Giá nào cho VPBank trong thương vụ chiến lược?
Trong cuộc gặp gần đây với nhà đầu tư, lãnh đạo VPBank khẳng định kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho nhà đầu tư chiến lược đang rất tích cực và sẽ được thực hiện trong năm 2023. Có hai câu hỏi đặt ra ở đây: Vì sao kế hoạch chậm hơn dự kiến? và nếu việc bán vốn diễn ra suôn sẻ, giá bán sẽ là bao nhiêu?
Kế hoạch huy động vốn của các ngân hàng
Thực tế, không chỉ VPBank có kế hoạch huy động vốn trong 2022 mà có ít nhất sáu ngân hàng lên kế hoạch nhưng đều bị chậm tiến độ so với dự kiến. Như vậy, vấn đề có thể không nằm ở nội tại một ngân hàng riêng lẻ nào, mà lý do cho sự chậm trễ này có thể đến từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, 2022 thực sự là một năm nhiều thách thức cho cả nền kinh tế nói chung và các ngành bất động sản, ngân hàng nói riêng khi, xảy ra nhiều bất ổn từ những sự kiện pháp lý, từ các vụ việc liên quan FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát đến việc kiểm soát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022.
Thứ hai, xuyên suốt trong bối cảnh đó là cuộc chiến của Fed với lạm phát và theo đó đối với bối cảnh quốc tế chính là việc "rút thảm thanh khoản" đối với thị trường tài chính toàn cầu, làm trở ngại đến các kế hoạch huy động vốn không chỉ ở Việt Nam. Đồng thời NHNN phải tăng lãi suất để đảm bảo giá trị của đồng nội tệ. Hệ quả rõ ràng của lãi suất tăng chính là áp lực cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi Chính phủ đã có nhiều động thái như sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP bằng Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các hoạt động phát hành trái phiếu trong nước. Nhiều chuyên gia cũng dự báo chu kỳ thắt chặt của Fed sẽ đạt đỉnh sau 6 tháng đầu năm 2023, sự bất định của thị trường vốn quốc tế sẽ dần dịu bớt, các hoạt động huy động vốn, cụ thể là của các ngân hàng Việt Nam, sẽ được tiếp tục trong 2023 với "tin vui" đầu tiên có thể đến từ VPBank. Câu hỏi ở đây là, liệu giá trị phát hành riêng lẻ của VPBank (cho 15% vốn) về giá trị tuyệt đối có phải là cao nhất trong kế hoạch các ngân hàng hiện tại?
VPBank bán vốn chiến lược với giá bao nhiêu?
Quay ngược lại lịch sử trong giai đoạn 2011-2012, khi Mizuho Bank Ltd (Mizuho) trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietcombank và Tokyo Mitsubishi UFJ (Mitsubishi) thành cổ đông chiến lược của Vietinbank. Năm 2011, giá trị sổ sách Vietcombank ở mức khoảng 15 nghìn đồng/cổ phiếu và giá bán cho Mizuho khi đó là 34 nghìn đồng, tức là gần 2,4 lần giá sổ sách. Vào năm 2012, Mitsubishi mua cổ phiếu Vietinbank với mức giá 24 nghìn đồng, trong khi đó giá sổ sách của ngân hàng này là 12 nghìn, tức là cũng cao gấp đôi giá trị sổ sách. Nhưng hãy nhìn lại tình hình vĩ mô và sức khỏe hệ thống tài chính cũng như nguồn thu của hệ thống ngân hàng những năm 2011-2012 và so sánh với bây giờ:
Nhìn vào một số chỉ tiêu chính, có thể thấy nguồn thu của hệ thống ngân hàng hiện tại đã bền vững hơn nhờ sự đóng góp của nguồn thu ngoài lãi, trong đó đáng chú ý chính là nguồn doanh thu từ phí và bancassurance. Bên cạnh đó, hệ thống đã hoạt động hiệu quả hơn khi tỷ lệ chi phí/doanh thu đang được kiểm soát rất tốt, đồng thời sức khỏe hệ thống ngân hàng đã có sự cải thiện rõ rệt so với giai đoạn 2011-2012 khi tỷ lệ nợ xấu giảm và bao phủ nợ xấu tăng lên.
Như vậy, với vị thế là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất hệ thống, có sức khỏe tài chính tốt và liên tục tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua như VPBank, rất có thể VPBank cũng sẽ phát hành riêng lẻ được ở mức giá tương đương với mức giá mà các nhà băng lớn đã bán cho nhà đầu tư chiến lược những năm trước.
Giả định, nếu đạt mức giá 2,25 – 2,5 lần so với giá trị sổ sách (là 14.500 đồng/cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2022) thì giá bán vốn cho cổ đông chiến lược của VPBank có thể lên tới 32.000 – 35.000 đồng/cổ phiếu.
Nhịp Sống Thị Trường