Giá vàng tăng cao gây áp lực cho biên lợi nhuận của PNJ
Lợi nhuận của PNJ tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng biên lợi nhuận gộp lại giảm từ 19,1% xuống 17% bởi tỷ trọng đóng góp doanh thu của vàng 24K nhảy vọt, cộng thêm việc tăng ngân sách tiếp thị và khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng.
Tỉ trọng vàng 24k tăng khiến biên lợi nhuận giảm
Báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.049 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của từng kênh đều tăng, trong đó doanh thu vàng 24K cao hơn cùng kỳ gần 80% bởi sự sôi động của thị trường vàng miếng.
Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 2.723 tỷ đồng và 915 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 6,5% so với giai đoạn 4 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trung bình giảm từ mức 19,1% xuống 17%, còn biên lợi nhuận ròng từ 7,1% giảm xuống còn 5,7%. Theo ban lãnh đạo PNJ, các chỉ tiêu tài chính tuyệt đối duy trì đà tăng trưởng dương nhưng biên lợi nhuận thụt lùi bởi sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh bán lẻ, giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác diễn biến khó lường.
Kết quả này được PNJ công bố trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh. Cụ thể, giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong những tháng qua, có thời điểm đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4 sau đó nhảy vọt lên 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên neo cao, đỉnh điểm lên đến 20 triệu đồng một lượng.
Phân tích nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận đi lên nhưng tỷ suất sinh lời tăng trưởng âm, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng mảng kinh doanh của PNJ là chế tác và bán lẻ trang sức. Mảng này luôn mang lại biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, trong những tháng qua, doanh thu vàng miếng tăng đột biến và chiếm tỷ trọng đến 42,4% trong cơ cấu doanh thu (trong khi cùng kỳ chỉ 31,2%) khiến biên lợi nhuận bị bó hẹp. Biên lợi nhuận các sản phẩm vàng 24K rất thấp, không tới 1%. Đây cũng không phải mảng kinh doanh chính của PNJ.
Theo TPS, việc người dân ưu tiên tích trữ vàng miếng, xem đây như một kênh đầu tư tiềm năng trong giai đoạn lãi suất ngân hàng thấp thay vì mua sắm trang sức và chú trọng tính thời trang cũng tác động đến biên lợi nhuận của PNJ. Thực tế này buộc công ty phải dành thêm ngân sách cho các chương trình khuyến mãi và tiếp thị để thu hút khách hàng mới cũng như tăng tỷ lệ khách hàng cũ quay lại cũng tác động đến biên lợi nhuận.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của PNJ vì "công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí về phía khách hàng". Ngoài ra, giá vàng nguyên liệu cao kéo theo giá trang sức thành phẩm cao hơn, từ đó cản trở sức mua và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp.
Tiếp tục mở rộng thị phần
Theo ban lãnh đạo PNJ lẫn các nhóm phân tích, thị trường bán lẻ trang sức năm nay sẽ đương đầu nhiều khó khăn trong ngắn hạn và mức phục hổi chỉ khoảng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, tiềm năng tăng trưởng thị trường này rất lớn bởi tổng hoà của nhiều yếu tố như chính sách kích cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm trực tuyến, nhu cầu của người dân cho đến sự chuyển mình nhanh nhạy của doanh nghiệp trong ngành.
Tính cuối tháng 4/2024, PNJ sở hữu 403 cửa hàng vật lý trên toàn quốc (Ảnh: Đỗ Trường)
Một trong những chìa khoá quan trọng để PNJ giải bài toán tăng trưởng trong bối cảnh kinh doanh khắc nghiệt là vị thế doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng được thương hiệu mạnh và uy tín với bề dày 36 năm, từ một doanh nghiệp nhỏ có 20 nhân sự trở thành hệ thống bán lẻ trang sức bậc nhất cả nước với 403 cửa hàng tại 57/63 tỉnh, thành phố vào cuối tháng 4. Trong quý đầu năm, do vào mùa cao điểm kinh doanh nên PNJ chỉ mở thêm một cửa hàng mới nhưng theo dự báo của SSI Research thì công ty sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm và có thêm 35 cửa hàng mới.
Theo đại diện PNJ, các hoạt động xây dựng thương hiệu cũng là chìa khoá quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả kinh doanh. Niềm tin này bắt nguồn từ việc công ty từng triển khai thành công hàng loạt chương trình gắn kết khách hàng và định hướng thói quen tiêu dùng vào những dịp lễ đặc biệt, qua đó đóng góp đáng kể vào lợi nhuận các năm gần đây.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PNJ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các mảng kinh doanh mới, thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại… nhằm hình thành hệ sinh thái toàn diện và giữ vị trí dẫn dầu thị trường bán lẻ trang sức trong dài hạn. Công ty cũng tập trung cải tiến năng lực thiết kế, nghiên cứu công nghệ sản xuất mới và đa dạng danh mục sản phẩm để tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng.
Ông Lê Trí Thông Phó Chủ tịch HĐQT, CEO PNJ cho rằng nếu thị trường thuận lợi trong quý 3-4/2024, hồi phục tốt, sức mua cao hơn thì xác suất tăng trưởng 18% có thể đạt được. PNJ cũng đã có kịch bản lạc quan nếu thị trường khởi sắc.
"Kinh doanh trang sức hiện đang là mảng đứng đầu tại PNJ. Ban lãnh đạo nhìn nhận mảng online có nhiều cơ hội nên cũng đang tập trung vào mảng đó. Hiện, PNJ có 40% khách hàng có hoạt động liên quan đến kênh online như tìm hiểu trước thông tin, thông qua mạng xã hội hay mua trực tiếp online…" đại diện PNJ chia sẻ thêm.
Nhịp Sống Thị Trường