Giá vé máy bay đồng loạt giảm sâu chưa từng có, nhiều khách sạn đóng cửa để giảm thiểu tổn thất do virus corona
Lo sợ dịch bệnh do virus corona (COVID-19) nhiều du khách ồ ạt hủy tour, khách sạn phải đóng cửa để giảm thiểu chi phí.
- 18-02-2020Độc lạ pizza làm từ thanh long ruột đỏ, giá chỉ 55.000 đồng/chiếc
- 17-02-2020Tài xế thời virus corona: Không mặn mà nhận đơn, chấp nhận thu nhập giảm vì sợ dịch
- 17-02-2020Sau dưa hấu và thanh long, tiếp tục đến sầu riêng "kêu cứu" vì ảnh hưởng của dịch virus corona
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường hiện nay, giá vé máy bay các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt giảm xuống mức kỷ lục. Chị Hương (nhân viên bán váy máy bay tại Hà Nội) cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam đã giảm 5-6 lần so với bình thường.
"Lấy ví dụ trong cao điểm Tết, vé máy bay khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội có giá lên tới 6 triệu đồng thì nay đã giảm sốc chỉ còn chưa tới 1 triệu đồng. Cụ thể, giá vé máy bay hạng mức phổ thông của hãng Vietjet Air tuyến Hà Nội đi TP.HCM ngày 21/2 chỉ từ 99.000-299.000 đồng.
Cùng thời điểm, giá vé của Bamboo Airway ở hạng mức phổ thông từ 199.000 - 399.000 đồng, Vietnam Airlines là 599.000 đồng. Các mức giá trên đều chưa bao gồm thuế, phí".
Chị Hương cho biết thêm, "sự thay đổi đột ngột của cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá máy bay giảm sâu. Dịch virus corona diễn biến phức tạp khiến nhiều du khách có tâm lý ngại đến những điểm du lịch đông người, gần vùng có ca nhiễm dù nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định di chuyển bằng máy bay trong mùa dịch là an toàn, thậm chí là an toàn hơn cả những phương tiện giao thông công cộng khác".
Trong khi đó, anh Việt Anh, nhân viên tại một công ty du lịch trên đường Hàng Bông, Hà Nội chia sẻ, thông thường sau thời điểm ra Tết anh rất bận rộn nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch virus corona khách hủy tour hàng loạt khiến công việc ít hơn hẳn.
"Việc bùng phát dịch virus corona khiến nhiều du khách đồng loạt hủy tour. Không chỉ các tour Trung Quốc mà du lịch trong nước, các đoàn du lịch lễ hội đầu năm cũng bị hủy toàn bộ. Thậm chí, một số tour như Phú Yên, Quy Nhơn... không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng do tâm lý lo sợ nên nhiều khách hàng cũng báo hủy. Hầu như khách mới đăng ký tour là không có".
Theo chị Phạm Hằng, chủ chuỗi khách sạn tại Hà Nội cho hay, "trước ngày 17/12/2019 lượng khách đến Hà Nội là rất lớn, tính riêng tại chuỗi khách sạn của tôi công suất phòng chiếm từ 98%-100%. Tuy nhiên, sau ngày 17/12 khi bắt đầu công bố dịch virus corona bùng phát, lượng booking bắt đầu có dấu hiệu hủy hàng loạt và thậm chí là hủy hết. Đặc biệt là trong đầu tháng 1 một ngày khách sạn nhận đến 200-300 thông báo hủy từ khách hàng. Tất cả khách hàng có dự định nghỉ từ 1/2/2020 đến tháng 11/2020 đều hủy booking do du khách e ngại đến tình hình sức khỏe".
Chị Hằng chia sẻ thêm, "làm nghề này 20 năm tôi chưa từng thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến vậy. Hiện nay tại tất cả các khách sạn không riêng gì khách sạn của tôi đều đang phải chịu tổn thất rất nặng nề. Tại doanh nghiệp của tôi, chỉ tính riêng nửa cuối tháng 12 đã chịu tổn thất 40% khách hủy booking, con số này sang tháng 1 đã tăng lên tới 70% và tháng 2 là 80%, trong thời gian từ tháng 3-4 chỉ có khoảng 5% khách đặt phòng và từ tháng 5 đến cuối năm 2020 hiện tại là không có. Một số khách sạn thuộc chuỗi lượng khách quá ít nên tôi đã phải tạm thời đóng cửa để giảm thiểu tối đa tổn thất".
Chị Hằng cũng cho biết, công suất phòng hiện tại chỉ dừng lại ở khoảng 10-15%. Lượng khách ít, công suất giảm đột ngột khiến khách sạn nào cũng muốn kéo khách về mình dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện. Trung bình giá phòng tại khu vực phố cổ dao động từ 40 USD-70 USD/phòng thì nay giảm một nửa chỉ còn 20 USD-30 USD/phòng.
"Hầu hết khách sạn đều cắt cử cho nhân viên nghỉ để đảm bảo nhân viên có mức thu nhập khoảng 50%-70% so với mức lương trước khi bùng phát dịch, để đảm bảo họ không bỏ doanh nghiệp mà đi. Vì thế mà nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả quỹ lương khá lớn. Do đó, tôi mong nhà nước có thêm chính sách và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung phục hồi trong khoảng thời gian khó khăn này".
Trước đó, ngày 04/2, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 541/NHNN-TD chỉ đạo toàn hệ thống có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 06/02, NHNN cũng đã họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) bàn các giải pháp cụ thể, tính toán thiệt hại để có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều NHTM đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây