Giá sắt thép Châu Á tiếp tục tăng nhanh, giá thép không gỉ lên cao kỷ lục kể từ khi lên sàn giao dịch
Giá sắt thép Trung Quốc hôm nay 14/7 tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung quặng sắt khan hiếm kéo dài và sản lượng thép Trung Quốc thắt chặt.
- 14-07-2021Nghịch lý giá sắt thép
- 13-07-2021Nguồn cung quặng sắt tiếp tục khan hiếm đẩy giá tăng nhanh
- 12-07-2021Giá thép Châu Á vọt lên cao nhất 8 tuần do Trung Quốc nới lỏng tiền tệ
Kết thúc phiên 14/7, giá quặng sắt hợp đồng tham chiếu - kỳ hạn tháng 9 - trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 0,8% lên 1.219,50 nhân dân tệ (188,36 USD)/tấn, sau khi đã tăng 3,3% ở phiên liền trước.
Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 8 giảm nhẹ 0,8% xuống 209,15 USD/tấn, sau khi tăng 1,4% ở phiên liền trước.
Nguồn cung quặng sắt hạn hẹp tiếp tục là nguyên nhân chính đẩy giá tăng lên, nhất là đối với những loại quặng sắt chất lượng cao, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chiến dịch kiểm soát khí thải - buộc các nhà sản xuất thép phải sử dụng những loại quặng sắt có chất lượng và thân thiện với môi trường.
Chênh lệch giá quặng sắt chất lượng cao và chất lượng thấp nới rộng
Giá thép phiên này đảo chiều tăng trở lại. Thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 2,9%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,6%. Thép không gỉ hôm nay tăng 4,1% lên 17.965 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ khi giao dịch hợp đồng thép không gỉ bắt đầu trên sàn Thượng Hải, năm 2019.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết nhu cầu cao và tồn trữ thấp ở Trung Quốc đã đẩy giá thép không gỉ tăng nhanh.
Lo ngại về nỗ lực hạn chế sản lượng thép của Trung Quốc trong năm nay để đáp ứng mục tiêu phát thải carbon khiến những người tham gia thị trường không khỏi lo lắng.
Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao của Westpac ở Sydney, cho biết: "Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc có bước ngoặt khi giá thép ở Trung Quốc gần đây hạ nhiệt giảm làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy thép".
Do đang mùa thấp điểm, giá xi măng ở Trung Quốc giảm, các nhà sản xuất thép cây có thể bắt đầu thua lỗ và doanh số bán máy xúc trong tháng 5 giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2020 (so theo tháng), cho thấy hoạt động xây dựng chậm lại vì bị cản trở bởi thời tiết không thuận lợi.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang chậm lại do nhu cầu thấp ở các nước Đông Nam Á - những khách hàng tiêu thụ vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Trung Quốc - do làn sóng nhiễm COVID-19 mới.
Giá quặng sắt có thể giảm 10% từ nay đến cuối năm?
Mặc dù giá thép đang đi lên, song Wood Mackenzie dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc dự báo sẽ yếu đi trong 6 tháng cuối năm sẽ khiến giá quặng sắt giảm hơn 10% trong những tháng tới.
Theo Rohan Kendall, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quặng sắt của Wood Mackenzie, sự thay đổi về nhu cầu của Trung Quốc có khả năng sẽ kết hợp với sự gia tăng nguồn cung của Brazil ở cùng thời điểm nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, vẫn có khả năng thị trường sẽ xảy ra tình trạng cầu vượt cung và hoạt động cung ứng chưa hồi phục đầy đủ.
Kendall cho biết Trung Quốc là nhân tố chính trong việc xác định giá quặng sắt sẽ phản ứng như thế nào với những thay đổi trên thị trường.
Ông nói: "Về phía cầu, xây dựng và sản xuất của Trung Quốc sẽ là những yếu tố quan trọng nhất.
Thông tin từ MySteel cho biết, hãng Baowu đang soạn thảo kế hoạch cắt giảm sản lượng của riêng mình trong khi Rizhao Steel và hai nhà sản xuất khác ở tỉnh Phúc Kiến đã nhận được lệnh cắt giảm sản lượng từ chính quyền địa phương.
"Mức độ tác động của của chính sách này vẫn chưa rõ ràng vì 6 nhà sản xuất khác cho biết họ chưa nhận được lệnh cắt giảm sản lượng. Chúng tôi lưu ý rằng chính sách này cũng sẽ mâu thuẫn với mục tiêu của chính phủ là làm giảm giá thép (mặc dù nó có thể dẫn đến giảm giá quặng sắt)", báo cáo của MySteel viết.
"Khả năng cung cấp tín dụng bị thắt chặt hơn hiện nay sẽ làm giảm bớt sức nóng của thị trường bất động sản, nhưng hoạt động sản xuất vẫn còn nóng do tình trạng thiếu điện, như thực tế gần đây ở các tỉnh Quảng Đông và Vân Nam".
Sản lượng quặng sắt của Brazil vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau vụ vỡ đập chất thải năm 2019, khiến nước này mất vị trí nước xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới về tay Australia.
Do đó, ông Kendall cho rằng, ngoài yếu tố Trung Quốc thì yếu tố nguồn cung của Brazil cũng sẽ quyết định triển vọng giá quặng sắt trong thời gian tới, vì ngành công nghiệp quặng sắt của nước này đang cố gắng lấy lại vị thế của mình tại các thị trường chủ chốt sau hai năm nhiều biến cố - gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối lượng khai thác và xuất khẩu quặng sắt.
Ông Kendall cho biết: "Tiến độ của Vale trên lộ trình đạt mục tiêu 400 triệu tấn quặng sắt/năm đang diễn ra chậm chạp, khi nguồn cung cấp quặng sắt dạng hạt và bột mịn (Carajas) cao cấp vẫn đang ở thấp hơn nhiều so với mục tiêu".
UBS cho biết Vale sẽ nâng sản lượng của mình thêm 11% và đang trên đà đạt sản lượng khoảng 315 triệu đến 335 triệu tấn/năm. Sản lượng của Rio Tinto quý II năm nay dự báo sẽ ở mức khoảng 76 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng của BHP cũng sẽ giảm hơn 1% so với mức 76 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo UBS, sản lượng của Fortescue Metals Group quý vừa qua tăng khoảng 3% so với mức 49 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
WoodMac dự báo giá quặng sắt trong quý III năm nay sẽ ở mức 185 USD/tấn, so với mức 200 USD/tấn trong quý II.
"Chúng tôi vẫn cho rằng Quý II/2021 là thời điểm giá quặng sắt đạt mức cao nhất, và dự báo giá sẽ giảm nhẹ trong quý III, khi những hạn chế sản xuất thép của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu quặng sắt giảm khoảng 75 triệu tấn vào cuối năm 2021.
Tham khảo: Reuters, Australianresourcesandinvestment