MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng liên tục leo cao trước Tết: Nên bán chốt lời hay mua thêm và đợi giá tăng lên 85 triệu đồng/lượng?

05-02-2024 - 13:45 PM | Tài chính - ngân hàng

So với thời điểm đầu năm, người "ôm" vàng SJC lãi trung bình 4 triệu đồng/lượng. Liệu nhà đầu tư nên "chốt lời" sớm hay tiếp tục mua vào chờ đợi giá vàng tăng mạnh hơn?

ThS. Ngô Thành Huấn
ThS. Ngô Thành Huấn
Giám đốc Điều hành FIDT
22 bài viết

Giá vàng biến động mạnh sát Tết

Kể từ đầu năm 2024 dương lịch tới nay, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh. Nếu như phiên giao dịch đầu tháng 1, vàng SJC mới ở mức 71,5 - 74,52 triệu đồng/lượng, thì đến cuối tháng 1 đã ở 75,4 - 77,92 triệu đồng/lượng. Nhiều phiên giá biến động với biên độ tới cả triệu đồng/lượng.

Bước sang tháng 2, giá vàng trong nước điều chỉnh tăng giảm theo thế giới nhưng vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, ngày 2/2, giá vàng từng tăng vọt lên gần 79 triệu đồng/lượng. Nhưng đến ngày cuối tuần 4/2 (tức 25 tháng chạp), giá vàng SJC quay đầu lao dốc về sát mốc 78 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm 2024 tức là trong hơn 1 tháng cận Tết Nguyên đán, người mua vàng vẫn lời trung bình 4 triệu đồng/lượng.

Có nên mua thêm và đợi giá vàng tăng 85 triệu đồng/lượng hay bán ra sớm? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nên mua vào hay bán ra?

"Tiếp tục mua vào hay bán ra" là bài toán mà những người đầu tư vàng đang cân nhắc. Bởi nếu so với thời điểm đầu năm, người mua vàng lãi 4 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng rằng, năm 2024, giá vàng có thể lên tới 85 triệu đồng/lượng. Hoặc ở thời điểm ngày vía Thần Tài, giá vàng có thể tăng đột biến.

Liên quan đến bài toán "tiếp tục mua vàng vào hay bán ra", ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT dự đoán, giá vàng SJC trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh đáng kể. Theo ông Huấn, một yếu tố sẽ tác động đến giá vàng đó là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã có sự can thiệp đến sự tăng giá hơi vô lý của vàng SJC trong thời gian qua. Đặc biệt, việc sửa đổi Nghị định 24 cũng sẽ tác động đến giá vàng.

Về thời điểm mua vào và bán ra như thế nào hợp lý, ông Huấn cho biết, khi vàng đột ngột tăng với biên độ từ 10-15%, nhà đầu tư nên bán ra. Sau đó, có thể mua vào khi giá vàng xuống và tình hình về thị trường và kinh tế ủng hộ cho giá vàng diễn biến theo xu hướng tăng trở lại.

Ví dụ như, nếu nhà đầu tư mua vàng từ mức giá 68-69 triệu đồng/ lượng. Và khi vàng tên lên 80 triệu đồng, người mua nên bán ra. Khi giá vàng hạ sâu 10-15%, nhà đầu tư có thể mua vào.

Mặt khác, theo ông Huấn, giá vàng khó có thể tăng quá đột ngột. Ví dụ như năm 2021, giá vàng từng tăng từ 51 triệu đồng/lượng lên 60 triệu đồng/lượng rồi quay lại mốc 51 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, ông Huấn nhấn mạnh, nếu giá vàng tăng 15% thì không nên mua. "Còn việc bán hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Bởi nhiều người lo ngại bức tranh kinh tế 2024 biến động, họ sẽ giữ giá vàng. Họ chờ đợi giá vàng có thể lên tới 85 triệu đồng/lương. Còn kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/ lượng không xảy ra. Nếu tình hình kinh tế ổn định, giá vàng có thể sẽ khó tăng mạnh", ông Huấn nói thêm.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên