Giả mạo giấy tờ gây nhiều hệ lụy
Giả mạo giấy tờ để thực hiện mục đích không trong sáng là hành vi vi phạm pháp luật, khiến người lao động mất quyền lợi và còn có thể bị xử lý hình sự
- 27-09-2024Ngay năm sau, tài xế sẽ không được lái xe ô tô quá 48 giờ/tuần, là những ai?
- 27-09-2024Mở lại đường bay Cần Thơ - Phú Quốc từ ngày 28
- 27-09-2024Dệt may có cơ hội từ sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn
Sau khi thôi việc, bà N.T.M.Q, nhân viên một công ty tại tỉnh Bình Dương, đã khởi kiện doanh nghiệp (DN) đòi bồi thường hơn 284 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tại tòa, bà Q. đã bị lật tẩy hành vi giả mạo giấy tờ nhằm trục lợi từ DN và BHXH.
Qua mặt
Theo trình bày của bà Q., từ tháng 1-2021, bà đã được công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Hết hạn hợp đồng, bà tiếp tục làm việc nhưng hai bên chưa ký HĐLĐ mới.
Ngày 7-4-2022, công ty bất ngờ ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Q. từ ngày 8-4-2022, lý do là căn cứ đơn xin thôi việc của bà. Bà Q. khẳng định chưa hề nộp đơn xin thôi việc nên quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty là trái pháp luật. Do đó, bà khởi kiện, đề nghị tòa án hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ và buộc công ty bồi thường.
Trong khi đó, đại diện DN khẳng định không đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà ngược lại, bà Q. tự ý nghỉ việc. Đáng nói hơn, quyết định chấm dứt HĐLĐ không phải công ty ban hành mà do bà Q. ngụy tạo.
Theo khai nhận của bà N.T.P, nhân viên nhân sự công ty, sau khi nghỉ việc, bà Q. đã nhắn tin qua ứng dụng Zalo nhờ làm giả quyết định chấm dứt HĐLĐ (dùng mộc chữ ký của giám đốc được khắc sẵn và đóng dấu mộc của công ty) để làm thủ tục hưởng chế độ BHXH. Sau gần 1 năm nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ (giả), bà Q. đã làm thủ tục hưởng BHXH một lần, đồng thời yêu cầu công ty bồi thường hơn 273 triệu đồng nhưng không được đáp ứng.
Để xác minh thông tin bà P. cung cấp và nội dung tin nhắn qua Zalo (đã được công ty lập vi bằng), tòa án yêu cầu bà Q. và bà P. đối chất. Thế nhưng, bà Q. có đơn đề nghị không tiến hành đối chất mà yêu cầu tòa tiến hành xét xử.
Căn cứ chứng cứ, tài liệu vụ án, HĐXX nhận định quyết định chấm dứt HĐLĐ không do công ty ban hành mà do bà Q. nhờ người làm giả. Công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật nên không phải bồi thường cho bà Q.
Tòa cũng khẳng định hành vi trên của bà Q. là không trong sáng, có dấu hiệu hình sự về hành vi làm giả tài liệu của tổ chức và trục lợi bảo hiểm. May mắn cho bà Q. là tại phiên tòa, đại diện công ty không đề nghị xử lý hình sự nên HĐXX không kiến nghị cơ quan công an xử lý.
Trả giá
Khi phát hiện ông N.H.D, kế toán trưởng, có hành vi không trong sáng để trục lợi, Công ty TNHH T.L (quận 3, TP HCM) đã cho ông nghỉ việc.
Trước đó, ông D. từng ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với công ty nhưng làm việc được khoảng 6 tháng thì xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Bốn tháng sau, ông xin vào làm trở lại. Khi đó, hai bên thỏa thuận miệng trong 2 tháng thử việc, ông D. sẽ thực hiện các công việc sắp xếp sổ sách, chứng từ, hồ sơ của phòng kế toán; hướng dẫn nhân viên kế toán về nghiệp vụ chuyên môn. Nếu ông thử việc đạt yêu cầu, công ty sẽ ký HĐLĐ và ngược lại sẽ chấm dứt thử việc bất cứ lúc nào.
Sau 1 tháng thử việc, phát hiện ông D. không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận; tự ý đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho bản thân khi chưa giao kết HĐLĐ và chưa được sự đồng ý của giám đốc nên công ty quyết định chấm dứt thử việc. Sau đó, công ty bị ông kiện ra tòa đòi bồi thường 842 triệu đồng.
Theo ông D., hai bên đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm nhưng công ty không giao bản nào cho ông giữ. Việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không báo trước là phạm luật.
Tuy nhiên, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện vì công ty không thừa nhận đã ký HĐLĐ, còn ông D. cũng không cung cấp được bản HĐLĐ chính. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cho hay do đơn vị lập hồ sơ điện tử, không lập hồ sơ giấy nên cũng không lưu giữ HĐLĐ giữa ông D. và công ty. Từ đó, tòa xác định hai bên đang trong thời gian thử việc; việc DN chấm dứt HĐLĐ đối với ông D. là có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục.
Tương tự là trường hợp ông Đ.D.P tại Công ty TNHH H.T (tỉnh Cà Mau). Năm 2022, dù chưa tham gia học và thi sát hạch nhưng để được vào làm nhân viên vận hành xe lu tại công ty, ông P. đã nộp "Chứng chỉ sơ cấp, vận hành máy cơ giới công trình xây dựng" giả, được mua với giá 2,5 triệu đồng.
Tháng 5-2023, khi vận hành xe lu, do bất cẩn, ông P. đã gây tai nạn làm một công nhân tử vong nên bị truy tố hình sự. Theo TAND tỉnh Cà Mau, ông P. không chỉ vi phạm Luật An toàn, vệ sinh lao động mà còn có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do đó, tòa tuyên xử ông P. 2 năm tù.
Mức phạt lên đến 7 năm tù
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo Bộ Luật Hình sự, người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2-5 năm. Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Người lao động