Giá vàng tăng vọt lên cao nhất 5 tháng
Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, kéo các kim loại quý khác đồng loạt tăng theo sau dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tháng 10 đã tăng quá mạnh, khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro cao để tìm tới vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
- 11-11-2021Lãi suất tiền gửi rục rịch tăng trở lại?
- 10-11-2021USD tăng trở lại, vàng đảo chiều lao dốc, tiền điện tử neo sát mức cao kỷ lục
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 10/11 tăng 0,7% lên 1.843,31 USD/ounce, trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 15 tháng 6, là 1.868,20 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên cũng tăng hơn 1% lên 1.848,3 USD.
Mặc dù hạ nhiệt một chút vào cuối phiên, song giá vàng vẫn kết thúc ngày ở mức đóng cửa cao nhất trong vòng 3,5 tháng.
David Meger, giám đốc kinh doanh kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: "Một lần nữa chúng ta nhận thông tin về dữ liệu lạm phát nóng". "Vàng là hàng rào ‘tinh túy’ chống lại lạm phát, chúng tôi tin rằng lạm phát – một môi trường tích cực cơ bản - sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vàng trong những tuần và tháng tới."
Vàng, với vai trò là nơi trú ẩn an toàn, đã tăng giá 5 phiên liên tiếp, một phần cũng bởi lợi suất trái phiếu kho bạc thực tế của Mỹ giảm và chứng khoán Phố Wall lao dốc vì tâm lý lo sợ của nhà đầu tư rằng có thể mất mát lớn khi nắm giữ các tài sản rủi ro ở thời điểm lạm phát cao.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết việc nó vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.835 USD/ounce là rất quan trọng và việc giá đóng cửa trên mốc 1.851 USD có thể kích thích đà tăng lên tới 1.900 USD. Bà nói: "Vàng có một nền tảng vững chắc để xây dựng đà tăng giá do nhu cầu mạnh mẽ theo mùa từ Ấn Độ".
Cùng chung xu hướng với vàng, giá bạc giao ngay kết thúc phiên cũng tăng 1,3% lên 24,59 USD, bạch kim tăng 0,7% lên 1,066,05 USD và palladium tăng 0,4% ở mức 2.028,44 USD.
Diễn biến giá vàng trong 1 tuần qua.
Sự phục hồi của giá vàng và các kim loại quý khác có vẻ như đã vượt qua sức mạnh của đồng đô la Mỹ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch vừa qua (USD tăng mạnh trong phiên vừa qua. Khi USD mạnh thường làm giảm nhu cầu vàng từ những người nắm giữ tiền tệ khác, nhưng trong phiên này cả USD và vàng đều tăng).
Giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 10 đã tăng rất nhanh khi người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho xăng và thực phẩm. Theo đó, CPI của Mỹ tháng 10 tăng 0,9% so với tháng 9 và 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10. Trước đó, các nhà phân tích dự báo chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10.
Không chỉ ở Mỹ, lạm phát tại khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang 'nóng bỏng'.
Lạm phát tại 19 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 10 vừa qua đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 - mức cao kỷ lục trong 13 năm qua. Nguyên nhân cũng do giá năng lượng tăng 23,5% khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng kéo theo nhu cầu nhảy vọt.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 13,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 10,7% ghi nhận trong tháng 9. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố PPI vào giữa thập niên 1990. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc cũng tăng tốc. CPI tháng 10 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp đôi mức tăng của tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Giới phân tích cho rằng lạm phát ở nước này còn có thể đẩy cao áp lực giá cả trên toàn cầu.
Chuyên gia David Meger cho biết: "Môi trường này là một con dao hai lưỡi (đối với vàng) vì khi dữ liệu lạm phát tiếp tục công bố nóng hơn dự kiến, mối quan tâm sẽ là liệu Cục Dự trữ Liên bang có giảm thanh khoản nhanh hơn dự đoán hay không".
Một số nhà phân tích đang kỳ vọng giá vàng sẽ hồi phục trở lại mức 1.900 USD/ounce trong thời gian tới, bởi vàng có vẻ đang bắt đầu một đợt tăng giá mới khi áp lực lạm phát gia tăng.
Bob Haberkorn, nhà môi giới hàng hóa cấp cao của RJO Futures cho biết: "Lạm phát đang hiện hữu và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn". Nhiều người bắt đầu nghi ngờ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bị giới hạn những gì có thể làm để ngăn lạm phát gia tăng. "Có một nỗi lo sợ thực sự trong các nhà đầu tư rằng Fed sẽ mất quyền kiểm soát", ông Haberkorn nói.
Ông Haberkorn kỳ vọng rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho việc giá vàng tăng cao hơn. Theo ông, mục tiêu tiếp theo của giá vàng sẽ là từ 1.900 USD đến 1.920 USD. "Nếu vàng sẽ phục hồi, đó là do nỗi lo sợ mới về lạm phát", ông nói.
Colin Cieszynski, trưởng chiến lược gia thị trường thuộc SIA Wealth Management, cũng cho rằng giá vàng đang bị đẩy lên mức 1.920 USD. "Đây là một sự bứt phá đáng kể đối với vàng và không có nhiều sự chênh lệch giữa mức này với mức 1.900 USD", ông Cieszynski nói. Cơ sở dự đoán của ông là vàng không chỉ phá vỡ một mức kháng cự cao, mà còn tăng ngay cả khi đồng đô la Mỹ đã đẩy cao hơn. Chỉ số đô la Mỹ hiện đang giao dịch gần mức cao nhất trong một năm trở lại trên 94,50 điểm. "Thực tế là vàng có thể bùng phát khi đồng đô la Mỹ tăng giá có nghĩa là nó có động lực để tăng cao hơn", chuyên gia Cieszynski nhận định.
Tham khảo: Refinitiv, Kitco