầu học tập trong tương lai của con. Chúng mình dự tính cho con học trường công đến hết cấp 3, sau đó gửi con đi du học nếu bé tìm được học bổng phù hợp.
Nếu trước kia mình đi du lịch và cafe nhiều, giờ mình ở nhà cùng con. Mình đã hạn chế mua quần áo hơn, cắt giảm mua đồ ăn đắt đỏ và tập trung nấu nướng tại nhà. Nhờ vậy chi phí sinh hoạt đã giảm nhiều hơn so với giai đoạn trước".
Còn với vợ chồng Hương, cô tâm sự gia đình không chủ trương quá tiết kiệm mà chỉ là không có nhu cầu chi tiêu quá nhiều tiền. Trong cuộc sống, họ đề cao lối sống tối giản. Sau này khi các bé lớn lên, vợ chồng sẽ có một khoản tiết kiệm và có thể thu xếp đưa con đi du lịch và trải nghiệm nhiều hơn.
“Thứ nhất về quần áo, ai cho gì thì mình sẽ dùng để đồ vật được xoay vòng. Mình thấy mua sắm nhiều cũng không dùng hết. Thêm vào đó, mình biết ngành công nghiệp thời trang tác động xấu và ảnh hưởng đến môi trường nên mình chỉ muốn sắm đủ vật dụng và hạn chế shopping lại.
Những ngày thường, vợ chồng mình ăn uống đơn giản thôi. Gia đình mình cũng muốn ăn ngoài hàng vì đồ ngon và tiết kiệm công sức nấu nướng, song lại e ngại vấn đề vệ sinh thực phẩm nên thường tự nấu ăn tại nhà.
Các con học trường công, trộm vía các bé cũng ít phải gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nhu cầu ăn vặt và vui chơi giải trí của con mình vẫn đáp ứng đủ nhưng không quá nuông chiều. Nói chung, mình thuộc kiểu người sống tối giản. Khi có tiền, mình vẫn xài bình thường chứ không kiệt sỉ. Người thân bạn bè mà cần tiền thì mình cũng giúp được phần nào".
Với vợ chồng dự định sinh con nhỏ, Hương cho rằng họ nên có tài khoản tiết kiệm tầm 200 - 300 triệu đồng, hoặc công việc ổn định. Điều này giúp cặp đôi giảm áp lực tài chính và có thể lo vẹn toàn cho con trong một năm đầu đời.
Phụ nữ Việt Nam