Giá vàng và dầu tăng cao đang nói lên điều gì?
Trong khi một số nhà đầu tư đang ăn mừng khi giá vàng và dầu tăng vọt thì thành tích vượt trội của cổ phiếu năng lượng Mỹ cũng tăng - trước đây luôn là một dấu hiệu xấu đối với thị trường chứng khoán Mỹ.
- 10-04-2024Cơn điên loạn của vàng: Có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce, đến siêu thị còn bày bán, ngân hàng tranh nhau mua
- 10-04-2024Lý do giá vàng thế giới tăng chóng mặt
- 10-04-2024Giá vàng thế giới tiếp tục chạm mức kỷ lục
- 10-04-2024Giá vàng tăng kỷ lục, chỉ trong 1 tháng, một quốc gia láng giềng của Việt Nam mua gần 5 tấn vàng
- 10-04-2024Thị trường ngày 10/4: Giá vàng lập kỷ lục mới, đất hiếm cao nhất 7 tuần, quặng sắt và cao su tăng tiếp
Theo kinh nghiệm từ lịch sử, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sắp phải trải qua một giai đoạn khó khăn phía trước bởi cả thị trường vàng và dầu đều đang tăng mạnh. Giá vàng kỳ hạn tương lai đã liên tục phá vỡ những kỷ lục lịch sử để đạt những kỷ lục cao mới, trong khi giá dầu gần mức 90 USD/thùng.
Và trong khi căng thẳng địa chính trị sôi sục chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy giá vàng và dầu, đừng quên rằng hai thị trường này đã phục hồi ngay cả trước khi xảy ra cuộc không kích vào lãnh sự quán của Tehran ở Damascus vào tuần trước - đe dọa làm leo thang cuộc chiến tranh bóng tối kéo dài nhiều năm giữa Israel và Iran.
Một trong những lý do khiến giá 2 mặt hàng này tăng mạnh là các nhà đầu tư ngày càng sử dụng vàng và dầu để phòng ngừa những bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị.
Thật vậy, với giá dầu tăng khoảng 16% trong năm nay, trong khi vàng tăng 13%, chiến lược này đã tỏ ra có lợi nhuận cao hơn so với việc mua chứng khoán Mỹ.
Trong phần lớn thời gian từ đầu năm đến nay, thước đo nỗi sợ hãi của thị trường [Chỉ số biến động CBOE ( CBOE Volatility Index, hay Vix)], đo lường mức độ biến động trong 30 ngày của S&P 500, đã ở mức thấp.
Chỉ số Vix đã tăng lên mức 16 vào tuần trước khi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng ngày càng sâu sắc ở Trung Đông, nhưng sau đó đã ổn định xuống quanh mức 15.
Và trong khi S&P 500 đã cố gắng tăng gần 10% từ đầu năm đến nay, hiệu suất của nó cũng chỉ bằng 1/3 của cổ phiếu Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng SPDR Gold Trust - tăng 14,1% trong cùng kỳ.
Trong khi đó, cổ phiếu quỹ ETF năng lượng (Energy Select Sector SPDR), tập trung vào các công ty lớn có trụ sở tại Mỹ và được các nhà đầu tư ưa chuộng như một công cụ phòng ngừa rủi ro, đã tăng 15% từ đầu năm đến nay.
Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng có những lý do chính đáng để giá vàng và dầu tiếp tục tăng.
Các ngân hàng trung ương mua vàng
Cho đến nay, sự phục hồi của kim loại quý chủ yếu được thúc đẩy bởi lực mua của ngân hàng trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Các nhà đầu tư lẻ Trung Quốc cũng gia tăng nhu cầu mua vàng vật chất, cả vàng trang sức và vàng đầu tư. Sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc, kết hợp với thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn của nước này, đang hợp sức góp phần nâng cao vị thế của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn.
Có những dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá vàng mới nhất đã khiến lượng mua của ngân hàng trung ương giảm bớt. Các ngân hàng trung ương có xu hướng kiên trì mua vàng trong thời gian dài, tận dụng giá thấp và sau đó rút lui khi giá tăng cao.
Tuy nhiên, khả năng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vào bất cứ khi nào có dấu hiệu giá giảm xuống, giúp củng cố giá vàng giống như niềm tin vào “Fed put” (thuật ngữ xuất hiện khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào tháng 10/1987 buộc cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thời điểm đó là Alan Greenspan phải hạ lãi suất) - giả định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ can thiệp để hỗ trợ. thị trường tài chính nếu giá giảm quá xa – đã làm phấn chấn các thị trường.
Nguy cơ thiếu hụt xăng dầu nếu căng thẳng ở Trung Đông gia tăng
Đối với thị trường năng lượng, giá xăng dầu đã phục hồi mạnh mẽ sau 18 tháng trượt dốc kể từ mức đỉnh cao chạm tới sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 - khiến giá dầu tăng vọt lên trên 100 USD/thùng.
Các nhà đầu tư hiện tin rằng hoạt động kinh tế ở cả Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gia tăng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Morgan Stanley hôm 9/4 đã nâng dự báo giá dầu Brent quý III/2024 lên 94 USD/thùng do những rủi ro liên quan đến địa chính trị, OPEC hạn chế nguồn cung và sản xuất dầu của Nga gặp một số vấn đề. Họ dự đoán nguồn cung dầu sẽ thắt chặt trong quý II và III năm nay.
Đồng thời, cũng có lo ngại về việc nguồn cung dầu mỏ sẽ bị thắt chặt hơn nữa do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) hạn chế sản xuất dầu.
Quỹ phòng hộ khổng lồ Citadel tuần này đã cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ sẽ trở nên “cực kỳ thắt chặt” trong nửa cuối năm nay, khi liên minh sản xuất dầu mỏ OPEC+ tái khẳng định quyền kiểm soát thị trường của mình.
Các thương nhân cũng lo ngại rằng nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu của Nga, nhằm mục đích hạn chế sản xuất và giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga.
Tóm lại, những điều đó là lời cảnh báo rằng sự kết hợp giữa giá dầu tăng và thành tích vượt trội của các cổ phiếu năng lượng Mỹ trong lịch sử luôn là một dấu hiệu xấu đối với thị trường cổ phiếu Mỹ.
Hãy nhớ lại năm 2022, khi Energy Select Sector SPDR mang lại mức lợi nhuận cao 64% thì S&P 500 trải qua năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, giảm gần 20%.
Tham khảo: Afr
Nhịp sống thị trường