MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng SJC từng được dự báo sẽ chạm mốc 100 triệu đồng/lượng, giờ thế nào?

10-06-2024 - 12:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Kịch bản cho giá vàng chạm mốc 100 triệu đồng/lượng được đưa ra trong bối cảnh giá vàng SJC từng tăng "chóng mặt". Nhưng đến hiện tại, giá vàng SJC đang giảm không phanh.

Giá vàng từng được dự báo chạm mốc 100 triệu đồng/lượng

Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu tiên vào ngày 23/4, giá vàng miếng SJC bắt đầu chuỗi ngày tăng liên tục. Chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước kéo giãn không ngừng, từ con số 11 triệu đồng hiện lên tới khoảng 18 triệu đồng.

Ở thời điểm đầu tháng 5, từ mốc hơn 85 triệu đồng/lượng, chỉ sau vài ngày, giá vàng SJC đã liên tục xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Mốc đỉnh cao nhất từng xác lập là 92,5 triệu đồng/lượng trong ngày 10/5. Thậm chí, có ngày, giá vàng SJC tăng tổng cộng tới gần 3 triệu đồng. Sau lập đỉnh, giá vàng SJC liên tục dao động ở ngưỡng 90-92 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. 

Trước diễn biến giá vàng SJC tăng liên tục, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế từng dự báo, với tốc độ tăng như hiện tại, giá vàng SJC có thể chạm mốc 100 triệu đồng. 

Đưa ra kịch bản này, song ông Hiếu cho rằng, giá vàng lên 100 triệu đồng vẫn khó xảy ra và xác suất chỉ là 30%. Lý giải điều này, theo ông Hiếu, các cơ quan quản lý Nhà nước sớm đưa ra giải pháp kiểm soát thị trường vàng. Mặt khác, ông Hiếu cho rằng, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Lúc đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.

Giá vàng SJC từng được dự báo sẽ chạm mốc 100 triệu đồng/lượng, giờ thế nào?- Ảnh 1.

Đà lao dốc nhanh chóng của giá vàng SJC trong vòng nửa tháng qua. Chart: CAFEF.

Giá vàng lao dốc không phanh

Trước đà tăng liên tục của giá vàng, đến ngày 29/5, NHNN phát đi thông báo về việc giao 4 ngân hàng Big 4 bán vàng trực tiếp cho người dân. Cũng kể từ đó, giá vàng SJC bắt đầu lao dốc không phanh. Chỉ riêng buổi sáng ngày 30/5, giá vàng SJC đã "bốc hơi" tới gần 4 triệu đồng mỗi lượng. 

Đến ngày 3/6, ngày đầu tiên các ngân hàng thương mại Nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân, giá vàng giảm về quanh mốc 80 triệu đồng/lượng.  Và sau một tuần các nhà băng mở bán vàng miếng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm bình ổn thị trường vàng, đến nay, giá vàng miếng SJC trong nước đã giảm hơn 6 triệu đồng/lượng.

Tính từ vùng giá lịch sử 92,5 triệu đồng từng thiết lập, mỗi lượng vàng miếng bán ra đã giảm hơn 15 triệu đồng, tương đương với khoảng 16%. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục thu hẹp về khoảng 5-6 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng SJC tiếp tục được dự báo sẽ còn giảm trước diễn biến giá vàng trên thế giới đang lao dốc mạnh còn trong nước, NHNN tiếp tục chính sách bình ổn giá vàng. 

Trong nhiều thông báo phát đi, NHNN cho biết quyết tâm bình ổn thị trường và kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. NHNN cũng khẳng định có đủ nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, NHNN hiện đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.

Bên cạnh đó, việc thanh tra để làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt là ở 2 địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM.

Đáng chú ý, tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24) diễn ra vào ngày 9/6, một số chuyên gia đề xuất áp dụng chính sách thuế với vàng. 

Cụ thể, tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ và song song như bổ sung nguồn cung liên tục, thanh tra thị trường vàng vào thể chính sách đánh thuế vàng, giá vàng SJC sẽ sớm hạ nhiệt. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ co hẹp hợp lý. 

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên