Giá nhà thuê ngày càng “loạn lạc”: Xông xênh hầu bao cho chỗ ở dần trở thành quyết định sai lầm?
“Nên dành bao nhiêu tiền để thuê nhà?” là bài toán đau đầu của nhiều người trẻ ở các thành phố lớn.
- 16-12-2023Dân văn phòng Việt ở Bắc Kinh tiết lộ trải nghiệm thuê nhà ở ghép với người lạ khác giới
- 01-12-2023Hội sinh viên mới ra trường chi bao nhiêu tiền cho thuê nhà?
- 24-11-2023Chuyển khoản đặt cọc thuê nhà online hơn 100 triệu đồng, tới nhận nhà hóa ra địa chỉ ma, cảnh sát vào cuộc triệt phá ổ lừa đảo, trả lại tiền cho nạn nhân
“Cạn tiền vì đi thuê nhà"
Đây là câu nói mà T.H (24 tuổi, TP.HCM) tổng kết về tình trạng thuê nhà kéo dài khoảng gần nửa năm trước tại căn hộ cũ, trước khi dọn đến không gian sống mới với chi phí rẻ hơn.
Đầu năm nay, T.H vẫn đi thuê nhà cùng bạn trong một căn hộ rộng hơn 60m2. Cô và bạn ở ghép cùng chủ nhà với mức giá thuê 6 triệu đồng/2 người, chưa tính chi phí khác (điện nước, trả gas cùng chủ hộ, phí chung cư, dọn dẹp…) là khoảng thêm 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì một vài lý do cá nhân nên đến tháng 6 năm nay, bạn của T.H dọn đến nơi khác. Cũng vì thế, T.H phải tự “gánh” chi phí thuê nhà là 6-7 triệu đồng/tháng - một mức chi “quá sức" với cô nàng có mức lương 14 triệu đồng.
T.H tâm sự: “Khoảng thời gian đó, sáng mình bận chuyện công ty còn khi về nhà thì áp lực tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mình vẫn tiếp tục thuê căn hộ này khoảng 6 tháng rồi mới chuyển đi.
Thứ nhất vì mình hợp tính chủ nhà. Thứ hai, mình quá thích cơ sở vật chất của căn hộ đó, đặc biệt là cái cửa sổ to rộng, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Vào mùa nóng, căn phòng rất mát nên mình và bạn từng không cần bật điều hoà".
Để giải quyết tình trang này, từ người có quan điểm “chỉ thuê nhà cùng người quen, không thì sẽ ở một mình", T.H đã chấp nhận tìm người lạ ở ghép.
Tuy nhiên, sau đó, cô gái còn trải qua một “kiếp nạn" khác vì người mới không hợp tính, dẫn đến hai bên thường xuyên có tranh cãi. Cũng vì thế, dù được giảm tiền khá nhiều nhưng T.H chỉ đành mời người bạn kia ra khỏi nhà chung sớm hơn dự kiến. Sau đó, T.H tiếp tục ở trong căn hộ đó khoảng 1 tháng, trước khi dọn đến ở cùng nhà với bạn.
Cũng gặp không ít áp lực vì tiền thuê nhà đắt là Ngọc Linh (28 tuổi, Hà Nội) đang sống tại một căn hộ rộng khoảng 40m2. Hàng tháng, cô nàng chi 5,5 - 5,6 triệu đồng cho chi phí thuê nhà, trong đó giá thuê là 4,6 triệu đồng. Số tiền này chiếm đến gần 40% thu nhập của cô nàng.
Tuy nhiên, khi được hỏi có ý định chuyển sang căn hộ khác với chi phí rẻ hơn thì câu trả lời của Ngọc Linh là “không".
Cô nàng giải thích: “Bởi lẽ sắp đến Tết rồi, mình bận lắm nên không có thời gian tìm nhà. Và quan trọng là mình đang nuôi chó và không phải khu nhà nào cũng cho phép bạn thoải mái nuôi thú cưng. Thêm nữa, giá thuê hiện giờ cao so với mức lương của mình. Tuy nhiên với mặt bằng chung, mình đánh giá chi phí thuê nhà cũng không quá đắt".
Ngọc Linh chia sẻ thêm về quan điểm đi thuê nhà: “Nhà không phải chỉ là chỗ để ngủ. Mình đi làm cả ngày đã mệt lắm rồi, tối về không có chỗ ở thoải mái để sinh hoạt thì stress lắm, không chịu được đâu. Với cả mình xác định có thể sẽ phải đi thuê nhà cả đời. Do đó, mình cũng muốn đầu tư cho không gian sống nhiều nhất có thể".
Vậy bao nhiêu tiền cho việc thuê nhà để đảm bảo “không lủng ví”?
Khi đi thuê nhà, hẳn nhiên ai cũng muốn sống trong không gian đẹp, càng nhiều tiện ích càng tốt. Tuy nhiên, đánh đổi với không gian sống nâng cao là chi phí thuê nhà cũng tăng gấp bội, từ đó kéo theo nhiều áp lực tài chính.
Cũng vì thế, một “bài toán" đau đầu của nhiều người trẻ là phải giải quyết câu hỏi: Nên dành bao nhiêu phần trăm thu nhập hàng tháng cho việc thuê nhà mới hợp lý đây?
Trước vấn đề này, Ngọc Linh trả lời là khoảng 30% thu nhập. Đồng tình với Ngọc Linh là Misoa Kim Anh (32 tuổi) đang sống một mình trong căn hộ đi thuê rộng 65m2 tại quận 2, TP.HCM. Cô nàng cho rằng chỉ nên dành 30% thu nhập cho chi phí nhà cửa. Bởi lẽ thu nhập hiện tại không cố định, do đó Misoa Kim Anh cần trừ hao cho những rủi ro khác trong cuộc sống và công việc.
Chỉ nên dành tối đa 30% thu nhập cho việc thuê nhà cũng chính là “quy tắc 30%” được áp dụng rộng rãi trong cách quản lý tài chính hiện nay. Cũng theo quy tắc này, 70% tổng thu nhập còn lại bạn nên dành để trang trải các nhu cầu thiết yếu khác, chẳng hạn như tiện ích và thực phẩm, chi tiêu tùy ý, trả nợ và tiết kiệm.
Chuyên trang tài chính The Balance cũng từng đưa ra lời khuyên: "Bạn chỉ nên áp dụng quy tắc này trong trường hợp bản thân đang không có các khoản nợ cần thanh toán định kỳ mỗi tháng. Nói cách khác, nếu bạn đang phải trả nợ, số tiền bạn nên dành cho việc thuê nhà là 30% khoản tiền còn lại sau khi đã trừ đi số nợ phải trả".
Tất nhiên, quy tắc này cũng có thể có một số ngoại lệ. Ví dụ, những sinh viên mới ra trường với mức lương chưa cao, hoặc còn đang nợ nần thì có thể giữ chi phí nhà ở mức thấp hơn. Những người có thu nhập cao, đang mua thêm ngôi nhà thứ hai như một khoản đầu tư thì chi phí cho nhà đất của người đó sẽ cao hơn 40%. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu lập ngân sách cho nhà ở, thì con số tối đa là 30-40% thu nhập là hợp lý.
Phụ nữ số
Sự kiện: house n home
Xem tất cả >>- Admin Yêu Bếp "hô biến" diện mạo cho "trợ thủ" sang nhất căn bếp
- Chỉ với một chạm, dễ dàng bắt đầu xu hướng sống khỏe vững bền đang lên ngôi
- 7 sai lầm lớn trong trang trí nhà bếp gia chủ không nên làm, để tiết kiệm chi phí trăm triệu đồng
- Có cần thiết phải mua robot hút bụi không? Sau khi dùng hơn 2 năm, tôi có nhiều điều muốn chia sẻ
- 3 loại phích cắm dùng xong không rút còn "ngốn điện hơn cả điều hòa", khiến tiền điện trong nhà tăng "chóng mặt"