Giá vàng “nhảy múa” và cái khó của PNJ
4 tháng đầu năm nay, biên lợi nhuận của PNJ đã giảm đáng kể.
- 29-05-2024Giá vàng tăng cao gây áp lực cho biên lợi nhuận của PNJ
- 28-05-2024‘Soi’ việc làm ăn của 4 'đại gia' ngành vàng bị thanh tra
- 24-05-2024Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp kinh doanh vàng kêu khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng
Sự biến động của giá vàng đã và đang ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong ngành, đơn cử có CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Biên lợi nhuận đi xuống
4 tháng đầu năm nay, PNJ ghi nhận lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.723 tỷ đồng và 915 tỷ đồng, tăng 18% và 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trung bình giảm từ mức 19,1% xuống 17%, còn biên lợi nhuận ròng từ 7,1% giảm xuống còn 5,7%.
Theo ban lãnh đạo PNJ, biên lợi nhuận thụt lùi bởi sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh bán lẻ, giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác diễn biến khó lường.
Nói về tỷ suất sinh lời tăng trưởng âm, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng mảng kinh doanh của PNJ là chế tác và bán lẻ trang sức. Mảng này luôn mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, trong những tháng qua, doanh thu vàng miếng tăng đột biến và chiếm tỷ trọng đến 42,4% trong cơ cấu doanh thu (trong khi cùng kỳ chỉ 31,2%) khiến biên lợi nhuận bị bó hẹp.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của PNJ vì "công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí về phía khách hàng". Ngoài ra, giá vàng nguyên liệu cao kéo theo giá trang sức thành phẩm cao hơn, từ đó cản trở sức mua và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp.
PNJ phải giảm cường độ sản xuất do không đủ nguyên liệu vàng
Theo BCTC quý 1/2024, giá vốn PNJ ghi nhận tăng đáng kể lên gần 10.500 tỷ đồng (cùng kỳ là 7.854 tỷ). Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, CEO Lê Trí Thông chia sẻ: “ Giá vốn sẽ biến động theo giá nguyên liệu, vì tỷ trọng đang chiếm khoảng 50%. Chúng tôi sẽ có điều chỉnh giá khi biến động hơn 5% ”.
Khi giá vốn biến động theo giá vàng, trong khi nguồn cung nguyên liệu đang thiếu thì PNJ sẽ tìm mua và dự trữ như thế nào để cân bằng chi phí?
Trả lời điều này, ông Thông cho biết trong 1 năm, PNJ sản xuất khoảng mười mấy tấn vàng. Trong khi hiện nay, biến động giá diễn ra từng giờ, nên cái khó của người kinh doanh vàng là mua bao nhiêu, lúc nào để đảm bảo được giá vốn.
Trong đó, PNJ có những ngày phải chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất xuống bởi không đủ nguồn vàng đang có. Ông Thông nhấn mạnh đây là một kỹ năng trong ngành kinh doanh vàng.
Còn về việc nguồn hàng, PNJ đang có 400 cửa hàng và là đơn vị bán sỉ nên mua vàng từ nhiều nguồn: Nhà bán lẻ, người dân và từ các đại lý. Khi mua, PNJ phải kê khai, rõ ràng về nguồn gốc, có những lúc có vàng nhưng PNJ không dám mua vì nguồn gốc không rõ ràng. Đó cũng là một cái khó của PNJ.
Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 1/2024, PNJ tiếp tục tăng chi phí dự phòng hàng tồn kho lên 5,8 tỷ. Trong năm 2023, Công ty đã tăng chi phí trích lập từ 2 tỷ lên 3,8 tỷ tính đến thời điểm 31/12/2023.
SJC tăng trích lập hàng tồn gấp 3 lần
Không riêng PNJ, một doanh nghiệp kinh doanh vàng khác là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC cũng tăng trích lập dự phòng hàng tồn trong bối cảnh hiện tại.
Theo BCTC của SJC, tại thời điểm cuối năm 2023, hàng tồn kho chiếm tới 71,8% tổng tài sản với 1.363 tỷ đồng. Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2023 là 83,9 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2022, trong khi giá trị hàng tồn kho chỉ tăng 248 tỷ đồng (tương đương 20%).
Đáng chú ý, tại BCTC kiểm toán năm 2023 của SJC, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của công ty.
Theo đó, báo cáo nêu rõ công ty thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo biên bản lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31/12/2023 do công ty tự đánh giá. Bằng những tài liệu công ty cung cấp, kiểm toán viên không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá với số tiền lũy kế tính đến cuối năm 2023 là gần 84 tỷ đồng (số cuối kỳ trước 25,9 tỷ, số tiền hoàn nhập 10,7 tỷ đồng và số trích lập dự phòng trong năm 68,7 tỷ đồng).
Do vậy, kiểm toán viên không đủ cơ sở để xác minh ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2023 cũng như báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ.
Nhịp sống thị trường