Vàng rớt thảm, nhiều người thở phào kịp chốt lời chỉ trước 1 ngày
Sau một đêm, thị trường đảo chiều trong sự ngỡ ngàng của những người "ôm" vàng, giá vàng trong nước đồng loạt lao dốc mạnh, "bốc hơi" 2-2,5 triệu đồng/lượng chỉ trong ngày 13/3. Chỉ cách 1 ngày nhưng lời, lỗ đối với nhà đầu tư vàng là một trời một vực.
- 13-03-2024Chỉ từ sáng tới chiều, người ôm vàng nhẫn lỗ 2,6 triệu đồng/lượng, giá vàng liệu có rơi tiếp hay sẽ hồi phục?
- 13-03-2024Xôn xao phiếu nhắc nợ gây sốc MXH: Vay thẻ tín dụng 8,5 triệu rồi "quên trả", 5 năm sau mang nợ gần 9 tỷ?
Ngày 12/3, giá vàng trong nước chưa bao giờ cao đến vậy với giá vàng SJC khoảng 80,5-82,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn 24k cũng cao nhất trong lịch sử, có nơi bán ra hơn 71,3 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng leo tháng và liên tục lập đỉnh đã khiến nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời. Quan sát trên "phố vàng" Trần Nhân Tông ngày 12/3, số lượng người dân đến giao dịch tăng mạnh, không khí giao dịch sôi động, tấp nập không kém gì ngày vía Thần Tài cách đây 3 tuần. Trong hơn 1 tuần trở lại, nhiều cửa hàng trong tình trạng quá tải, người dân đến phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt. Điều khác biệt là, hầu hết giao dịch trong vài ngày gần đây là bán ra.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm, thị trường đảo chiều trong sự ngỡ ngàng, giá vàng trong nước đồng loạt lao dốc mạnh ngay khi mở cửa ngày 13/3. Giá vàng SJC trong ngày 13/3 giảm tới 2-2,5 triệu đồng/lượng xuống còn 78-80,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng nhẫn tròn trơn cũng "bốc hơi" 2 triệu đồng mỗi lượng, tuột mốc 69 triệu đồng/lượng.
Chỉ cách 1 ngày nhưng lời, lỗ đối với nhà đầu tư vàng là một trời một vực. So với việc bán ra ngày hôm qua thì bán ra hôm nay, người có vàng bị thiệt tới 2,5 triệu đồng/lượng. Đối với những người lỡ "đu đỉnh" mua vàng ngày 12/3 thì bán ra thời điểm này bị lỗ đến 5 triệu đồng/lượng (do chênh lệch giá mua – giá bán).
Chị Nguyễn Hồng (Hoàng Mai) chia sẻ: "Mình mua vàng nhẫn liên tục trong năm 2022-2023, có thời điểm mua được với giá chỉ hơn 5 triệu đồng/chỉ, cao nhất cũng chỉ 5,7 triệu đồng/chỉ. Tích cóp được 23 chỉ vàng nhẫn sau 2 năm, nhẩm tính giá vốn khoảng 125 triệu đồng. Sáng 12/3 mang vàng đi bán được ở giá 7 triệu đồng/chỉ, tính ra có lãi 35 triệu". Chị Hồng cho biết thở phào nhẹ nhõm vì chỉ sau 1 ngày, giá vàng giảm mạnh, nếu để chần chừ sang hôm nay mới bán thì chị chỉ có lãi khoảng 20 triệu đồng.
Nhiều người lướt sóng vàng cũng đã tranh thủ chốt lãi trong vài ngày gần đây. Anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm khi giá vàng SJC rớt mạnh, anh đã gom tiền mua được khoảng 4 cây vàng SJC với giá 74 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây khi vàng SJC liên tục lập đỉnh, anh mang vàng đi bán và có lãi khoảng 6 triệu đồng mỗi lượng, tức tổng lãi khoảng 24-25 triệu đồng. "Tính ra chỉ sau hơn 2 tháng mà có lãi 8% là con số khá ổn rồi. Mình đầu tư chứng khoán cũng chưa chắc có lãi thế mà gửi tiền tiết kiệm thì lãi quá thấp. Tôi cũng không chắc giá vàng có lên nữa hay không nhưng lãi 8% trong thời gian ngắn cũng là đủ rồi. Cứ chốt lãi đã rồi nghe ngóng thêm tình hình thị trường", anh Tuấn nói.
Diễn biến giá vàng trong nước ngày 13/3 được cho giảm theo giá vàng thế giới. Tối ngày 12/3 (giờ Việt Nam), vàng trên thị trường quốc tế giảm hơn 30 USD xuống còn 2.155 USD/ounce. Tuy nhiên, mức điều chỉnh của vàng trong nước hôm nay vẫn lớn hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng rất lớn. Hiện vàng quốc tế tương đương với khoảng 64,5 triệu đồng/lượng theo tỷ giá USD ngân hàng và 66,6 triệu đồng/lượng theo tỷ giá USD trên thị trường tự do.
Việc giá vàng trong nước giảm mạnh hơn có thể còn do lực bán chốt lời tăng cao trong những ngày gần đây. Thêm vào đó, việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cũng khiến nhiều người lo ngại, thúc đẩy họ bán ra để tránh bớt rủi ro.