Giá vàng, Bitcoin và chứng khoán sẽ ra sao sau khi cùng nhau lao dốc?
Bước sang tháng 9/2020, cả giá vàng, 3 chỉ số chứng khoán phố Wall và Bitcoin đều đồng loạt lao dốc. Xuất hiện tâm lý tiêu cực và hoang mang, các nhà đầu tư lo ngại đó là sự khởi đầu của xu hướng đảo chiều từ tăng sang giảm
- 03-09-2020Giá vàng lao dốc mạnh
- 03-09-2020“Bong bóng” vàng đang ngày càng phình to?
Bitcoin (BTC) giảm giá hơn 8% chỉ trong vòng 24 giờ ngày 3/9, xuống mức thấp nhất trong vòng 38 ngày (10.245 USD), được cho là bởi: (1) việc những người khai thác BTC đã bán đi một lượng lớn một cách bất thường đồng BTC chỉ trong một thời gian ngắn; (2) chỉ số đồng USD hồi phục khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng lần đầu tiên trong vòng nhiều tháng; (3) thông tin Chính phủ Hàn Quốc mở cuộc điều tra đối với sàn giao dịch Bithumb của Hàn Quốc (sàn giao dịch lớn thứ 3 tại Hàn Quốc, ở đó giao dịch Bitcoin và tiền điện tử) sau khi sàn này bị cáo buộc tội gian lận; và (4) mối tương quan cùng chiều giữa BTC và vàng.
BTC và vàng cùng định giá bằng USD, cùng có nguồn cung hữu hạn và cùng biến động trái chiều với USD. Kể từ khi USD tăng vào ngày 1/9, BTC và vàng cùng giảm.
Đồng euro đã tăng 12% trong vòng 5 tháng qua và lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua vượt lên trên ngưỡng 1 EUR = 1,2 USD. Quan điểm của ECB về một đồng EUR tăng mạnh và tình trạng lạm phát thấp là khu vực này phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Một lượng lớn đồng EUR sẽ được bơm vào các thị trường tài chính và điều đó có nghĩa là đồng tiền này sẽ giảm giá so với USD.
Chứng khoán phố Wall phiên 03/09 lao dốc khỏi các mức cao kỷ lục khi nhóm cổ phiếu công nghệ – dẫn đầu thị trường kể từ khi phục hồi bắt đầu vào cuối tháng 3/2020 – chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong nhiều tháng. Cổ phiếu Apple lao dốc 8% và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/03/2020. Cổ phiếu Amazon và Netflix đều sụt hơn 4% và cổ phiếu Facebook lùi 3,8%. Cổ phiếu Microsoft rớt 6,2%. Cổ phiếu Alphabet mất 5,1%. Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 5,83%, chấm dứt chuỗi 10 phiên leo dốc liên tiếp. Lĩnh vực này cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Kể từ cuối tháng 3/2020, S&P 500 đã leo dốc hơn 50% và Nasdaq Composite bứt phá hơn 60%, Dow Jones cũng vọt hơn 50% trong thời gian này. Không có tài sản nào tăng giá mãi. Nhiều nhà phân tích cho rằng có thể đã đến lúc thị trường củng cố một số đà tăng mạnh gần đây.
Tuy nhiên, chứng khoán tăng điểm giữa lúc kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung điêu đứng vì Covid-19 có thể là yếu tố khiến xu hướng tăng không thể kéo dài.
Những gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Bitcoin hiện có giá thấp hơn 49% so với mức giá cao kỷ lục (ngày 17/12/2017, khi ở mức 20.089 USD). Những tháng gần đây là khoảng thời gian dài nhất kể từ năm 2017 mà BTC duy trì trên ngưỡng 10.000 USD.
Theo các chuyên gia, Bitcoin giảm mạnh từ khoảng 12.000 USD xuống 10.5000 USD cho thấy phạm vi 12.000 - 12.500 USD là ngưỡng kháng cự. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư lạc quan rằng tăng/giảm là điều bình thường trên các thị trường, đồng thời cho rằng giá sẽ nhanh chóng hồi phục, và mức giá 10.000 USD được một số người cho là đủ thấp để hấp dẫn họ mua vào. Một số người dự báo BTC sẽ ổn định ở mức trên 10.5000 USD trong tuần tới, sau đó tăng giá trở lại. Trong khi đó một số người dự đoán giá sẽ khoảng 11.500 USD.
Tuy nhiên, do BTC và vàng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhà phân tích Plan – B – người phát hiện ra mô hình Stock-to-Flow của Bitcoin (tỷ lệ trữ lượng/lưu lượng) khẳng định BTC có mối tương quan với vàng chặt chẽ hơn so với các tài sản truyền thống khác hoặc với S&P 500, do đó để dự đoán về BTC thì không thể bỏ qua xu hướng giá vàng.
Cả vàng và BTC đều hấp dẫn những nhà đầu tư đang tìm kiếm điểm đầu tư thay thế USD. Nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, Mike McGlone, gọi Bitcoin và "digital gold" (vàng kỹ thuật số), bởi BTC có những thuộc tính cơ bản tương tự như vàng: Nguồn cung hạn chế, giá trị tích trữ, dễ dàng quy đổi ra tiền…
Đối với vàng, nhìn chung, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số dự đoán rằng USD sẽ mạnh lên.
Nhiều thị trường đã cảm nhận được những thiệt thòi lớn khi tiền tệ của họ tăng giá nhiều và kéo dài so với USD. Đơn cử như ECB, ngân hàng trung ương này đã tuyên bố sẽ tìm cách bù đắp thiệt hại do việc EUR tăng giá bằng cách gia tăng kích thích tiền tệ và hỗ trợ xuất khẩu. Điều này có thể sẽ góp phần quan trọng khiến USD tăng giá.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tiền tệ đều nghi ngờ việc USD sẽ tăng giá bền vững.
Thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực thời gian qua có vẻ tách rời nhau,
Thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực đang tách rời nhau. Do đó, nhiều chuyên gia dự báo xu hướng điều chỉnh giá chứng khoán sẽ con tiếp diễn trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cho biết: "Nền kinh tế thực đang trong trạng thái tồi tệ, không như thị trường tài chính". Do đó, việc chứng khoán tăng điểm thời gian qua chỉ là sự thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư vào "một tương lai xa vời".
Mohamed El-Erian, Chuyên gia kinh tế trưởng của Allianz, cũng nhận định rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm. Ông El-Erian cũng cho rằng thị trường vẫn còn xa rời với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Sau 5 tháng leo dốc liên tiếp và tháng 8 tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, xu hướng điều chỉnh là hoàn toàn có thể.
Gần 1 tháng trước, ông El-Erian cảnh báo số vụ phá sản quy mô lớn có thể đảo ngược xu hướng tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ.