Giá gạo xuất khẩu sẽ không duy trì xu hướng giảm quá lâu
Các nhà phân tích thị trường nhận định, do nguồn cung bị thắt chặt, nên xu thế giảm của giá gạo xuất khẩu không thể kéo dài và sẽ biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024.
- 27-02-2024Một 'lỗ hổng' của EU giúp Nga 'bội thu' hàng tỷ USD từ dầu mỏ, sức hấp dẫn khiến nhiều quốc gia muốn làm ngơ không được
- 26-02-2024Cứu tinh từ Campuchia đổ bộ giúp Việt Nam trở thành 1 trong 3 ‘ông trùm’ thế giới: Thu về gần 300 triệu USD chỉ trong 1 tháng, Trung Quốc giá nào cũng mua
- 26-02-2024Cà phê xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD, giá cao nhất trong 30 năm
Giá gạo xuất khẩu những ngày gần đây của Việt Nam và các nước giảm về khoảng 600 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL cũng giảm hơn 1.000 đồng/kg trong tuần qua.
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 690 USD/tấn, giảm 19 USD/tấn; giá gạo 25% tấm đạt 584 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn; giá gạo 100% tấm giữ nguyên ở mức 508 USD tấn. Đáng chú ý, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đang thấp hơn một chút so với gạo Thái Lan cùng loại. Trong khi đó, giá gạo 100% tấm cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 25 USD/tấn.
Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá một số loại gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là do yếu tố tâm lý. Hiện nay, các nhà nhập khẩu gạo biết rằng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nên chưa vội mua vào nên chờ giá tốt. Trong khi yếu tố thời vụ đã trở thành quy luật từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay do giá gạo Việt Nam ở mức khá cao nên mức giảm mạnh hơn.
Cùng với đó, một trong những khách hàng truyền thống và mua gạo với số lượng lớn của Việt Nam là Indonesia, vừa ký được hợp đồng 500.000 tấn vào cuối tháng 1 với Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, những diễn biến gần đây trước kỳ bầu cử ở Ấn Độ cũng khiến các nhà nhập khẩu chưa vội "chốt đơn".
Các nhà phân tích thị trường cũng nhận định, do nguồn cung bị thắt chặt, nên xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài. Ngược lại giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù diện tích lúa đang có xu hướng giảm, nhưng đối với kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha lúa. Sản lượng lúa thu hoạch trong năm 2024 theo ước tính sẽ đạt trên 43 triệu tấn và Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 2, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 703,5 USD/tấn, tăng 33,65% so với cùng kỳ năm 2023.
So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn) trong khi đó trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn). Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn và 4,68 tỉ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm 2022.
Năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ghana…
VOV