MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá nhôm lên cao nhất 5 tuần

07-07-2017 - 11:10 AM | Thị trường

Tăng giá hơn 20% từ đầu năm tới nay, triển vọng giá nhôm dài hạn tới nay vẫn rất khó đoán.

Giá nhôm thế giới phiên giao dịch 6/7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 5 tuần do lo ngại nguồn cung sụt giảm khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch chống ô nhiễm môi trường, buộc những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải dừng hoạt động.

Hợp đồng mua bán nhôm tham chiếu trên sàn giao dịch London (LME) đã lên mức 1.935 USD/tấn, cao nhất kể từ 30/5. Kim loại này đã tăng giá hơn 20% kể từ đầu tháng 5, và suốt 4 tháng qua luôn quanh quẩn ở mức khoảng 1.900 USD/tấn.

Sản xuất nhôm cần rất nhiều năng lượng (điện chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất nhôm), mà năng lượng tại Trung Quốc chủ yếu sản xuất từ than đá (nhiệt điện), nên nhôm trở thành một trong những lĩnh vực bị cắt giảm sản lượng mạnh nhất.

Trung Quốc năm 2016 góp 55% vào tổng sản lượng nhôm toàn cầu, ước tính gần 59 triệu tấn, theo Viện Nhôm Quốc tế.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã buộc các nhà máy sản xuất nhôm và thép ở 28 thành phố phải cắt giảm sản xuất trong mùa đông vì khói bụi gia tăng đáng quan ngại tại Bắc Kinh. Khoảng 3 đến 6 triệu tấn công suất sản xuất nhôm bị cắt giảm. Đã có 3 dự án khai thác mỏ nhôm ở khu tự trị Tân Cương (miền tây nước này) phải dừng hoạt động.

Trong khi nguồn cung từ Trung Quốc khan hiếm dần thì nhu cầu vẫn mạnh nên giá tăng là không tránh khỏi. Nhu cầu nhôm sản xuất lon đựng đồ uống tại bán cầu Bắc đang tăng mạnh trong mùa hè. Ngành ô tô cũng gia tăng đáng kể khối lượng nhôm tiêu thụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết triển vọng dài hạn của thị trường hàng hóa thế giới vẫn rất mơ hồ, do sự thiếu chắc chắn về nền kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ nguyên liệu hàng đầu thế giới, nhất là kim loại công nghiệp.

“Không có yếu tố thực sự nổi bật chi phối xu hướng thị trường”, ông John Johnson, CEO của hãng tư vấn hàng hóa CRU China có trụ sở ở London cho biết.

Tại hội thảo ở Hongkong diễn ra hồi tháng 5, ông Johnsom nhận định thị trường nhôm đang có “rất nhiều nguy cơ” cả theo hướng giảm cũng như tăng giá.

Tại hội thảo này, bà Yi Zhu, giám đốc nghiên cứu về khai thác mỏ toàn cầu của Bloomberg Intelligence cũng cho biết: "Tôi không tin rằng sẽ dễ dàng có những thay đổi lớn về nguồn cung ở các lĩnh vực nhôm và thép chỉ vì ngành than”, với hàm ý rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không thể dễ dàng hạn chế sản lượng chỉ bởi một vài cơ sở sản xuất. Theo bà, các cơ sở sản xuất tư nhân “có thể vận động chính quyền địa phương thông qua một số quy định” để duy trì sản lượng, do đó dư cung có thể sẽ còn kéo dài, và sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu “chừng nào giá thế giới vẫn còn cao”.

Thực vậy, các hãng sản xuất nhôm Trung Quốc vẫn dự kiến sẽ tăng xuất khẩu trong những tháng tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khởi sắc và tồn trữ tính chung trên toàn thế giới sụt giảm đẩy nhu cầu tăng.Chiếm hơn một nửa sản lượng nhôm thế giới và công suất sản xuất nhôm nước này vẫn tăng hơn một nửa trong thập kỷ qua, khiến giá nhôm liên tiếp sụt giảm tới tận năm ngoái. Xuất khẩu nhôm từ Trung Quốc năm qua đã giảm sau khi giá cuối năm 2015 xuống mức thấp nhất một thập kỷ.

Dự trữ nhôm thế giới (không kể Trung Quốc) đã giảm xuống 8 triệu tấn (tương đương 12 tuần tiêu thụ) từ mức đỉnh điểm trên 22 tuần hồi cuối năm 2009. Nhu cầu năm 2016 đã vượt sản lượng và dự báo sẽ còn tiếp diễn như vậy trong năm nay.

Tuy nhiên, theo Merrill Lynch thì sản lượng nhôm Trung Quốc đã tăng hơn 20% chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017 và xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng theo. Goldman Sachs cho rằng với lợi nhuận hiện nay thì xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn tăng hơn nữa.

Vân Chi

Nikkei, Reuters

Trở lên trên