MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá phân bón tăng nóng và câu chuyện cân bằng lợi ích: Góc nhìn từ người trong cuộc

01-07-2021 - 19:10 PM | Doanh nghiệp

Giá phân bón tăng nóng và câu chuyện cân bằng lợi ích: Góc nhìn từ người trong cuộc

Tình trạng giá phân bón nhảy múa gây sức ép cho việc sản xuất nuôi trồng của người nông dân, không ít quan điểm đặt nghi vấn doanh nghiệp trong nước cũng một phần tác động lên giá.

Giá phân bón thế giới từ đầu năm bật tăng mạnh theo giá nông sản và các chi phí đầu vào như khí, than, logistics… Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất lớn thực hiện bảo dưỡng khiến nguồn cung khan hiếm cũng là nguyên nhân đẩy giá các mặt hàng này lên mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy giá ure có thời điểm lên xấp xỉ 353 USD mỗi tấn, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Giá DAP vào đầu tháng 5 vượt mốc 570 USD, cao hơn năm trước 310 USD mỗi tấn, tương ứng tăng 118%.

Tại thị trường trong nước, giá ure Cà Mau và Phú Mỹ đầu tháng 4 dao động từ 8.700-9.100 đồng một kg, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Giá phân ure do các nhà máy trong nước sản xuất thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500-700 đồng/kg. Giá DAP xanh đen đầu tháng 6 xấp xỉ 11.300 đồng/kg, trong khi đầu năm chỉ quanh 8.300 đồng. Giá DAP nhập khẩu từ Ai Cập, Hàn Quốc, Nga còn được đẩy lên cao hơn khi có mặt hàng chạm ngưỡng 15.000 đồng/kg.

Tình trạng giá phân bón nhảy múa gây sức ép cho việc sản xuất nuôi trồng của người nông dân, không ít quan điểm đặt nghi vấn doanh nghiệp trong nước cũng một phần tác động lên giá.

Giá phân bón tăng theo quy luật thị trường

Nói về vấn đề này, người trong cuộc cho rằng giá phân bón hiện tăng theo quy luật thị trường, không nên đổ lỗi cho doanh nghiệp nội. Bởi, hầu hết hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu trên toàn thế giới đều tăng giá chứ không riêng phân bón; chưa kể chi phí đầu vào và thu nhập đầu ra là hai vấn đề độc lập, không thể quy kết cái này là nguyên nhân của cái kia.

Quan trọng hơn, trong giai đoạn này, giá phân bón trong nước vẫn được duy trì thấp hơn so với thế giới. Dù rằng từ đầu tháng 4, giá các mặt hàng này cũng được điều chỉnh tăng dần theo xu hướng thế giới bởi lượng tồn kho giá thấp đã hết.

Chỉ số giá phân bón của WorldBank (2010=100)

Giá phân bón tăng nóng và câu chuyện cân bằng lợi ích: Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 1.

Lý giải về hiện tượng giá phân bón trong nước tăng cao, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 khẳng định giá phân bón trong nước có sự liên thông với thế giới. Khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất thế giới tăng, thậm chí có mặt hàng tăng bằng lần như axit sunphuaric - nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm, thì giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cũng cho biết, thời điểm hiện nay, Trung Quốc cũng đang dự kiến đánh thuế xuất khẩu phân bón khá cao ở mức 30% từ ngày 1/7 nhằm siết chặt hơn việc xuất khẩu ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung ure từ Đông Nam Á có sản lượng rất thấp do đang trong thời kỳ bảo trì, bảo dưỡng máy móc đã đẩy giá ure trên thị trường thế giới lên mức rất cao. Điều này cũng tạo áp lực nên giá phân ure trong nước.

Doanh nghiệp nói gì?

Đứng về phía doanh nghiệp, lãnh đạo DAP Vinachem (DAP Đình Vũ) chia sẻ 6 tháng đầu năm 2021, DAP Đình Vũ đã tăng tối đa công suất gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 141.600 tấn (6 tháng đầu năm 2020 đạt 71.540 tấn) nhằm bù đắp thị trường trong nước.

