Giá hồ tiêu hiện thấp hơn 40% so với cách đây 1 năm
Quý I/2018 xuất khẩu hạt tiêu tăng 17,5% về lượng, nhưng giảm 31,4% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2017.
- 29-03-2018Giá hạt tiêu tăng trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
- 27-03-2018Giá hạt tiêu tăng trở lại
- 26-02-2018Hạt tiêu dẫn đầu nhóm nông sản chủ lực về tăng trưởng xuất khẩu
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong nước, các địa phương đã thu hoạch xong khoảng 80% vụ hạt tiêu 2018, chỉ còn một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Quảng Trị… sẽ thu hoạch vào tháng 7 tới.
Trong 10 ngày đầu tháng 4/2018, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tăng theo giá thế giới. Chốt phiên giao dịch ngày 10/4/2018, giá hạt tiêu tăng so với ngày 31/3/2018 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ tháng trước. Cụ thể, tại Ea H’leo – Đắk Lắk, giá hạt tiêu đen tăng 5,6% so với ngày 31/3/2018, lên mức 57.000 VNĐ/kg, nhưng giảm 6,6% so với ngày 10/3/2018. Tại tỉnh Bình Phước, giá hạt tiêu đen tăng mạnh nhất 7,5%, lên mức 57.000 VNĐ/kg nhưng vẫn giảm 5% so với cùng kỳ tháng trước.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu trắng giảm tới 60 nghìn đồng/kg (tương đương mức giảm 40,8%), xuống còn 87.000 VNĐ/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 3/2018 đạt 30 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 132,5% về lượng và tăng 124,3% về trị giá so với tháng trước, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 37,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, lượng hạt tiêu xuất khẩu đạt 60 nghìn tấn, trị giá 211,6 triệu USD, tăng 17,5% về lượng, nhưng giảm 31,4% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2017.
Về diễn biến giá xuất khẩu, tháng 3/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng tiêu đạt mức 3.531 USD/tấn, giảm 3,5% so với tháng 2/2018 và giảm 39,8% so với tháng 3/2017. 3 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt 3.692 USD/tấn, giảm 41,6% so với 3 tháng đầu năm 2017.
Tháng 3/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Nam Phi tăng so với tháng 2/2018, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác lại giảm.
2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt trên 97 triệu USD, chiếm 84% tỷ trọng trong tổng trị giá xuất khẩu. Đứng ở vị trí thứ 2 về trị giá xuất khẩu là chủng loại hạt tiêu trắng, đạt 14,58 triệu USD, chiếm 12,6% tỷ trọng
Quý I/2018, xuất khẩu hạt tiêu sang Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Hà Lan tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu giảm mạnh nên kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh, trừ xuất khẩu sang Ấn Độ và Thái Lan vẫn tăng.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ 2 tháng đầu năm 2018 đạt 35 tấn, trị giá 101,4 triệu USD, tăng 12,9% về lượng, nhưng giảm 20,5% so với 2 tháng đầu năm 2017. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung mặt hàng lớn thứ 2 về lượng với tốc độ nhập khẩu tăng đột biến 70,6%, chiếm 14,2% thị phần tại thị trường Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2018 và tăng so với 9,4% tỷ trọng trong tổng lượng nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2017.
Trên thị trường thế giới, dự báo, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong ngắn hạn do nguồn cung thấp. Tại Brazil, vụ thu hoạch đã hoàn tất, trong khi tại Ấn Độ dù đã bước vào vụ thu hoạch chính, nhưng thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản lượng hạt tiêu của nước này.
Dự kiến sản lượng hạt tiêu đen của Ấn Độ niên vụ 2017/2018 sẽ giảm khoảng 10.000 – 15.000 tấn so với niên vụ trước đó, đạt khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, nguồn cung hạt tiêu toàn cầu được bù đắp bởi lượng dự trữ tại Việt Nam khá dồi dào, đủ để thực hiện các hợp đồng ngắn hạn. Theo ước tính của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu niên vụ 2017/2018 của các nước thành viên Tổ chức đạt khoảng 570 nghìn tấn, tồn kho gối vụ khoảng 100 nghìn tấn.
Trí Thức Trẻ