MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vé máy bay có tăng kịch trần?

Với việc giá vé vé máy bay tăng cao trong dịp cao điểm du lịch Hè năm nay, rất nhiều người đã chọn đi du lịch đến các điểm đến gần bằng phương tiện cá nhân.

Giá vé máy bay được tính thế nào?

Sáng 23/5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội liên quan đến vấn đề giá vé máy bay hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay (phần do Bộ Tài chính quản lý) được thu theo quy định và hiện chiếm rất ít trong cơ cấu giá vé. 

Vậy lý do nào khiến giá vé máy bay tăng mạnh và duy trì trong thời gian dài vừa qua? Để tìm câu trả lời, trước hết hãy cùng tìm hiểu cơ cấu chi phí của một tấm vé máy bay nội địa hiện nay. Theo đó, tổng chi phí một vé máy bay được tính gồm: Giá bán (nhiều dải) + Phí quản trị hệ thống + Phí sân bay + Phí soi chiếu + Phí thanh toán + Thuế VAT. 

Trong đó, thuế VAT các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước. Phí sân bay và soi chiếu an ninh các hãng bay thu hộ ACV. Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT) mỗi hành khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em. 

Phí sân bay áp dụng với 3 nhóm sân bay gồm: Nhóm A - 100.000 đồng; Nhóm B - 80.000 đồng; Nhóm C - 60.000 đồng (gồm VAT). Còn giá bán và phí quản trị hệ thống mới là khoản tiền các hãng hàng không nhận về. Tại đây, phí quản trị hệ thống hiện được các doanh nghiệp áp dụng dao động từ 450.000 - 486.000 đồng (gồm VAT).

Với giá bán được các hãng thiết lập theo nhiều dải tùy tình hình cung, cầu trên thị trường, cũng như thời điểm mở bán trước mỗi chuyến bay. Song tổng giá bán và phí quản trị hệ thống không được vượt 4 triệu đồng - mức trần tối đa theo quy định mà hành khách phải trả cho một vé máy bay nội địa (chưa gồm VAT và các khoản thu hộ). Mức trần được áp dụng trên khung các đường bay nội địa dài nhất: 1.280km trở lên, tương đương với hành trình Hà Nội - Phú Quốc, từ ngày 1/3.

Cần có câu trả lời về mức tăng giá vé máy bay

Hiện nay, khung giá vận chuyển hành khách nội địa của Vietnam Airlines có 17 mức giá, Vietjet có 20 mức giá, Bamboo Airways có từ 12 - 15 mức giá và Vietravel Airlines có 18 mức giá cho từng chặng bay. “Các mức giá này không vượt mức tối đa theo quy định”, Cục Hàng không nhấn mạnh. Báo cáo của Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, giá vé máy bay vừa qua tăng cao nhưng vẫn nằm trong khung giá, chưa kịch trần. Vậy giá vé máy bay còn tăng nữa không và ảnh hưởng gì tới du lịch? 

Giá vé máy bay có tăng kịch trần?- Ảnh 1.

Với việc giá vé vé máy bay tăng cao trong dịp cao điểm du lịch Hè năm nay, rất nhiều người đã chọn đi du lịch đến các điểm đến gần bằng phương tiện cá nhân.

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 13/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: "Giá vé máy bay còn tăng đến kịch trần không? Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát đến bao giờ thì giá vé kịch trần để không tăng nữa?”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hiện có tình trạng người dân đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhưng chọn mua vé qua Thái Lan rồi mua vé từ Thái Lan về Hà Nội có khi còn rẻ hơn chọn bay thẳng.

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đã chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng đánh giá toàn bộ giá vé của Việt Nam và thị trường quốc tế. Ông Huy cho rằng, có 4 nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng. 

Thứ nhất, do giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá tăng 8%, trong khi các chi phí này chiếm 65 - 70% trong cơ cấu giá vé. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, đội bay có 33 máy bay chủ yếu là A321 và A320 phải tạm dừng để kiểm tra, khắc phục động cơ. Việc này bắt buộc các hãng hàng không phải thuê cả phi công và tàu bay nên chi phí tăng cao. Hơn nữa, do nhu cầu đi lại trong tháng 4 rất cao. Vừa qua, do nhu cầu đi du lịch nên nhiều người mua sát giờ, khiến giá vé này tăng cao hơn 20%.

Vé máy bay liệu có thể giảm?

Theo ghi nhận hôm 18/5, nhiều đường bay tới các điểm du lịch giá vé cao điểm Hè chỉ còn khoảng một nửa so với dịp lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, giá vé cho chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 1,5 triệu đồng/chiều, đã bao gồm thuế phí.

Giá vé từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch trọng điểm như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... cũng "giảm nhiệt", với mức hơn 1,2 triệu đồng/chiều; TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn từ 1,1 triệu đồng/chiều; Hà Nội - Đà Nẵng từ 1,2 triệu đồng/chiều; TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ 1,227 triệu đồng/chiều; Hà Nội - Nha Trang từ 1,6 triệu đồng/chiều..., đã bao gồm thuế phí. Với những mức giá này có thể thấy, giá vé máy bay đã hạ so với đợt cao điểm song vẫn neo ở mức cao.

Khi nào giá vé máy bay giảm? Đây là câu hỏi rất nhiều người dân quan tâm. Dù nguyên nhân chính của việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố nhưng thực tế giá vé máy bay tăng mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu đi lại, giao dịch của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc giảm giá vé máy bay là điều “không dễ”.

Ông Nguyễn Bác Toán - Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietjet Air cho biết, chi phí nhiên liệu hãng hàng không chiếm 40 - 50% chi phí vận hành, mà giá dầu năm nay đã tăng 20 - 25% cũng như áp lực phải thay thế các nhiên liệu thân thiện môi trường cũng làm tăng chi phí. TS Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế nhận định: "Quy luật cung - cầu hiện nay đang mất cân đối: số máy bay giảm, chi phí chung  như thuê máy bay, xăng dầu của thế giới đều tăng; chúng ta chưa có chính sách giảm thuế phí thì chưa thể giảm giá vé máy bay ngay được”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, việc giá máy bay tăng cũng ảnh hưởng đến du lịch. Về giải pháp, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động một chuyến tàu mới nhằm hỗ trợ tình trạng khan hiếm máy bay cho chặng ngắn. Vận tải hành khách cự ly dưới 1.000km thì đường sắt vẫn có chi phí hợp lý nhất. Thị phần trên 1.000km mới là hàng không: "Hiện nay, Bộ GTVT đang đẩy mạnh khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đang có, đồng thời đầu tư các tuyến, chặng mới. Mục tiêu là về lâu dài, tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách hợp lý và bền vững nhất". 

Theo Thuỳ An

vtv

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên