Giá nhà treo cao sao chưa thấy ‘té đau’?
Năm 2016, giá một m2 tại căn hộ chung cư Him Lam quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) TP.HCM chỉ có giá 23 triệu/m2. Thế nhưng, giờ đây một dự án cạnh chưng cư Him Lam đã lên tới 70 triệu/m2. Thậm chí xa hơn khu Him Lam nhưng có dự án lên tới hơn 120 triệu/m2.
- 02-02-2023ChatGPT - AI thông minh nhất thế giới trả lời thế nào với câu hỏi "khi nào sốt đất trở lại"?
- 01-02-2023Ông chủ đứng sau dự án KCN gần 4.000 tỷ ở Bắc Ninh là ai?
- 01-02-2023Thái Lan dự kiến chi 8,8 tỷ USD xây "thành phố hàng không" trên diện tích 1.040 ha
Giá nhà leo thang, giấc mơ mua được nhà của người dân ngày một xa vời. Ảnh: Gia Huy
Leo cao như giá nhà
Nhớ lại những năm 2016 tới 2018, khi đó người có mức thu nhập dưới 30 triệu/tháng đổ xô đi kiếm nhà để mua với ước mơ an cư lập nghiệp.
Khi đó, có quá nhiều dự án để lựa chọn, bởi giá nhà bình quân chỉ từ 20 tới 30 triệu/m2 và hầu như những chung cư này thuộc diện tầm trung tới cao cấp với đủ tiện ích cho cuộc sống (như công viên, siêu thị, khu thể thao, trường học, bệnh viện…).
Đơn cử như năm 2016, dự án The Sun Avenue của tập đoàn Novaland mở bán trên đường Mai Chí Thọ quận 2 chỉ có giá từ 25 tới 30 triệu/m2 tuỳ tầng. Còn Công ty CP Địa ốc Him Lam Land mở bán chung cư Him Lam Phú An quận 9 chỉ có giá từ 22 tới 25 triệu/m2.
Thậm chí, ngay tại đường Thi Sách quận 1, Novaland mở bán dự án siêu cao cấp cũng chỉ có giá 100 triệu/m2. Còn những dự án như tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương của Phú Đông Group cũng chỉ có giá bán dưới 20 triệu/m2.
Tập đoàn Hưng Thịnh mở bán dự án 9 View tại quận 9 cũng chỉ có giá 19 triệu/m2. Hay năm 2018, doanh nghiệp này mở bán dự án tại quận 6 cũng chỉ có giá 21 triệu/m2.
Không chỉ giá chung cư rẻ mà ngay cả nhà phố cũng được đánh giá là vừa tầm tay người dân có thể mua. Đơn cử như Khu dân cư Kiến Á tại đường Đồng Văn Cống, quận 2 một căn nhà phố có diện tích 5x15 cũng chỉ gần 3 tỷ đồng/căn đã xây thô.
Khu đô thị Vạn Phúc City, tại quốc lộ 13 của Tập đoàn Vạn Phúc cũng chỉ giá 30 triệu/m2 căn hộ đã xây thô với diện tích hơn 100m2 sàn.
Thậm chí năm 2017, khi đó Công ty Chương Dương bán dự án nhà ở xã hội của mình tại quận 9 cũng chỉ có giá dưới 10 triệu/m2.
Khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM thì năm 2017, toàn thành phố có khoảng 40.000 sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai được mở bán.
Thế nhưng, tới năm 2019, giá nhà đã bắt đầu tăng cao. Những sản phẩm chung cư bắt đầu bức tốc. Từ mức 30 triệu/m2 đã lên tới 70 triệu, thậm chí trên 100 triệu/m2.
Đơn cử như Tập đoàn Phúc Khang, năm 2019 mở bán dự án chung cư cạnh dự án The Sun Avenue có giá mở bán tới 70 triệu/m2. Hay như các sản phẩm mới của dự án Vạn Phúc City cũng có giá trên 70 triệu/m2. Các sản phẩm nhà chung cư tại tỉnh Bình Dương cũng cán mốc 50 triệu/m2 như dự án của Tập đoàn Phát Đạt mở bán năm 2021.
Dự án chung cư mang tên King Crown Thủ Đức mở bán năm 2021 có giá từ 120 triệu tới 150 triệu/m2. Tại quận 2, nhiều dự án chung cư tại khu Thủ Thiêm có mức từ 200 tới 400 triệu/m2.
Ngay cả dự án nhà ở xã hội cũng tăng giá, đơn cử như năm 2022 Công ty Điền Phúc Thành mở bán nhà ở xã hội tại quận 9 với mức giá đưa ra từ 26 tới hơn 30 triệu/m2.
Lý giải cho việc giá nhà trèo cao chỉ sau 1 năm, các chủ đầu tư cho rằng vật liệu xây dựng tăng, thuế đất tăng, các dịch vụ đi kèm tăng, và một điều quan trọng là giá nhà tăng cao bởi dự án cấp phép mới giảm, trong đó chi phí để doanh nghiệp bỏ ra mua quỹ đất, làm thủ tục dự án, tiền lãi ngân hàng… tăng nên đẩy giá nhà lên cao.
Liệu có té đau?
Nhìn giá nhà của các tỉnh phía Nam, nhiều người thấy mình may mắn và hạnh phúc vì đã mua được nhà dù phải vay ngân hàng trả gốc lãi hàng tháng. Trong khi đó, nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ hiện nay dù có làm cật lực và chắt bóp chi tiêu thì cũng khó có thể mua được nhà ở với mức giá cao hiện nay.
Có người làm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, cả vợ và chồng vào Sài Gòn sống đã hơn 15 năm, mức thu nhập hơn 30 triệu/tháng, ngoài ra còn làm thêm việc này việc kia nhưng vẫn không có khả năng để mua nhà ở Sài Gòn.
Trước tình trạng giá nhà tăng cao như hiện nay, còn nhớ năm 2022, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và cả các đại biểu Quốc hội nhằm tìm giải pháp giảm giá nhà để người dân có thể mua thì đến nay giá nhà vẫn tăng hoặc họa hoằn lắm mới có dự án niêm giá như mốc năm 2022, hoàn toàn không thấy bóng dáng một dự án nào mới mở bán có giá hợp lý.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư bán nhà ở xã hội cũng than phiền rằng dù không tăng giá nhà nữa thì người dân cũng không thể nào mua được nhà. Bà Trương Thị Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Rio Land (hiện đang bán dự án nhà ở xã hội tại TP. Thủ Đức) cho biết, có nhiều khách hàng đã đặt cọc mua nhà nhưng phải xin rút lại cọc mua bởi ngân hàng không còn tiền giải ngân.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group, một doanh nghiệp được mệnh danh là chuyên làm nhà ở cho người trẻ ở thực cho rằng thị trường bất động sản cũng như bao thị trường khác đều có chung quy luật tăng giá của mình.
Cụ thể, theo ông Phúc, khi nhu cầu cao và nguồn cung thấp, giá sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, nếu giá nhà tăng đến mức khó tiếp cận với phần đông người có nhu cầu sẽ gây ra các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội. Các hộ gia đình phải dành phần lớn thu nhập cho chi phí nhà ở, nhiều người dân phải sinh sống trong điều kiện chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Chính vì vậy, thời gian gần đây xuất hiện nhiều ý kiến như: "doanh nghiệp bất động sản phải giảm giá", "doanh nghiệp bất động sản không chịu nghe lời, không chịu giảm giá, sẽ chết" hoặc "thực ra, giờ giá bất động sản có giảm 40 - 50% thì doanh nghiệp ngành này vẫn có lãi".
"Việc giảm giá sâu chưa chắc mang lại hiệu quả, thậm chí có thể gây hiệu ứng ngược cho người mua nhà khi các dự án nhà ở hình thành trong tương lai có thể chậm tiến độ khi sau tất toán trái phiếu, chủ đầu tư hết vốn bổ sung. Có một thực tế là giai đoạn này, đa phần các chủ đầu tư tính tới việc dừng dự án và tìm đối tác chuyển nhượng, hay… để đó, thay vì triển khai một phần để bán hạ giá", ông Phúc nói.
Còn nhớ vào tháng 11/2022, các cuộc họp của Chính phủ, bộ ngành với doanh nghiệp được tổ chức với tần suất liên tục. Các tổ công tác "đặc biệt" cũng đã được Thủ tướng thành lập để có những giải pháp "đặc biệt", gấp rút xử lý các vấn đề của nền kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản - ngành có ảnh hưởng tới ít nhất 40 ngành kinh tế khác.
Tin rằng, với những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2023 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực cho giá nhà. Các dự án mới mở bán sẽ có giá hợp lý và các sản phẩm không khan hiếm nữa. Cùng đó, ngân hàng sẽ mở thêm "room" cho người dân để có thể vay tiền mua nhà.
Nhà đầu tư