Gia tăng phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó, xử lý vụ việc
Đứng trước các biện pháp phòng vệ thương mại, cơ quan hữu quan cùng các doanh nghiệp cần tích cực và chủ động để xử lý thành công vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường trong nước cũng như trên hành trình vươn ra thế giới.
- 25-12-2024Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore
- 20-12-2024Đà Nẵng lên tiếng về đề xuất lấn biển làm khu thương mại tự do
- 20-12-2024Đúng 10 giờ ngày 22-12, Metro số 1 chính thức vận hành thương mại
Trong tổng số gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) do nước ngoài khởi xướng mới năm 2024, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 5 vụ việc kép, đặc biệt điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc. Hiện có 25 quốc gia/vùng lãnh thổ áp dụng điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tương đương với 273 vụ việc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang duy trì áp dụng 22 biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Thiết lập tính cạnh tranh công bằng
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp PVTM đối với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhấn mạnh, thép là ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu, nên dễ xảy ra hiện tượng DN nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn những thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
“Trong những năm qua, thép là một trong những ngành hàng có số lượng các vụ việc điều tra PVTM lớn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Cần tăng cường các biện pháp PVTM để ngành thép có cơ hội phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước, từ đó xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng xuất khẩu”, ông Thái bày tỏ.
Nhờ kịp thời có các biện pháp PVTM, thời gian qua ngành mía đường trong nước có cơ hội phát triển khả quan hơn. Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho biết, kể từ khi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sản lượng đường sản xuất trong nước đã tăng từ xấp xỉ 700.000 tấn niên vụ 2020-2021 lên gần 1,2 triệu tấn niên vụ 2023-2024 (tăng 161%). Doanh thu của các nhà máy đường đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn.
“Tác động của biện pháp PVTM không chỉ giới hạn ở kết quả hoạt động kinh doanh của các nhà máy đường, còn thể hiện qua sự cải thiện trong thu nhập của người nông dân trồng mía. Giá mua mía trung bình đã tăng từ 850.000 đồng/tấn mía niên vụ 2020-2021 lên xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tấn mía niên vụ 2023-2024 (tăng 152%). Người nông dân đã yên tâm gắn bó hơn với cây mía, diện tích trồng mía tiếp tục được mở rộng”, ông Chung cho biết.
Cảnh báo sớm tránh thiệt hại không đáng có
Những năm qua, tuy số lượng các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng nhờ có sự chủ động của các DN cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như DN không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, năm 2024 tiếp tục chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam trên đà tăng trưởng. Do đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với xu hướng bảo hộ của các nước nhiều hơn, trong đó có xu hướng áp dụng PVTM, điều này đặt ra thách thức lớn cho các DN xuất khẩu.
Trước thực tế này, các DN cần lưu ý nên cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì cạnh tranh về giá, bởi sản phẩm cứ giảm giá lại rất có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá. Đặc biệt, các DN cần lưu ý khi đầu tư cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam, hoặc sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước không bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, từ đó tránh nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế. Cùng với đó, các DN cũng cần lưu trữ các sổ sách, kế toán và có hệ thống truy suất nguồn gốc để có thể xuất trình được những tài liệu chứng minh trong các vụ việc điều tra.
“Tất cả những yếu tố kể trên đều sẽ dẫn đến kết quả sản phẩm của DN có hay không bị áp dụng các biện pháp PVTM từ nước ngoài. Trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, các DN cần phải phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại - là cơ quan đầu mối của Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời”, bà Yến lưu ý.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, là một trong những nước thành viên WTO - Mỹ áp dụng một cách nhuần nhuyễn các biện pháp về điều tra PVTM nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Để hạn chế những rủi ro trong tương lai có thể bị áp dụng các biện pháp PVTM tại Mỹ, ông Hưng đề nghị các DN của Việt Nam phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước, cũng như các cơ quan điều tra của Mỹ trong khi diễn ra các vụ việc về PVTM.
“Các DN xuất khẩu cần chủ động xử lý, nắm và tìm hiểu kỹ quy định về PVTM của Mỹ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian để nộp các tài liệu kiểm chứng, cũng như các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc. Việc này cơ quan hữu quan có thể tạo điều kiện để DN được tham gia đầy đủ các chương trình, các khóa đào tạo do Cục PVTM phối hợp với địa phương và Hiệp hội ngành hàng để phổ biến cho DN”, ông Hưng lưu ý.
VOV