Giá trị hàng loạt DN giảm đến 50% sau 9T2022, bất ngờ 4 cái tên ngược dòng ấn tượng
Sau 9 tháng đầu năm, tổng vốn hóa của 20 doanh nghiệp lớn nhất thị trường giảm xấp xỉ 20% so với đầu năm, tương ứng giảm 707.000 tỷ xuống còn 2,91 triệu tỷ đồng.
- 26-07-2022Hòa Phát (HPG) rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán
- 23-06-20222 doanh nghiệp vừa dắt tay nhau ra khỏi "câu lạc bộ vốn hóa 100.000 tỷ", danh sách chỉ còn 15 thành viên
- 22-06-2022Biến động vốn hóa của 20 doanh nghiệp lớn nhất sau nửa năm: Bộ đôi dầu khí GAS, BSR và Thế giới Di động ngược dòng ấn tượng, Hòa Phát giảm 115.000 tỷ
Từ đầu năm tới nay, bộ đôi Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) là 2 doanh nghiệp có giá trị vốn hoá giảm sâu nhất khi chứng kiến vốn hóa đồng loạt “bốc hơi” đến 40%, tương đương tổng vốn hóa vơi mất gần 300 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, vốn hóa VHM giảm 136,3 nghìn tỷ, tuy nhiên so với thời điểm 21/6 thì đơn vị này đã thăng hạng 1 bậc khi vượt lên top 2 để thế chân VIC. Còn VIC “rớt đài” khi từ top 2 lui xuống top 4, với vốn hóa mất đi 152,6 nghìn tỷ.
Nhìn chung, tính đến cuối tháng 9/2022, chỉ còn 1 đại diện duy nhất bảo toàn được giá trị vốn hoá trên 300 nghìn tỷ và chắc chân ở ngôi vương là Vietcombank.
Trước diễn biến kém khả quan của TTCK, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong top 20 đều để mất 30-40% giá trị vốn hóa tại thời điểm 30/9. Đó là Hòa Phát (-41%), Techcombank (-35%), Vietinbank (-32%), “đại gia” bán lẻ Masan cũng mất 31%. Vietnam Rubber – đứng cuối danh sách có tỉ lệ vốn hóa bị “thổi bay” mạnh nhất là -43%, tương đương 64,2 nghìn tỷ.
Một vài cái tên chiết khấu vốn hóa nhẹ nhàng hơn có thể kể đến Novaland (-6%), ACV (-14%), Vinamik (-16%).
Trong danh sách, chỉ có 4 đại diện ngược dòng hiếm hoi là PV GAS, Sabeco, Becamex IDC và FPT với vốn hóa ghi nhận tăng lên.
Tăng 14% so với cuối tháng 6, PV GAS ở cuối tháng 9 đạt vốn hóa 210,5 nghìn tỷ, vươn lên đứng top 3. Sabeco “bỏ túi” thêm 23%, Becamex IDC thêm 42% và FPT tăng nhẹ 5%, song chưa đủ sức lọt top 10 vốn hóa.
Ngoài ra, một số công ty lớn ở ngoài top 20 cũng đạt mức vốn hóa cao hơn bao gồm PNJ, REE, Đức Giang.
21 công ty “bốc hơi” trên 20.000 tỷ vốn hóa
Xét theo giá trị %, hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận vốn hóa giảm đến 50% chỉ sau 9 tháng 2022. Đáng chú ý, đây hầu hết đều là các tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Giảm nhiều nhất là Thaiholdings khi mất đến 84%, tương đương 81,2 nghìn tỷ đồng, DIC Corp áp sát với 63% vốn hóa bị bay hơi, tương ứng 30,2 nghìn tỷ. Theo sau lần lượt là TCH, Vinaconex, Gelex, Hoa Sen,…đều mất một nửa và đứng ngoài top 20 vốn hóa.
Riêng nhóm nhà băng, ngoài Vietcombank, tuy vốn hóa đều giảm nhưng nhóm này vẫn trụ lại và góp mặt khá đông đảo ở top 20 với sự xuất hiện của BIDV (top 5 – giảm 9%), VPBank (top 11 – giảm 24%), Techcombank (top 13 – giảm 35%), Vietinbank (top 14 – giảm 32%), MBBank (top 18 – giảm 17%).
Không thuộc danh sách trên, có một số cổ phiếu ngân hàng giảm sâu đáng chú ý là SHB, OCB, MSB với tỉ lệ âm trên 40%.
Tổng quan sau 9 tháng 2022, tổng vốn hóa của 20 doanh nghiệp lớn nhất thị trường giảm xấp xỉ 20% so với đầu năm, tương ứng giảm 707.000 tỷ xuống còn 2,91 triệu tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp có vốn hoá trên 100 nghìn tỷ đồng giảm từ 16 xuống còn 14 doanh nghiệp với nhân tố mới MBBank góp mặt. ACB, Bình Sơn Refine bị thanh lọc khỏi danh sách trong khi cuối tháng 6 còn xuất hiện. Hai gương mặt này đang cùng Masan Consumer, Vincom Retail bám đuổi cận kề top 20.
Nhịp sống thị trường