Theo vị này, để sản xuất 1 tấn DAP cần 0,4 tấn lưu huỳnh và 0,22 tấn Amoniac. Tính riêng 2 yếu tố đầu vào này giá thành sản xuất 1 tấn DAP đã tăng chi phí khoảng 2,9 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, so với cuối năm 2020, hiện giá lưu huỳnh tăng 133%, NH3 tăng 107% và H2SO4 tăng 132%. Do đó, DAP Đình Vũ đạt hiệu quả chủ yếu nhờ duy trì ổn định sản xuất, bởi giá bán DAP tăng chỉ đủ bù đắp chi phí tăng nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ việc phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… về Việt Nam hầu hết phải sử dụng container. Trong khi đó, ngành vận tải biển đang trong tình trạng khan hiếm container nên cước vận tải hàng hoá không ngừng tăng. Đầu tháng 6/2020, cước vận tải biển cho container 40ft (tính theo World Container Index) chỉ khoảng 1.800 USD thì đến nay đã chạm mốc 7.000 USD.

"Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn khi tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tư do và ưu đãi thuế quan. Mọi biến động của thị trường thế giới đều tác động trực tiếp đến thị trường trong nước", bà Hiền nói.

Ngoài ra, việc có nguồn sản xuất trong nước giúp kìm hãm đà tăng khi giá khí, giá dầu tăng đến 1,5 lần so với dự báo trong và ngoài nước thì giá phân bón cũng phải nhích lên. Cụ thể, đầu năm nay, giá dầu Brent giao dịch quanh 51 USD thì hiện hơn 76 USD một thùng, tức tăng 46%.

Giá dầu Brent

Giá phân bón tăng nóng và câu chuyện cân bằng lợi ích: Góc nhìn từ người trong cuộc - Ảnh 2.

Liên quan đến tác động, theo bà Hiền giá phân bón tăng ảnh hưởng đến trồng trọt nhưng mức độ không nghiêm trọng bởi giá các loại nông sản đều cải thiện trong nửa đầu năm. Đây cũng chưa phải là nguyên nhân gây đình trệ, tạm dừng hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để ổn định tâm lý và cam kết cung cấp đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mùa vụ của bà con nông dân, Công ty đã ký kết các hợp đồng bán hàng cho hệ thống phân phối với thời gian giao nhận kéo dài bất chấp dự báo xu hướng giá còn tăng cao.

DCM cũng duy trì chính sách giá bán bám sát giá FOB trung bình của các thị trường trên thế giới trong điều kiện giá logistic tăng cao (trung bình từ thị trường gần nhất là Malaysia/Indonesia về Việt Nam từ 35 USD/tấn).

Thậm chí, người tiêu dùng trong nước vẫn có lợi thế hơn nhiều so với mặt bằng giá nhập khẩu. Bà Hiền lấy ví dụ, giá ure của Indonesia vừa mở thầu ghi nhận giá 440 USD/tấn, nếu nhập về Việt Nam cộng với chi phí vận chuyển sẽ tương đương 11.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán của Phân bón Cà Mau tại nhà máy duy trì mức 9.800 đồng/kg.

DCM cho biết sẽ bảo đảm nguồn hàng tối đa để đáp ứng nhu cầu mùa vụ trong nước và vận hành nhà máy với công suất phấn đấu đạt 110%. Thực tế trong nửa đầu năm, nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành ổn định với công suất trung bình 105%, tương ứng sản lượng ure quy đổi hơn 450.000 tấn và đáp ứng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ ure nội địa.

"Chúng tôi yêu cầu đại lý kịp thời phân phối hàng khi nhận hàng từ nhà sản xuất, tránh găm hàng kiếm lời cho khâu trung gian làm ảnh hưởng đến nông dân", phía DCM chốt lời.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên